Hội nghị lần này là dịp để cơ quan chức năng cùng 180 doanh nghiệp hàng hải bàn bạc, tháo gỡ vướng mắc, mở ra nhiều cơ hội phát triển vận tải đường biển, đường thủy bền vững, "chia lửa" cho đường bộ.
Lợi thế hàng hải chưa phát huy hết
Phát biểu mở đầu hội nghị, ông Nguyễn Xuân Sang - thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải - khẳng định thời gian qua, tình hình vận tải biển cũng gặp khó khăn về nguồn hàng giảm mà chi phí đầu tư tăng. Vì vậy, Bộ Giao thông vận tải đã có những tháo gỡ để giúp thông suốt hàng nội địa, xuất nhập khẩu.
Theo ông Sang, Việt Nam có bờ biển dài, gần các tuyến hàng hải quốc tế giúp ngành hàng hải và đường thủy nội địa phát triển. Hàng hải có vai trò quan trọng trong lĩnh vực giao thông vận tải, kinh tế Việt Nam. Hiện phần lớn hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam được vận tải bằng đường biển.
Hệ thống cảng biển đã tiếp nhận được tàu có trọng tải lớn nhất thế giới, thu hút được 40 hãng tàu lớn vào hoạt động.
Sau khi trình bày tham luận tại hội nghị, ông Vũ Thanh Hải - chủ tịch hội đồng quản trị Công ty CP vận tải và xếp dỡ Hải An - cho biết khó khăn của doanh nghiệp trong việc đầu tư tàu hiện nay là vốn đầu tư lớn, lãi suất vay ngân hàng cao dẫn đến chi phí lãi vay lớn.
Chính vì vậy, ông Hải kiến nghị Nhà nước cần có chính sách tốt hơn về lãi vay cho doanh nghiệp đầu tư phát triển đội tàu container, như: miễn hoặc giảm thuế VAT nhập khẩu tàu container hoặc thuê, mua container, tăng tuổi tàu được phép đăng ký và treo cờ Việt Nam từ 15 lên 17 tuổi.
Cùng quan điểm với ông Hải, đại diện một số doanh nghiệp cũng cho rằng Nhà nước cần quản lý và điều chỉnh các chi phí liên quan đến hoạt động khai thác tàu container tại tất cả cảng biển Việt Nam (như phí bốc xếp...) và ưu tiên giá tốt cho các doanh nghiệp Việt Nam. Đồng thời, cập nhật cảng trung chuyển Cần Giờ vào cảng biển.
Ông Đinh Xuân Khánh - giám đốc Công ty CP vận tải thủy Tân Cảng - kiến nghị các cơ quan ban ngành xem xét sửa hoặc xây mới lại các cây cầu đảm bảo tĩnh không tối thiểu 7m. Mở rộng các tuyến luồng và thường xuyên nạo vét để tàu, thuyền đi lại dễ dàng hơn.
Nâng tỉ trọng vận tải lên 50%
Sau khi một số doanh nghiệp trình bày tham luận, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cũng bày tỏ mong muốn lắng nghe doanh nghiệp trong lĩnh vực nghiên cứu, đề xuất giải pháp thiết thực để tận dụng hết lợi thế về đường biển, thủy nội địa "trời cho".
Theo bộ trưởng, hiện nay kết cấu đường bộ dù đã cố gắng đầu tư, thị phần đường bộ chiếm 80% hàng hóa và gần 100% hành khách nhưng hệ thống đường thủy, hàng hải rất tốt ở cả ba miền thì chưa khai thác tối ưu. Do đó, bộ trưởng mong muốn thời gian tới phải nâng tỉ trọng vận tải hàng hải, thủy nội địa lên, ít nhất là 50%.
Với trách nhiệm là cơ quan quản lý nhà nước, Bộ Giao thông vận tải sẽ phối hợp với các cơ quan, doanh nghiệp để hiện thực hóa tiềm năng đường hàng hải Việt Nam.
Các cục, vụ, địa phương phải cùng nhau giải quyết triệt để các vướng mắc, trăn trở của doanh nghiệp. Từ đó đề ra nhiều giải pháp xử lý sớm. Đề xuất nào hợp lý thì có điều chỉnh ngay.
"Các vấn đề thủ tục, phí, chúng ta cũng cần làm nhanh gọn, tiết kiệm tối đa chi phí và thời gian. Chúng ta không nên ứng xử hàng hóa trung chuyển, quá cảnh như hàng xuất nhập khẩu. Các kiến nghị về nâng tĩnh không cầu, nạo vét luồng là vấn đề sẽ tiếp tục cần quan tâm, giải quyết", ông Thắng cho hay.
Ngoài ra, bộ trưởng cho biết Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ hỗ trợ cho việc làm các quy hoạch, chính sách để đầu tư phát triển hạ tầng cảng biển, cảng đường thủy nội địa... Bộ Tài chính xem xét, bổ sung các quy định tăng cường quản lý giá dịch vụ, phụ thu đối với hàng hóa từ cảng biển.
Đồng thời tiếp tục cải cách thủ tục hải quan, đặc biệt là các cảng trung chuyển nước sâu khu vực cạnh bờ.
Bổ sung luồng tuyến
Tại hội nghị, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Lê Đỗ Mười cho biết với đề xuất cập nhật cảng trung chuyển Cần Giờ vào cảng biển đã có báo cáo gửi Thủ tướng.
Trong đề án cảng Cần Giờ có cập nhật nguyên trạng nội dung mà các doanh nghiệp kiến nghị, bổ sung đề xuất một số luồng tuyến để tàu thuyền tiếp cận cảng thuận lợi nhất.
Về vấn đề duy tu, nạo vét luồng lạch hàng hải, ông cho biết Cục Hàng hải cùng các đơn vị bố trí nguồn lực xử lý để tàu qua lại thông suốt. Đối với các vị trí chưa bố trí nguồn kinh phí sẽ đề xuất và triển khai khi có nguồn vốn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận