Ông Cao Đức Phát - Ảnh: Việt Dũng |
Thông qua báo Tuổi Trẻ và một số cơ quan báo chí, tôi gửi lời xin lỗi đến người dân vì những sơ sót trong phát biểu vừa qua tại Quốc hội. Làm sao để bữa ăn của người dân được an toàn, bảo đảm sức khỏe là mong muốn thực sự của tôi, thôi thúc tôi và các đồng nghiệp nỗ lực trong công việc... |
Ông Cao Đức Phát nói: “Mất an toàn thực phẩm hiện nay là rất nghiêm trọng, đúng như Chủ tịch Ủy ban MTTQVN Nguyễn Thiện Nhân đã từng nói mới đây. Về phát biểu của tôi tại Quốc hội, có lẽ do thời gian chưa được nhiều, tôi đã diễn đạt chưa hết ý.
* Thưa bộ trưởng Cao Đức Phát, ông nói “Đa số thực phẩm đều an toàn nhưng người dân không biết...”, người dân và cả một số đại biểu Quốc hội đã phản ứng dữ dội, họ nói “không tin được”. Ông nghĩ gì về điều này?
- Vì khi đưa ra những con số thực phẩm đã xét nghiệm thì tôi chỉ đưa ra hai mặt hàng, cái này cũng là vì thời gian có hạn.
Trong khi thực tế đời sống còn rất nhiều mặt hàng thực phẩm khác và mỗi thời điểm khác nhau thì cũng có chất lượng khác nhau. Rõ ràng là người dân phải có nhiều thông tin hơn nữa, kiểm chứng thực tế hơn nữa thì mới có thể kết luận như vậy.
Tôi nghĩ là người dân, đại biểu đã phản ứng đúng. Vì các đại biểu và người dân sẽ thấy rằng nếu chỉ lấy hai số liệu tôi đưa ra khi phát biểu để minh chứng thì sẽ không phản ánh đúng tình hình.
Đánh giá về tình hình thực phẩm là đánh giá qua nhiều năm, nhiều thực tế chứ không chỉ qua hai con số như tôi đã nêu... Và tôi cũng hiểu rằng đối với hai sản phẩm này, cũng phải đánh giá theo từng thời điểm chứ không kết luận một lần là được.
Thực tế tại hội trường tôi chuẩn bị nhiều thông tin nhưng vì thời gian có hạn chưa nói hết được. Tình hình mất vệ sinh an toàn thực phẩm trong 5 tháng vừa qua đã có chuyển biến tích cực hơn nhưng để chuyển biến như mong muốn của người dân thì phải còn thời gian nữa.
Chúng tôi có nhiều biện pháp, nhiều con số, nhiều hành động, chương trình và rất mong có cơ hội thông tin đến tất cả mọi người
Với những gì tôi đã nói ở hội trường Quốc hội, người dân và các đại biểu đánh giá tôi, phản ứng về bài phát biểu của tôi, tôi cho là đúng!
Còn việc tôi nói “vì người dân không biết” là ý tôi muốn nói đến người dân chưa biết nhiều những chuỗi cửa hàng thực phẩm an toàn mà tôi đã nêu trước đó. Cái này do cách diễn đạt, không phải suy nghĩ của tôi.
* Bản thân ông là một chính khách, là tư lệnh ngành nông nghiệp, ông nghĩ gì khi người dân, dư luận đánh giá ông đã có phát biểu quá chủ quan, không đúng sự thật, không thể tin được về tình hình mất vệ sinh an toàn thực phẩm?
- Như tôi đã giải thích, do thời gian có hạn và diễn đạt chưa đầy đủ ý nên dẫn đến cách phản ứng của đại biểu và nhân dân. Tôi khẳng định, tôi nói như vậy và mọi người hiểu như vậy, tôi cho là đúng rồi.
Nhưng cá nhân tôi, gia đình tôi cũng tiêu dùng như bao gia đình khác, cũng ăn quán bình dân, vỉa hè. Tôi vào bệnh viện thăm mẹ, cũng ăn ở căn tin bệnh viện. Trong gia đình tôi cũng có người bị ung thư. Do đó tôi rất hiểu nỗi lo lắng về thực phẩm bẩn như thế nào.
Tôi cảm nhận rất rõ nỗi đau của gia đình các nạn nhân bị bệnh vì thực phẩm bẩn, cảm nhận rõ nỗi lo lắng của người dân khi phải đối mặt với thực phẩm bẩn.
* Thưa ông, gần đây trao đổi với Tuổi Trẻ thì đại diện Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết chỉ 10 kg/tổng số trên 9.000 kg Salbutamol (chất cấm sử dụng trong chăn nuôi, có tác dụng tạo nạc) được dùng làm thuốc, hàng ngàn kg đã bị bán trôi nổi cho người chăn nuôi.
Bộ Y tế phản bác con số này nhưng cũng chưa có thống kê lượng Salbutamol đã được sử dụng đúng mục đích là làm thuốc. Như ông nói là giờ đã có con số đầy đủ, vậy bao nhiêu Salbutamol bị thất thoát ra khu vực chăn nuôi?
- Cái này thì tôi đã có con số đầy đủ rồi, là của cơ quan chuyên môn của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thông báo cáo. Trong số gần 9.400 kg Salbutamol được nhập khẩu, số đã sử dụng làm thuốc chữa bệnh là 1760 kg, tồn kho trên 1300 kg (tính đến tháng 1-2016).
Trong số đã bán ra thị trường thì đã thu hồi được 2.050 kg, số còn lại đang được kiểm tra tiếp. Cuộc thanh kiểm tra này là phối hợp của 3 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế và Công an, nhưng con số chính xác nhất phải là con số do Bộ Y tế công bố.
TP.HCM, Đồng Nai và Tiền Giang còn phát hiện chất cấm trong thịt động vật
* Như Bộ trưởng có nói gần đây là nếu phát hiện thịt heo nhiễm chất cấm như salbutamol thì sẽ tiêu hủy theo quy định mới. Bao giờ sẽ thực hiện quy định mới này, vì việc phát hiện chất cấm nhưng không tiêu hủy mà “phạt cho tồn tại” thấp như hiện nay khiến người chăn nuôi vẫn tiếp tục sử dụng chất cấm… - Ông Nguyễn Văn Việt, Chánh Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Chúng tôi vừa tổ chức hội nghị thanh tra chuyên ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn ở Đà Nẵng, đã công bố rõ với 63/63 địa phương là theo nghị định 119, khi kiểm tra tại lò mổ phát hiện động vật có nhiễm chất cấm thì đề nghị phải tiêu hủy. Nếu không tiêu hủy phải báo lại cho Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn. Tuy nhiên ở khu vực trang trại thì quy định hiện nay là chỉ yêu cầu tiêu hủy khi phát hiện tái phạm, còn vi phạm (sử dụng chất cấm) lần đầu thì cho nuôi tiếp đến khi đạt yêu cầu thì cho giết mổ. Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng đã giao thanh tra Bộ thành lập đoàn thanh tra, đầu tuần tới chúng tôi sẽ đi TPHCM. Hiện còn 3 địa phương là TP.HCM, Đồng Nai và Tiền Giang là còn phát hiện chất cấm trong thịt động vật, nhưng tỷ lệ đã giảm xuống còn 1,5-2% số mẫu, còn thời gian trước đó tỷ lệ phải lên đến 20%. Điều đó cho thấy có sự thay đổi. |
Mời bạn đọc tiếp tục theo dõi toàn văn cuộc trao đổi với Bộ trưởng Cao Đức Phát về an toàn thực phẩm và những rắc rối xung quanh nhận định của ông rằng đa số thực phẩm là an toàn trên báo giấy Tuổi Trẻ phát hành ngày mai, 4-4 |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận