19/11/2021 10:10 GMT+7

Bỏ phố về vườn - Kỳ 4: Đừng đem lãng mạn phố thị về làm nông dân

THÁI BÁ DŨNG
THÁI BÁ DŨNG

TTO - Ôm giấc mơ "về quê trồng rau, nuôi cá", chàng kỹ sư ôtô quê Nghệ An đã gác công việc lương cao trở về gầy dựng ruộng vườn. Nhưng sự khó khăn của nghề nông sớm làm anh sấp mặt.

Bỏ phố về vườn - Kỳ 4: Đừng đem lãng mạn phố thị về làm nông dân - Ảnh 1.

Phạm Văn Long (thứ hai từ trái) cùng những người đồng hành trên nông trại ở Nghệ An - Ảnh: NVCC

Mất phương hướng, trắng tay, anh ôm quần áo thất thểu trở lại thành phố đi bán nem chua.

Làm nông dân: đừng quá lãng mạn

Chàng trai trong câu chuyện ấy là Phạm Văn Long - 31 tuổi, hiện là chủ một công xưởng sản xuất ngũ cốc quy mô lớn ở vùng nông thôn xã Tân Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An). 

Dãy nhà xưởng nằm trên tuyến đường qua xã Tân Thành nhiều năm nay luôn sáng đèn. Những cỗ máy rang xay, nghiền nguyên liệu ngũ cốc được công nhân địa phương vận hành hết công suất để kịp ra hàng đưa đi khắp cả nước. 

Ngay tại vùng quê yên lành, thay vì phải bán thô với giá thấp thì những mẻ đậu, gạo hữu cơ của bà con được thu mua và chế biến thành sản phẩm tinh ngay trên chính thửa đất ít giá trị.

Ông chủ của xưởng này là Phạm Văn Long, tốt nghiệp ĐH Công nghiệp Hà Nội, được đưa qua Singapore đào tạo để về làm kỹ sư nhà máy sản xuất, lắp ráp ôtô. Nhưng giờ nhắc đến Long, ít ai nhớ anh là kỹ sư mà nhớ biệt danh Long "food", Long "ngũ cốc".

Long kể rằng khi thi đại học, anh mong muốn mình sẽ trở thành kỹ sư chế tạo. Nhưng năm 2015, khi tốt nghiệp ĐH và cầm tấm bằng cử nhân đi làm cho công ty nước ngoài, anh thấy mình không thực sự say mê. Sau thời gian được cử đi Singapore học, Long chủ động xin nghỉ việc. 

Quyết định gây nhiều bàn tán đối với bạn bè, người quê. Mẹ anh một mực khuyên Long tiếp tục bám trụ thành phố lập thân, nhưng quyết định của Long là dứt khoát. 

"Tôi về với ruộng vườn, với những cánh đồng màu mỡ phù sa ven sông đang bị bỏ hoang dần trong trào lưu bỏ quê ra phố" - Long kể.

Chàng trai xứ Nghệ này bắt đầu hành trình "hồi hương" mang theo khát vọng lập thân của một người trẻ có kiến thức với mảng làm giò bê và nem chua. Long lấy nguyên liệu ở quê nhà rồi kết nối đầu mối bán tại thủ đô Hà Nội. 

Năm 2017, khi mối lái ổn định thì Long giao việc lại cho người thân rồi khăn gói về quê. Anh mở trang trại chăn nuôi kết hợp kinh doanh thức ăn gia súc gia cầm.

"Bước đầu tôi tiến hành nuôi 10 con lợn và 300 con gà. Do sức khỏe không tốt nên tôi lúc nào cũng cảm thấy mệt mỏi do công việc cần tới sức vóc nhiều. Rồi 10 con lợn cũng tới ngày xuất chuồng, tôi bị lỗ do giá lợn xuống thấp. 

Tôi quyết định ngừng nuôi lợn và chỉ tập trung vào nuôi gà. Lứa gà đầu tiên khá thuận lợi, dịch bệnh ít nên có lãi chút. Tôi quyết định tăng đàn lên 500 con.

Và khó khăn bắt đầu tới mà tôi không lường trước được, đó là sau mỗi lứa chăn nuôi thì chuồng trại càng có nhiều mầm bệnh, lứa gà tiếp theo bắt đầu ốm yếu hơn, năng suất thấp hơn và tiền thuốc chữa bệnh cũng nhiều hơn. Đó cũng là lúc tôi vừa mới lấy vợ xong, khó khăn ập đến với vợ chồng trẻ. 

Việc kinh doanh thức ăn chăn nuôi không được thuận lợi. Bán cám cho người chăn nuôi thì hầu hết là chờ đến lúc xuất chuồng nông dân mới có tiền trả. Nhưng thời điểm năm 2018 giá vật nuôi đi xuống, nông dân lỗ nặng nên cũng không có tiền trả hết được.

Tôi bắt đầu trăn trở nhiều đêm và đưa ra quyết định dừng công việc hiện tại. Tôi nhận thấy mình không phù hợp với công việc này, việc cần có sức khỏe tốt và nguồn vốn lớn để duy trì. Cả hai cái quan trọng nhất tôi đều không có, vậy là tôi bàn với vợ mình phải dừng, đó là thời điểm khó khăn nhất mà tôi phải trải qua từ trước" - Phạm Văn Long kể.

Bỏ phố về vườn - Kỳ 4: Đừng đem lãng mạn phố thị về làm nông dân - Ảnh 2.

Long và vợ trên cánh đồng nguyên liệu của nhà máy ngũ cốc - Ảnh: NVCC

Hãy đi đến cùng của thất bại

Phạm Văn Long nói rằng thực tế phũ phàng của giấc mơ "hồi hương" đã làm anh nhận ra rằng đời không như là mơ. Nuôi lợn thì lợn chết, nuôi gà thì gà "toi", bán cám heo thì dân mua nợ đầm đìa tới rụng vốn. Những thất bại đó gây những tổn thương ghê gớm với một người đã từng là kỹ sư. Nhưng Long quyết không bỏ cuộc. 

"Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có viết rằng "hãy đi đến cuối cùng của tuyệt vọng, để thấy tuyệt vọng cũng đẹp như một bông hoa". Tôi thấy mình ở trong đó. Và tôi đi tìm bông hoa đẹp" - Long chia sẻ.

Năm 2018 sau một năm bầm dập, ôm nợ lớn và vỡ mộng về quê, vợ chồng Long dắt tay nhau quay lại phố để đi... bán giò nem cho mối lái. Khoảng khắc cuối năm ngắn ngủi đó đã giúp Long kiếm được 250 triệu đồng. Có tiền, giấc mơ "hồi hương" lại trỗi dậy mạnh mẽ. 

Long rủ người bạn thân mày mò tìm kiếm thông tin để mở ngành hàng sản xuất sản phẩm trên vùng Tân Thành nơi Long lớn lên. Những ngày đó, hàng loạt mặt hàng được đưa ra "thí nghiệm" để dò đường như mứt dứa, rượu dứa, dầu lạc (dầu phộng). Nhưng càng làm càng lỗ, thị trường đứt đoạn.

Phạm Văn Long nói rằng gần như mọi bế tắc đã dồn nén tới mức chẳng còn chút hy vọng nào. Nhưng anh bỗng tìm thấy đường đi trong một chuyện rất tình cờ. Một hôm khi Long có việc đi ra ngoài, người vợ của anh bảo thấy hai vợ chồng ốm yếu quá nên muốn mua bột ngũ cốc bồi bổ sức khỏe.

"Tôi thẫn thờ như có dòng điện trong người. Tôi tự hỏi rằng tại sao mình không sản xuất bột ngũ cốc khi mà nguyên liệu quê hương thì sẵn có, xu thế sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng từ hạt để thay thế động vật ngày càng cao. Tôi đi mua nguyên liệu trong sáng hôm ấy rồi về hì hục rang, giã. Làm tới làm lui cả chục mẻ thì bắt đầu ra... mùi ngũ cốc" - Phạm Văn Long nhớ lại.

Ngôi nhà nhỏ mà cha mẹ giao cho Long và vợ được biến thành xưởng sản xuất. Hai vợ chồng cứ xay rồi đóng bao từ sáng tới tối. Hàng làm ra không để bán mà tặng cho bạn bè, người thân dùng thử. Những lời khen, chê, góp ý giúp các mẻ ngũ cốc ngày càng ngon dần. 

Long mở rộng gian nhà, lấy sổ đất của cha mẹ cầm cố để vay tiền mua sắm máy móc. Những mẻ ngũ cốc làm ra lâu dần được "cải tiến, đóng bao bì bắt mắt và gửi theo xe ra thành phố để bán. Lần đầu tiên nhận được những món tiền nhỏ, hai vợ chồng mừng đến phát khóc.

Từ năm 2019, sau khi dò được đường đi của bột ngũ cốc, Long đi đăng ký hộ kinh doanh. Sau một năm Long đăng ký thành lập công ty để có danh phận, thuận tiện cho kế hoạch làm ăn lớn. Từ gian nhà ban đầu chỉ 40m2, tới nay xưởng của Long đã thành nhà máy với diện tích tới 1.500m2.

Nếu "đủ yêu" sẽ tới được bến bờ

Long "ngũ cốc, Long "nông dân" một thời trầy trật với giấc mơ cay đắng của hồi hương nay đã là ông chủ của Công ty cổ phần Thực phẩm dinh dưỡng LoliFood. Nhà máy của Long mọc lên nằm giữa cánh đồng lúa trải dài dọc qua xã Tân Thành. Long mở rộng quy mô dần, bắt tay với nông dân địa phương để tuyển lựa nguyên liệu.

Anh đặt hàng cho bà con cam kết sản xuất nông sản hữu cơ, không thuốc bảo vệ thực vật, anh bao tiêu sản phẩm với giá tốt. Anh còn tìm đến farm nông nghiệp của một người trẻ tại xã Hưng Lam (huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) để bắt tay với ông chủ trẻ cũng "hồi hương" lập thân như anh đã làm.

"Giờ đây tôi đã dám nói ra ước mơ của mình. Ước mơ có một cái nhà máy to hơn nữa, tạo công ăn việc làm cho người lao động địa phương. Không có thành quả nào được làm nên từ những điều lãng mạn viển vông ngoài sự cố gắng theo đuổi tới mệt mỏi.

Nếu quá mệt, cách duy nhất để tới đích là... phải đứng dậy đi tiếp. Khi đủ yêu, giấc mơ sẽ tới" - Long nói.

-------------

Bốn chàng trai ở các miền quê khác nhau. Sau khóa tu nghiệp ở Israel, họ quyết định mở "làng Do Thái" ngay trên cánh đồng bị bỏ hoang.

Kỳ tới: Qua Israel học làm nông dân

Bỏ phố về vườn - Cỏ hoa lãng mạn và sỏi đá chông gai - Kỳ 3 : Tôi là Nhân Bỏ phố về vườn - Cỏ hoa lãng mạn và sỏi đá chông gai - Kỳ 3 : Tôi là Nhân 'nông dân'

TTO - Năm 2014, Nhân là một kỹ sư hóa dầu, thông thạo tiếng Anh và được nhận vào làm với mức lương 20 triệu đồng/tháng tại Vũng Tàu. Ngỡ sẽ gặp anh đâu đó trên giàn khoan nhưng Nhân giờ lại miệt mài trên đám ruộng ở Quảng Nam.

THÁI BÁ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên