13/04/2025 13:05 GMT+7

Bỏ phố về quê vì hai tiếng gia đình

Chị H. (42 tuổi) hiện sống cùng mẹ và con trai tại một xã vùng cao của Bình Định. Kể về quyết định bỏ phố về quê hơn 6 năm trước của mình, chị H. thoáng bồi hồi nhưng khẳng định không hối hận.

về quê - Ảnh 1.

Công việc không còn quá áp lực vì phải chạy doanh số, KPI như trước, giúp chị có thêm thời gian làm vườn, thực hiện những điều mình thích - Ảnh: NVCC

Chị H. vốn là chuyên viên của một ngân hàng lớn, thuộc chi nhánh TP.HCM. Nguồn lương tương đối ổn định hằng tháng không thể giúp chị mua được một căn nhà tại TP.HCM khi giá nhà đất quá cao.

Gia đình chị thuộc hộ khó khăn trong xã. Chị là con cả, sau chị có 4 đứa em. Nhà chị chẳng có nguồn thu ổn định, ngoài việc đánh bắt cá xa bờ của người cha. 

Sau khi cha chị qua đời đột ngột trên biển, gánh nặng gia đình đè lên vai chị, lúc mấy đứa em còn nhỏ và người mẹ đã đau ốm triền miên hơn chục năm trời.

Bao khoản lương thưởng đều để chi trả sinh hoạt phí, khiến chị chẳng có nổi mấy đồng tiết kiệm. Sau này khi kết hôn, sinh con, rồi chẳng may ly hôn vì bất đồng quan điểm, chị một mình nuôi con mà không nhận được trợ cấp từ chồng. 

Người phụ nữ đơn thân với nguồn thu chỉ duy nhất từ nghề chính dần trở nên kiệt quệ. Đứa trẻ cần tới trường, và chị thì còn ở trọ, không có KT3. Thế là chị đành gửi con về quê cho mẹ cùng em gái chăm hộ.

Quãng thời gian xa con khiến chị hay mắc chứng lo âu. Những lần con ốm, mẹ ốm, một mình em gái chăm sóc thay chị cũng khiến chị rất áy náy. Ngoài tiền bạc, công sức, còn là thời gian của người thân. 

Đứa trẻ lớn dần, cũng cần người ở bên dạy bảo, đưa đón đi học. Khi em gái chuẩn bị kết hôn, không thể ở nhà chăm con giùm chị được nữa, chị quyết định nghỉ việc trong thành phố, về quê sống cùng con trai và mẹ già. Bỏ công việc khá tốt ở phố để về quê là một quyết định khó khăn, nhưng bắt buộc phải lựa chọn.

Sau khi về quê, thời gian đầu chị khá hụt hẫng, bởi công việc mới ngoài quê có mức lương thấp hơn rất nhiều so với công việc cũ ở phố. Nhịp sống ở quê với những công việc vườn tược, quan hệ cùng chòm xóm láng giềng cũng khiến chị bỡ ngỡ. Tuy nhiên, sau một thời gian thích nghi, tự điều chỉnh, chị đã dần hòa nhập và yêu thích với nhịp sống mới. Chị có thời gian chơi với con, chăm mẹ già.

Công việc không còn quá áp lực vì phải chạy doanh số, KPI như trước, giúp chị có thêm thời gian làm vườn, nuôi gà và thực hiện những điều mình thích. Nước lấy từ giếng, rau hái ngoài vườn, trứng gà tự nuôi, khiến những chi phí thuê trọ, điện nước, thức ăn hồi còn ở phố được cắt giảm rất nhiều. Vì vậy, tuy thu nhập giảm đi nhưng chất lượng cuộc sống của chị lại được nâng cao hơn. Chị thấy vui với những điều bình dị mình làm mỗi ngày.

Có lẽ chỉ bản thân mình mới biết đâu là thứ phù hợp. Phố hay quê, lựa chọn đi hay ở, đều không có một công thức riêng. Biết chấp nhận và hài lòng với thứ mình có đã là một dạng hạnh phúc.

Bỏ phố về quê vì hai tiếng gia đình - Ảnh 2.Bỏ phố về quê và những cơ hội rộng mở

Bỏ phố về quê không chỉ giúp cá nhân người lao động nâng cao chất lượng cuộc sống mà còn góp phần vào sự phát triển xã hội.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên