Khách chọn mua nội thất tại một triển lãm về xây dựng tại TP.HCM - Ảnh: T.T.D.
Đó là thừa nhận của Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (Hawa), khi cho rằng đây là thời điểm chín muồi để doanh nghiệp đồ gỗ nội thất VN quay trở lại thị trường trong nước, thay vì nhường "sân diễn" cho các thương hiệu ngoại.
Sân nhà đãi khách?
Ông Trần Việt Tiến (Hawa) cho biết tại buổi làm việc với Thương vụ Ý tại VN mới đây, các doanh nghiệp VN đã rất ngạc nhiên với cách người nước ngoài đánh giá tiềm năng của thị trường nội thất VN.
Theo Thương vụ Ý, dù là quốc gia đang xuất khẩu gỗ và gỗ nội thất hàng đầu thế giới nhưng thị trường nội địa của VN lại đang thuộc về những "tay chơi" lớn như Đức và Pháp (phân khúc cao cấp), Nhật Bản, Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan (phân khúc còn lại).
Gỗ nội thất nhập khẩu VN đang bị hàng Trung Quốc áp đảo, chiếm đến 63%, Hàn Quốc 11%, tiếp theo mới đến nội thất Ý.
Năm 2018, dự kiến VN sẽ chi gần 500 triệu USD để nhập khẩu hàng nội thất và xu hướng này sẽ tiếp tục tăng trong những năm tiếp theo. Với nhu cầu tiêu thụ đồ gỗ bình quân hơn 21 USD/người/năm, thị trường nội thất VN đang rất hấp dẫn thương hiệu quốc tế.
Nhiều thương hiệu đồ nội thất và trang trí đến từ Đan Mạch, Đức, Thụy Điển... đều đang có kế hoạch thâm nhập thị trường VN. Ngay như IKEA, thương hiệu nội thất lớn của châu Âu, cũng thành lập một chi nhánh tại VN.
Ông Vũ Tiến Thập - chủ thương hiệu Home’Furni, siêu thị nội thất gia đình - cho biết sức mua thị trường nội địa hiện nay rất khả quan.
Người dùng VN đang ngày càng quan tâm nhiều hơn về không gian sống, chú ý đến tính hữu dụng của các đồ dùng nội thất chứ không còn mang tính cảm quan, thích gì thì đưa về nhà như trước đây.
Theo tính toán của ông Thập, đa phần gia đình sở hữu những căn hộ có giá trị trên 25 triệu đồng/m2 đều sẵn sàng sử dụng dịch vụ thiết kế trang trí cho căn nhà. Nhưng chưa thật sự có nhiều hệ thống siêu thị nội thất đủ lớn để người dân có thể mua sắm tự do trong đó.
Trong khi đó, chất lượng các sản phẩm nội thất nhập khẩu tại các siêu thị nội thất và các cửa hàng chuyên bán đồ nội hiện vẫn còn khá nhập nhằng.
"Ngày càng nhiều người sẵn sàng đầu tư mạnh tay cho không gian gia đình. Họ muốn công ty giao hàng miễn phí trong phạm vi thành phố, mỗi bao bì sản phẩm đều có kèm theo hướng dẫn sử dụng và lắp ráp chi tiết, thậm chí sử dụng các dịch vụ thiết kế riêng cho căn nhà" - ông Thập nói.
Không chỉ là bán ghế, bán tủ
Ông Huỳnh Văn Hạnh, phó chủ tịch Hawa, cho biết đồ gỗ nội thất xuất khẩu đóng góp 47% quan trọng trong tổng giá trị xuất khẩu ngành gỗ, với mức tăng trưởng hằng năm đạt 10%.
Thời gian qua, HAWA đang không ngừng khuyến khích doanh nghiệp trở về thị trường nội địa, đầu tư bài bản hơn. Việc các doanh nghiệp xuất khẩu phát triển thêm mảng bán lẻ là xu hướng tất yếu trước các biến động thị trường quốc tế.
Thế nhưng, để vào thị trường này cần có sự am hiểu thực sự nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng, không chỉ đơn thuần bán bàn ghế tủ... mà còn bán phong cách sống, thể hiện rõ gu thẩm mỹ tinh tế của chủ nhà.
Theo ông Nguyễn Đức Nghĩa - tổng giám đốc Công ty An Cường, VN đã bắt đầu có những doanh nghiệp đi theo cách của một số hệ thống như IKEA, JYSK... tại các nước, đó là trở thành địa chỉ để khách chọn mua đồ nội thất khi muốn thiết kế một ngôi nhà mới. Những cửa hàng nội thất mới này với khái niệm "one-stop shopping" - dừng mua sắm một chỗ, ứng dụng công nghệ tối đa hỗ trợ người dùng. Ở đây không chỉ bán gỗ lót sàn, cửa hay tủ, bàn, ghế... mà còn cho phép người dùng có thể tự phối cảnh 3D ngay với những món hàng họ muốn mua ở đây. "Khách không phải rơi vào cảnh tha từng món nhỏ nhiều nơi mà không biết nó có phù hợp với nhau hay không. Các căn nhà diện tích nhỏ hơn đang đòi hỏi nội thất sẽ ngày càng tối giản, tập trung vào công năng hơn, đó là điều kiện để thị trường nội thất VN phát triển" - ông Nghĩa nói.
Theo ông Lý Quý Trung - tổng giám đốc AKA Furniture Group, xây dựng một thương hiệu bán lẻ đúng nghĩa cần 30-50 năm, trong khi các công ty VN vẫn đang cố gắng xây dựng những hệ thống, làm sao để người tiêu dùng nghĩ đến hàng nội thất có chất lượng tốt mà giá cả không quá đắt là phải đến cửa hàng của mình. Trong giai đoạn này, làm được như vậy đã là thành công nhưng đáng tiếc chưa hình thành nhiều thương hiệu như vậy ở VN.
"Đồ nội thất "made in Vietnam" đang được xuất đi nước ngoài rầm rộ hiện nay chủ yếu là hàng gia công, nghĩa là vẫn còn mang trên mình thương hiệu nước ngoài. Về thị trường nội địa không thể giữ cách làm này. Sắp tới chúng tôi sẽ phát triển thêm nhiều cửa hàng, tăng sự trải nghiệm, nhận diện cho khách" - ông Trung nói.
Lo hàng Trung Quốc "đội lốt" hàng Việt
Chị Lê Thị Thương Hoài đang chọn nội thất cho căn hộ mới của mình ở Q.Phú Nhuận, TP.HCM - Ảnh: TRẦN BÌNH
Theo ông Huỳnh Văn Hạnh - phó chủ tịch Hawa, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc hiện nay cũng rất dễ biến VN thành "sân sau" của các sản phẩm gỗ Trung Quốc, nếu doanh nghiệp VN không xây dựng hệ thống bán lẻ vững chắc sẽ thua ngay trên sân nhà. Một khi xuất khẩu sang Mỹ bị tụt giảm, Trung Quốc phải tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm, đồ gỗ Trung Quốc sẽ đổ bộ vào các nước trong khu vực, trong đó có VN.
Trong khi đó, theo bà Đỗ Thị Kim Loan - tổng giám đốc Công ty Sao Mai, để bảo vệ thị trường gỗ nội thất trong nước cũng như xuất khẩu, ngành hải quan phải giám sát chặt hàng gỗ Trung Quốc vào VN dưới dạng gì, là thành phần hay bán thành phần hoặc nguyên liệu để áp thuế đúng mức, tránh tình trạng "đội lốt" hàng Việt để xuất khẩu nhằm hưởng ưu đãi thuế như đối với sản phẩm ván sàn Trung Quốc. Do đó, cơ quan chức năng VN phải chặt chẽ hơn trong việc xem xét để cấp C/O. Ít nhất mặt hàng đó phải trên 70% giá trị tạo ra ở VN mới được cấp C/O chứ không thể nào một mặt hàng chỉ có 10% hay 20% giá trị tạo ra ở VN mà cấp chứng nhận nguồn gốc xuất xứ VN.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận