“Gã lãng tử” Nguyễn Tử Anh - Ảnh: Q.NG.
"Gã" ấy tên Nguyễn Tử Anh, vốn dân trường luật nhưng mê khởi nghiệp đến lạ lùng. Chẳng vậy mà chưa bao giờ Tử Anh giấu chuyện bản thân đã từng khởi nghiệp, rồi thất bại, rồi lại khởi nghiệp.
Ở tuổi 40, anh lại đang đi trên "một con đường khởi nghiệp mới của riêng mình", chỉ là thận trọng và vững tin hơn, sau những "bầm dập" của chặng đường đã qua.
Mỗi du khách trước khi về phải trồng lại ít nhất một cây rừng mới. Đó là cách ứng xử văn minh với thiên nhiên, bảo vệ môi trường sống của chính mình.
NGUYỄN TỬ ANH
Từ ký ức "cà phê khởi nghiệp"
* Ngược dòng 15 năm về trước, chắc anh vẫn chưa quên câu chuyện "cà phê khởi nghiệp"!
- Nhớ chứ! Đó là năm 2005, khi tôi đang làm tại Trung tâm Tư vấn kinh tế thanh niên (nay là Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp) của Thành đoàn TP.HCM. Khái niệm "khởi nghiệp" khi ấy còn xa lạ lắm chứ không như bây giờ.
Lúc đó, tôi nghĩ đơn giản là các bạn trẻ Sài Gòn hay đi uống cà phê, nói đủ thứ chuyện nên muốn tạo một không gian thư giãn, bên tách cà phê nhưng vẫn có thêm kiến thức, thông tin chuyện làm ăn. Vậy là "cà phê khởi nghiệp" ra đời.
Ở đó, các bạn vừa nhâm nhi ly nước, vừa nghe các chuyên gia, doanh nhân trẻ chia sẻ về chuyện làm ăn, cả thất bại lẫn thành công, thắc mắc gì cứ hỏi, ít ra khi về cũng nhớ được cho mình điều nào đó. Mỗi kỳ lại hẹn ở một quán cà phê khác nhau. Và mô hình này kéo dài cũng hai năm.
* Và anh đã khởi nghiệp từ lúc đó?
- Ra trường chưa bao lâu tôi đã tập tành làm ăn, lập một công ty du lịch nhưng không "sống" được bao lâu. Thật sự là lúc ấy mình có kiến thức về tài chính, nhân sự gì đâu, thích thì nhảy vào làm nên thất bại cũng nhanh. Sau khi rời trung tâm của Thành đoàn, tôi còn đi qua nhiều nơi khác.
Đến lúc này, tôi chẳng ngại ngần để nói với các bạn là tôi đã bảy lần khởi nghiệp thất bại, dù làm cho riêng mình hay cho ai khác.
Hiện tại tôi vẫn đang khởi nghiệp. Lần này cũng làm du lịch nhưng chọn một cách khác, khái niệm du lịch theo định dạng của riêng tôi. Tôi gọi tên là TropiAd (Tropical Adventure, tạm dịch: Hành trình trong vùng đất nhiệt đới).
Đến ứng xử văn minh với thiên nhiên
* Du lịch trồng rừng, sống giữa thiên nhiên, anh bắt "trend" nhanh đấy chứ!
- Đó giờ nói đến du lịch, người ta dễ nghĩ ngay đến việc thư giãn, nghỉ ngơi nhiều hơn. Tôi thích dã ngoại, đi cũng nhiều nên chọn du lịch trekking (tạm gọi du lịch khám phá). Chúng tôi đưa du khách đến sống giữa núi rừng, hòa mình vào thiên nhiên, thức giấc trong làn sương sớm, đi săn mây, tạm xa đô thị náo nhiệt.
Để đến nơi muốn đến, khách chỉ có một cách đi bộ, tự mang theo hành lý, vượt chặng đường lúc lên đồi, khi xuống dốc.
Nên để đáp ứng nhu cầu khác nhau, chúng tôi thiết kế đoạn đường trekking dài ngắn khác nhau, tùy khách chọn. Có thể cách chúng tôi đang làm tương đối mới, chưa nhiều nơi làm nhưng tham khảo thông tin, tôi thấy xu hướng này đang được nhiều nơi trên thế giới ưa chuộng.
Phương châm của chúng tôi là mỗi du khách kết thúc hành trình phải để lại ít nhất một cây rừng. Điểm trồng sẽ là các đồi trọc, vị trí chúng tôi khảo sát và được chính quyền địa phương cho phép trồng.
Hiện chúng tôi khai thác tuyến đến Lâm Đồng, khách trồng cây tại núi Đại Bình (Bảo Lộc) hoặc Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà (Lạc Dương). Mà phải là cây rừng, phù hợp thổ nhưỡng, có chăm sóc chứ không phải trồng xong bỏ đó, ra sao thì ra.
* Nghe có vẻ đi du lịch mà giống "hành xác" quá?
- Dĩ nhiên phải đảm bảo các điều kiện tối thiểu về chỗ ăn, ngủ, vệ sinh cho khách là những khu cắm trại giữa rừng với các nhà lều đảm bảo điều kiện ấy.
Những khu này được chính quyền cho phép, không xâm phạm đến rừng. Du khách sẽ đến với các bản làng người dân tộc thiểu số, tìm hiểu đời sống văn hóa của họ, ăn những món ăn chỉ nơi ấy mới có.
Khách sẽ không được chặt dù chỉ một cây nhỏ mà mỗi người phải trồng ít nhất một cây mới. Cũng không dùng âm thanh điện tử, mỗi người có túi rác riêng để hành trình trekking không xả rác ra môi trường.
Kết thúc mỗi chuyến, rác nhựa được gom bán ve chai, rác hữu cơ được xử lý vi sinh thành phân bón cây, nhà vệ sinh sau khi khách dùng xong chúng tôi xử lý để không có bất cứ tác động xấu nào đến môi trường. Ấy là những nguyên tắc chúng tôi đã làm từ khi công ty ra đời đến nay, và sẽ vẫn như thế.
Nhiều bạn trẻ hôm nay lười thể dục, mà tham gia hành trình cùng chúng tôi không thể không rèn luyện thể lực.
Nên đó cũng là cách rèn sức khỏe, rèn cả tinh thần. Xa hơn chúng tôi hướng đến khách du lịch nước ngoài. Vốn dĩ họ thích mạo hiểm, muốn khám phá, nhất là hòa vào thiên nhiên và văn hóa bản địa.
Tôi tự tin với con đường đang bước. Những điều thất bại tôi góp nhặt vào bản thảo tập sách đầu tiên Thất bại tuổi 30 trong dự định ba cuốn sách có chủ đề "Từ quê lên phố". Sẽ là những ghi chép về chặng đường đã qua, cả thất bại mà ít nhiều thêm góc nhìn cho những bạn trẻ khác, biết đâu chọn được cách tránh thất bại (cười).
Bài học khởi nghiệp nằm lòng
Những du khách nhí tham gia trồng rừng trong hành trình du lịch khám phá của Nguyễn Tử Anh - Ảnh: TỬ ANH
Tự nhận sau bảy lần thất bại, Tử Anh "ghi tạc" ba bài học khởi nghiệp nằm lòng. Đó là khả năng chịu đựng khó khăn, chọn nhân sự và kiến thức nền, nhất là về tài chính. Anh bảo hồi đó cứ gặp khó là bỏ cuộc, đầu hàng ngay chứ không kiên trì đi đến cùng gian khó.
Chưa kể, lập công ty mà không có tí kiến thức nào về quản lý tài chính, rồi nhân sự đủ tin vào nhau để có thể đồng hành dài lâu.
"Năm ngoái tôi bán nhà, mới đây tôi bán luôn xe để có thể trụ được sau cơn lốc COVID-19 quét qua nhưng hiện tại tôi đang đứng bằng đôi chân của mình. Đơn giản tôi đang nhận được sự ủng hộ quý giá của nhiều người, có đội ngũ đồng hành thấu hiểu để cùng nhau bước qua gian khó" - Tử Anh kể.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận