Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chia sẻ về những tiêu cực của ngành y tế - Video: NGUYỄN KHÁNH
Phát biểu tại hội nghị Chính phủ với địa phương chiều 5-1, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng cuộc chiến phòng chống dịch COVID-19 chưa có trong tiền lệ, tạo thách thức chưa từng có đối với hệ thống y tế mà "đôi lúc tưởng chừng khó vượt qua". Song với sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và tham gia của mọi tầng lớp nhân dân, ngành đã trụ vững, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách.
Trong bối cảnh đó nhiều giải pháp chuyên môn chưa có trong tiền lệ được triển khai, bám sát thực tế diễn biến dịch bệnh. Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 lớn nhất trong lịch sử đã được triển khai thành công với hơn 155 triệu liều, giúp tốc độ và tỉ lệ bao phủ tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 thuộc những nước hàng đầu trên thế giới, về đích sớm hơn.
Tuy vậy, chỉ ra những tồn tại, yếu kém, ông Long cho rằng năng lực đáp ứng của hệ thống y tế, y tế cơ sở còn hạn chế, các chế độ chính sách chưa phù hợp, đời sống cán bộ y tế có nhiều khó khăn; chưa kịp thời. Đặc biệt, những vụ việc tham nhũng, tiêu cực lợi dụng dịch bệnh để trục lợi đã xói mòn lòng tin đối với ngành.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh sẽ đẩy mạnh phòng chống tiêu cực, tăng kỷ luật kỷ cương - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
"Những vi phạm, sai sót xảy ra vừa qua rất nghiêm trọng nhưng không là hình ảnh đại diện của ngành, không thể làm phai mờ những nỗ lực đóng góp, cống hiến đêm ngày cũng như sự hy sinh của đội ngũ thầy thuốc, các y bác sĩ, các cán bộ, nhân viên ngành y tế trong cuộc chiến với dịch COVID-19 trong suốt thời gian qua và cả trong thời gian sắp tới" - ông Long bày tỏ.
Nhận định trong thời gian tới, dịch COVID-19 chưa thể kiểm soát được hoàn toàn, ông Long cho rằng có thể xuất hiện các biến chủng mới nguy hiểm hơn, số mắc có thể tăng nhanh ngay cả khi đã tiêm vắc xin, nếu không tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.
Đặc biệt, với sự xâm nhập của biến chủng Omicron và có thể sẽ còn xuất hiện thêm những biến chủng mới khác, đòi hỏi nỗ lực lớn hơn, bộ trưởng khẳng định nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu là tiếp tục tập trung cao nhất cho công tác phòng, chống dịch COVID-19, thực hiện thành công Chương trình phòng chống dịch COVID-19 (2022-2023), thực hiện hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội.
"Cuộc chiến phòng COVID-19 vẫn còn trước mắt, mỗi ngày vẫn có hơn 200 người tử vong do dịch bệnh, nếu để Omicron lan tràn sẽ dẫn đến tình trạng quá tải hệ thống y tế, vì vậy vẫn phải đặt trọng tâm cho công tác phòng chống dịch" - bộ trưởng nói và cảnh báo dù có nghiên cứu cho thấy mức độ tăng nặng của Omicron nhẹ hơn Delta nhưng tốc độ lây lan nhanh gấp 7 lần với người chưa tiêm, 3 lần với người đã tiêm.
Vì vậy, nếu để Omicron lan rộng sẽ dẫn tới quá tải hệ thống y tế, con số tử vong sẽ tiếp tục tăng lên.
Ông Long cũng nhấn mạnh ngành sẽ tập trung hoàn thiện thể chế, các văn bản pháp luật để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, chỉ đạo và triển khai hoạt động. Đẩy mạnh công tác phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm trong công tác y tế.
Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao năng lực, chất lượng hoạt động của y tế dự phòng và y tế cơ sở; nâng cao chất lượng chuyên môn, tăng cường chất lượng khám bệnh, chữa bệnh, cải thiện chuyên môn y tế tại vùng sâu, vùng xa, khu vực miền núi, vùng khó khăn.
Đồng thời nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế, từng bước đảm bảo đủ số lượng, nâng cao chất lượng cho đội ngũ nhân viên y tế các tuyến; có các chế độ chính sách đãi ngộ phù hợp, tăng phụ cấp của nhân viên y tế dự phòng và y tế cơ sở lên 100%; sắp xếp bộ máy y tế, nhất là y tế cơ sở một cách phù hợp theo quy mô dân số, không theo địa giới hành chính.
Gắn với đẩy mạnh các hoạt động trên tất cả các lĩnh vực chuyên môn, đổi mới phương thức quản lý, tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực dược, trang thiết bị, thông tin tuyên truyền, tăng cường kỷ cương, kỷ luật.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận