"Điện ảnh vừa là ngành văn hóa nghệ thuật vừa là ngành kinh tế" - Phó chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nói - Ảnh: LÊ KIÊN
Sáng 24-9, Ủy ban Văn hóa, giáo dục đã họp phiên toàn thể, kết nối từ Nhà Quốc hội đến các đại biểu Quốc hội là thành viên ủy ban để thẩm tra dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi).
Tại điểm cầu Hà Nội, có Phó chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục Nguyễn Đắc Vinh, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch Nguyễn Văn Hùng chủ trì, cùng các đại biểu thường trực của ủy ban và bộ, ngành liên quan tham dự.
Khan hiếm phim Việt Nam phát trên truyền hình
Theo tờ trình của Chính phủ, sau 14 năm thực hiện, bên cạnh những đóng góp tích cực, hiệu quả cho sự phát triển điện ảnh Việt Nam, Luật điện ảnh đã bộc lộ những thiếu sót, bất cập cần sớm được sửa đổi, bổ sung.
Đáng chú ý là một số hành vi vi phạm về sản xuất, phát hành, phổ biến phim, lưu trữ phim, nhân bản không còn phù hợp với tình hình thực tiễn và đã được điều chỉnh cụ thể bằng các văn bản quy phạm pháp luật khác.
Ví dụ, quy định về "Bảo hộ quyền tác giả, quyền sở hữu tác phẩm" đã được điều chỉnh tại Bộ luật dân sự năm 2015 và Luật sửa đổi, bổ sung Luật sở hữu trí tuệ năm 2009; quy định "doanh nghiệp sản xuất phim" và "doanh nghiệp dịch vụ sản xuất phim" không tương thích với các quy định của Luật doanh nghiệp năm 2020 và Luật đầu tư năm 2020...
Trình bày báo cáo thẩm tra sơ bộ của thường trực Ủy ban Văn hóa, giáo dục, Phó chủ nhiệm Phan Viết Lượng cho rằng việc sửa đổi, bổ sung luật lần này phải "bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tạo hành lang pháp lý thuận lợi, khuyến khích sự tham gia của toàn xã hội, huy động các nguồn lực tham gia phát triển ngành điện ảnh".
Theo ông Lượng, bên cạnh các chính sách ưu đãi của Nhà nước nhằm phát triển ngành điện ảnh, cần nghiên cứu, đưa vào luật một số chính sách về xã hội hóa; huy động các thành phần kinh tế, cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh; hỗ trợ sản xuất phim như một loại đầu tư rủi ro.
Đối với công tác sản xuất, phát hành và phổ biến phim, Ủy ban Văn hóa, giáo dục đã có khảo sát, qua đó thấy rằng mặc dù đã đạt được nhiều kết quả trong thời gian qua, nhưng số lượng phim Việt Nam còn hạn chế.
Tỉ lệ chiếu phim Việt Nam trong hệ thống rạp, trên hệ thống truyền hình thấp hơn quy định, chưa đáp ứng nhu cầu xem phim của người dân; tỉ lệ phim có kịch bản chuyển thể từ phim nước ngoài khá cao, tiềm ẩn nguy cơ phai nhạt hoặc đánh mất giá trị văn hóa Việt và ảnh hưởng đến lối sống của thế hệ trẻ.
Ông Phan Viết Lượng - phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục
Vẫn theo ông Phan Viết Lượng, "rất ít đài truyền hình thực hiện sản xuất phim, số lượng phim Việt Nam phát trên truyền hình khan hiếm. Mặc dù nhiều đài truyền hình có nhu cầu phát lại, khán giả muốn xem các phim chiếu rạp trên truyền hình nhưng phần lớn phim chiếu rạp chưa thể phát sóng trên truyền hình vì nhiều lý do".
Do đó, cần nghiên cứu, quy định cơ chế khuyến khích phổ biến phim, nhất là phổ biến phim sản xuất sử dụng ngân sách nhà nước, phim của các nhà sản xuất phim tư nhân trong nước trên hệ thống truyền hình, trong cơ sở giáo dục và phục vụ hoạt động du lịch để đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, học tập, nghiên cứu của nhân dân, khai thác, phát huy hiệu quả các nguồn phim.
"Phim là một tác phẩm nghệ thuật trọn vẹn, xuyên suốt" - Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nói - Ảnh: Quochoi.vn
Tự kiểm duyệt khi phát hành phim trên mạng
Chính phủ đề nghị quy định: Các doanh nghiệp, tổ chức phổ biến phim trên không gian mạng phải tự kiểm duyệt nội dung, tự phân loại, hiển thị kết quả phân loại phim theo tiêu chí quy định, cung cấp công cụ xử lý vi phạm cho cơ quan quản lý nhà nước về phát hành, phổ biến phim; bảo đảm không vi phạm pháp luật, chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung phim phổ biến.
Trình bày về quy định này, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết khi soạn thảo luật thì đây là vấn đề gây băn khoăn. Kiểm định phim trên không gian mạng là vấn đề khó, dựa vào công nghệ thì chúng ta mới chỉ kiểm soát được âm thanh, nhưng chưa kiểm soát được hình ảnh.
Nếu quy định theo hướng tiền kiểm thì phải tăng nguồn nhân lực, thiết bị rất lớn và cũng đi ngược lại xu thế. Vì vậy, Chính phủ đã lựa chọn phương án là hậu kiểm, trong đó quy định chặt chẽ trách nhiệm của chủ thể phổ biến phim trên mạng.
Chia sẻ về việc đánh giá nội dung phim, bộ trưởng nhấn mạnh rằng tác phẩm điện ảnh là tác phẩm nghệ thuật xuyên suốt, trọn vẹn, không thể cắt ra một khúc để bình luận, đánh giá hoặc phê phán, mà nên xem tổng thể tác phẩm.
"Ví dụ, một phim có thể có phân đoạn nào đó có cảnh bạo lực, nhưng xuyên suốt phim là lên án, phê phán bạo lực" - bộ trưởng nói.
Vẫn theo người đứng đầu ngành văn hóa, ngân sách nhà nước cấp cho sản xuất phim rất ít, trong 5 năm gần đây mỗi năm trung bình chỉ có 65 tỉ đồng cấp cho sản xuất các phim phục vụ nhiệm vụ chính trị như đề tài cách mạng, đề tài thiếu nhi… Nếu chia ra thì mỗi phim trung bình chỉ khoảng hơn 2 tỉ đồng.
Đại biểu Quốc hội: độ tuổi được xem phim ‘nhạy cảm’ ở Việt Nam phải cao hơn nước ngoài
Về phân loại phim, đa số ý kiến nhất trí là phân loại theo độ tuổi người xem. Góp ý thêm về quy định này, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) đề nghị nên quy định phân loại phim theo độ tuổi đối với người Việt Nam phải cao hơn so với nước ngoài.
"Ví dụ, với các phim hành động của Mỹ, các phim lãng mạn tình cảm của Pháp nếu họ quy định độ tuổi được xem là 15 trở lên thì mình quy định là 18, họ quy định là 18 thì mình nên quy định là 21, bởi ở nước ngoài thì 18 tuổi đã tự lập rồi, nhưng ở Việt Nam tuổi 18, thậm chí 21 vẫn còn phụ thuộc" - ông Cảnh giải thích.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận