13/06/2014 16:13 GMT+7

Bộ trưởng Bộ Tư pháp: Ưu tiên "dọn dẹp" hệ thống pháp luật VN

V.V.THÀNH thực hiện
V.V.THÀNH thực hiện

TTO - Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường nói hiện nay hệ thống pháp luật của Việt Nam có lẽ phức tạp nhất thế giới. Rất nhiều chủ thể được ban hành văn bản quy phạm pháp luật, thậm chí đến tận chủ tịch xã.

Pháp luật Việt Nam phức tạp nhất thế giới!Quốc Hội "lo lắng về hệ thống pháp luật phức tạp"

H0XqjXC4.jpgPhóng to
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường - Ảnh: Việt Dũng

Phóng viên Tuổi Trẻ có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Hà Hùng Cường xung quanh vấn đề này.

* Nếu như hệ thống pháp luật của Việt Nam phức tạp nhất thế giới thì nên mừng vì ta có nhiều luật, hay nên lo vì không biết người dân sẽ làm thế nào, thưa bộ trưởng?

- Nhiều luật cũng tốt nhưng vấn đề ở đây không chỉ có luật, mà từ luật đến pháp lệnh, nghị quyết, nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, thông tư của các bộ, rồi đến tận chỉ thị của ông cấp xã nữa. Làm cho rối lên là như vậy. Chủ tịch Quốc hội đã nêu rất đúng là trách nhiệm của chính quyền địa phương chứ không phải chỉ ở trên trung ương. “Rừng” luật ở chỗ đó.

* “Rừng” luật theo nghĩa về số lượng hay sao, thưa bộ trưởng?

- Kể cả về sự rậm rạp, khó chấp hành.

* Hiến pháp mới đã có hiệu lực, nhưng hệ thống văn bản pháp luật bên dưới vẫn có những nội dung có thể chưa phù hợp, vậy vấn đề này giải quyết thế nào?

- Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ đã có kế hoạch nhưng vấn đề là phải có thời gian. Ví dụ như cuối tháng 6 này theo lịch của Chính phủ thì các bộ, tỉnh phải báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ việc rà soát xem những nội dung văn bản nào phải dừng thi hành vì trái Hiến pháp. Đây là công việc rất đồ sộ mà chúng ta phải làm. Nhưng xin nói thêm là cái hiểu về quy định của Hiến pháp, phù hợp với tinh thần của Hiến pháp đang khác nhau. Tôi lấy ví dụ tòa án thực hiện quyền tư pháp. Nhưng quyền tư pháp là gì, khái niệm quyền tư pháp ra sao thì trong Luật tổ chức tòa án hiện nay chưa rõ. Viện kiểm sát có còn là tư pháp nữa hay không là vấn đề còn đang tranh luận.

Trong Hiến pháp có một điều về chính quyền địa phương, nói là cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND được tổ chức phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do luật định. Vậy bây giờ hiểu thế nào. Hiểu là có nơi không có HĐND hay hiểu là tất cả phải có HĐND.

* Vậy Hiến pháp quy định như thế thì nơi nào sẽ giải thích cách hiểu thống nhất?

- Sắp tới trình Luật tổ chức chính quyền địa phương thì lúc đó mới thống nhất cách hiểu. Tôi lấy ví dụ là Bộ Chính trị đã đồng ý cho TP.HCM và Đà Nẵng thí điểm đơn vị hành chính có thể chỉ có hai cấp. Chẳng hạn như với Đà Nẵng thì theo tôi rất phù hợp. Nhưng sự đa dạng đó chúng ta hiểu như thế nào trong Hiến pháp? Vì Hiến pháp nói là các đơn vị hành chính được phân định như sau: nước chia thành tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; tỉnh chia thành huyện, thị xã và thành phố thuộc tỉnh; thành phố trực thuộc trung ương chia thành quận, huyện, thị xã và đơn vị hành chính tương đương; huyện chia thành xã, thị trấn; thị xã và thành phố thuộc tỉnh chia thành phường và xã; quận chia thành phường. Như vậy thì cũng có người hiểu rằng tất cả đều phải là bốn cấp thì mới đúng Hiến pháp. Đây là những vấn đề còn đang tranh luận.

* Sau lần chất vấn này, đâu là những công việc mà bộ trưởng cho là quan trọng cần chọn để làm ngay?

- Chắc chắn là sau lần trả lời chất vấn này chúng tôi sẽ xây dựng một kế hoạch, thậm chí là kế hoạch để báo cáo Thủ tướng Chính phủ ban hành, vì như Chủ tịch Quốc hội nêu thì đây là những vấn đề chung của cả hệ thống. Bộ Tư pháp với vai trò nòng cốt phải có trách nhiệm chính. Tôi rất mừng là qua lần chất vấn này, đồng bào và cử tri cả nước hiểu rõ thêm vai trò, tầm quan trọng của pháp luật đối với cuộc sống, đối với phát triển kinh tế - xã hội…

Tôi vừa chỉ đạo cho anh em việc đầu tiên liên quan đến Bộ luật dân sự sửa đổi sắp tới. Phải rà soát làm sao với quyền con người, quyền công dân đã được khẳng định trong Hiến pháp thì phải tạo hành lang pháp lý về quan hệ dân sự, kinh tế phù hợp với quy định của Hiến pháp.

Thứ hai, Bộ luật hình sự sửa đổi sắp tới cũng phải được rà soát rất kỹ để bảo vệ tốt nhất quyền con người, quyền công dân. Chúng ta tất nhiên phải bảo vệ chế độ, bảo vệ an ninh quốc gia. Và nhất là rà soát kỹ những quy định hạn chế quyền con người, quyền công dân. Một việc nữa rất quan trọng là “dọn dẹp”, “phát quang” hệ thống pháp luật của chúng ta.

V.V.THÀNH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên