05/11/2009 09:30 GMT+7

Bộ trưởng Bộ công an Lê Hồng Anh nói về vụ PCI: "Đến nay thì thấy có thể có cơ sở"

V.V.THÀNH ghi
V.V.THÀNH ghi

TT - Chiều 4-11, bên hành lang Quốc hội, đại tướng Lê Hồng Anh (ủy viên Bộ Chính trị, bộ trưởng Bộ Công an) đã dành cho báo chí cuộc trao đổi về công tác chống tham nhũng.

Bộ trưởng Bộ công an Lê Hồng Anh nói về vụ PCI: “Đến nay thì thấy có thể có cơ sở”

TT - Chiều 4-11, bên hành lang Quốc hội, đại tướng Lê Hồng Anh (ủy viên Bộ Chính trị, bộ trưởng Bộ Công an) đã dành cho báo chí cuộc trao đổi về công tác chống tham nhũng.

ImageView.aspx?ThumbnailID=372929 ImageView.aspx?ThumbnailID=372931

Bộ trưởng Bộ Công an Lê Hồng Anh: "Hồ sơ vụ PCI liên quan đến ông Huỳnh Ngọc Sĩ có 4.000 trang phải dịch ra. Cơ quan chức năng ký hợp đồng với một công ty dịch thuật để làm. Tất nhiên công ty này muốn làm nhanh, phía cơ quan chức năng cũng muốn làm nhanh... " - Ảnh: Việt Dũng

Ông Nguyễn Minh Thuyết (phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng): "Trong vụ PCI, nhiều tháng qua mới dịch được 4.000 trang tài liệu phía Nhật Bản đưa sang. Theo như công bố của đồng chí có trách nhiệm thì tôi tính ra tốc độ dịch có 11 trang/ngày, như vậy là quá chậm. "

* Thưa bộ trưởng, nhiều đại biểu cho rằng một số vụ án tham nhũng được dư luận quan tâm thì quá trình điều tra, xét xử có chậm trễ?

- Đúng là như vậy. Có những vụ phải gia hạn, có những vụ gia hạn đến mức không còn chỗ gia hạn, không chứng minh được tội phạm thì phải đình chỉ. Có thể nói điều tra lĩnh vực tham nhũng cực kỳ khó khăn, phức tạp trong việc tìm chứng cứ. Bên cạnh đó, việc đấu tranh của nhiều tổ chức và cá nhân ở đơn vị nghi ngờ có người tham nhũng cũng không quyết liệt, còn nể nang này nọ, nên khi cơ quan chức năng hỏi thì họ từ chối, nói là không biết, không cung cấp chứng cứ.

Qua quá trình khởi tố, xử lý một số vụ án tham nhũng, theo cơ quan điều tra báo cáo thì tôi chưa thấy có vụ nào là từ tổ chức, đơn vị đó phát hiện anh A, anh B tham nhũng với đầy đủ chứng cứ, nên đi vào điều tra rất khó. Nhưng cần khẳng định các cơ quan chức năng cũng có nhiều cố gắng, trong 17 vụ án liên quan tham nhũng (được Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo) về cơ bản là cơ quan điều tra đã làm xong, chuyển qua Viện Kiểm sát. Tòa án cũng đã xử một số vụ án.

* Vụ báo chí nước ngoài đưa tin Công ty tư vấn quốc tế Thái Bình Dương (PCI) đưa hối lộ cho ông Huỳnh Ngọc Sĩ - nguyên phó giám đốc Sở Giao thông vận tải kiêm giám đốc Ban quản lý dự án đại lộ đông - Tây và môi trường nước TP.HCM - tiến độ điều tra đến đâu?

- Qua thông tin cung cấp từ điều tra của phía Nhật Bản về vấn đề tiêu cực có liên quan đến ông Huỳnh Ngọc Sĩ, cơ quan chức năng nước ta đã vào cuộc điều tra. Ban đầu chỉ cung cấp tin là có việc liên quan như vậy thôi. Cơ quan chức năng nước ta yêu cầu phải cung cấp hồ sơ quá trình điều tra. Khi cơ quan chức năng nước ta đi vào nắm tình hình thì phát hiện việc cho thuê nhà và đã điều tra, khởi tố, xét xử như chúng ta từng biết.

* Còn thông tin trên báo chí nước ngoài về việc đưa và nhận hối lộ trong vụ PCI?

- Sau đó phía Nhật Bản có cung cấp toàn bộ hồ sơ liên quan đến ông Huỳnh Ngọc Sĩ, hồ sơ gần 4.000 trang, chúng ta phải dịch ra. Về các hồ sơ liên quan đến pháp luật đâu phải ai cũng dịch được, trong lĩnh vực hình sự phải là cơ quan có trách nhiệm, có thẩm quyền, có đủ tư cách về mặt pháp lý.

Cho nên cơ quan chức năng nước ta đã ký hợp đồng với một công ty dịch thuật trong nước để làm, đây là công ty có đủ tư cách pháp nhân, tất nhiên công ty này muốn làm nhanh, phía cơ quan chức năng cũng muốn nhanh. Việc dịch thuật đã làm xong hơn nửa tháng, sau khi có bản dịch, trên cơ sở đó chúng ta tiến hành xem xét chứng cứ. Đến nay thì thấy có thể có cơ sở.

Nhưng việc sử dụng hồ sơ điều tra nước ngoài cung cấp thật ra chưa có tiền lệ ở nước ta, phải coi lại luật pháp của mình như thế nào... Chúng tôi đã bàn với các cơ quan có liên quan, thấy cần phải trao đổi thêm với Bộ Tư pháp xem việc sử dụng hồ sơ này (hồ sơ do phía Nhật Bản cung cấp) thì luật pháp nước ta quy định thế nào. Như vậy nó chậm nhưng mà chắc, chặt chẽ.

* Thưa bộ trưởng, thông tin trên báo chí nước ngoài về nghi án Công ty Securency (Úc) đã hối lộ hàng triệu USD cho một công ty Việt Nam để giành được hợp đồng in tiền polymer đã được Bộ Công an tiếp nhận như thế nào?

- Bộ Công an có ký kết hiệp định với nhiều nước về phòng chống tội phạm. Đó là về hợp tác quốc tế, còn về phòng chống tội phạm nói chung thì những thông tin từ trong nước hay ngoài nước, liên quan đến người VN hay nước ngoài, cơ quan chức năng đều quan tâm và phải xem xét. Dù đã ký hiệp định hợp tác về phòng chống tội phạm với nước nào đó, chúng tôi đều nắm lại kỹ và điều tra làm rõ chuyện này. Cũng như trường hợp ông Huỳnh Ngọc Sĩ, phải đặt vấn đề là phía bạn cung cấp như thế nào...

* Phía Úc đã cung cấp thông tin gì về vấn đề này chưa?

- Ở đây không phải chính thức cơ quan nào đó đưa tin mà là từ dư luận và báo chí, cho nên chúng tôi đã cử lực lượng tham gia trực tiếp để nắm tình hình chứ không thành văn bản...

V.V.THÀNH ghi

Ông Nguyễn Minh Thuyết (phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng): Chúng tôi chỉ biết qua báo chí

Về công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, năm 2009 không còn những vụ án điểm mở đầu rầm rộ, điều tra, xét xử kéo dài như các năm trước nữa. Nhưng vẫn có một số nghi án lớn mà quá trình thụ lý, điều tra diễn ra chậm chạp.

Như vụ PCI, lúc đầu chúng tôi chỉ biết tin qua báo chí nước ngoài, sau khi được đưa lên diễn đàn Quốc hội và được Thủ tướng chỉ đạo thì đã có chuyển biến.

Hay như vụ việc liên quan đến tiền polymer, chúng tôi cũng chỉ biết qua báo chí nước ngoài, đến kỳ họp Quốc hội này một số tờ báo trong nước mới bắt đầu đăng phát biểu có liên quan của những đồng chí có trách nhiệm. Ở đây, tôi cho rằng không nên coi thông tin từ nước ngoài ở mức độ tham khảo, cần nâng cao hơn nữa tính chủ động phòng chống tham nhũng.

--------------------------

Án tham nhũng: Xử “treo” nhiều không đủ sức răn đe

Sáng 4-11, Quốc hội đã nghe chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình trình bày báo cáo công tác của chánh án Tòa án nhân dân tối cao, viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Trần Quốc Vượng trình bày báo cáo công tác của viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trình bày báo cáo về công tác thi hành án, Bộ trưởng Bộ Công an Lê Hồng Anh trình bày báo cáo công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Thu Ba trình bày báo cáo thẩm tra các báo cáo trên.

Chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận về những báo cáo này.

Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) và nhiều đại biểu khác cho rằng trong bối cảnh tình hình tham nhũng vẫn đang diễn biến phức tạp, nghiêm trọng nhưng tỉ lệ được hưởng án treo còn nhiều, như vậy là chưa đủ sức răn đe đối với loại tội phạm được coi là “quốc nạn” này.

“Việc giải quyết nhiều án tham nhũng còn chậm. Qua giám sát của Ủy ban Tư pháp cho thấy hoạt động của ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng cấp tỉnh hiệu quả nhìn chung chưa cao. Đó là những vấn đề cần có biện pháp khắc phục” - ông Huỳnh Nghĩa nói. Đại biểu Võ Thị Hồng Thoại (Bạc Liêu) đề nghị phải xử lý đúng mức trách nhiệm của người đứng đầu trong các đơn vị xảy ra tham nhũng.

Trước tình hình vi phạm pháp luật của người nước ngoài ở VN ngày càng gia tăng, đại biểu Phạm Quốc Anh (Đồng Nai) nhận định đây là vấn đề nghiêm trọng mà cơ quan chức năng cần quan tâm.

Ông Anh nói: “Tội phạm người nước ngoài ở VN phần lớn đến từ châu Phi, có nguyên nhân là việc quản lý nhập cảnh chưa chặt chẽ. Việc phát hiện đấu tranh, ngăn chặn các hành vi tiêu cực của những đối tượng này cũng chưa chặt chẽ. Ngay như ở phố cổ Hà Nội, có nhiều người mà chúng ta quen gọi là Tây balô cởi trần, uống bia cỏ, hát hò rất nhếch nhác. Rõ ràng chúng ta cần có những biện pháp hành chính và hình sự phù hợp để ngăn chặn tình trạng này”.

Sáng nay (5-11), Quốc hội tiếp tục thảo luận về các báo cáo trên.

Phát hiện tham nhũng ít hơn...

ImageView.aspx?ThumbnailID=372932
Bà Lê Thị Thu Ba (chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội)

Tội phạm tham nhũng là tội phạm ẩn, giấu mặt, chúng ta không thể phát hiện được ngay, nên tôi không dám nói là cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng hiện nay chùng hay không chùng. Nhưng rõ ràng thời gian gần đây phát hiện (tham nhũng) được ít hơn, trong khi tình hình dư luận vẫn bức xúc...

Các giải pháp phòng chống tham nhũng mới bắt đầu triển khai, bên cạnh đó qua giám sát chúng tôi cũng nhận thấy có nơi, có chỗ việc bố trí cán bộ phòng chống tham nhũng chưa ngang tầm yêu cầu nhiệm vụ.

V.V.THÀNH

V.V.THÀNH ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên