30/07/2024 09:39 GMT+7

Bộ Nội vụ phản hồi ý kiến cử tri về 'cán bộ vừa giữ chức vụ mới lại phát hiện sai phạm'

Bộ Nội vụ nhấn mạnh tinh thần lấy phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, hiệu quả công tác và uy tín làm thước đo, tiêu chí cơ bản để đánh giá, trước khi thực hiện công tác cán bộ.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà - Ảnh: GIA HÂN

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà - Ảnh: GIA HÂN

Bộ Nội vụ đã có trả lời kiến nghị của cử tri một số tỉnh, thành phố gửi đến trước kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV liên quan công tác cán bộ.

Đề nghị tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Theo đó, cử tri tỉnh Tây Ninh nêu hiện nay nhiều cán bộ, đảng viên, nhất là người có chức có quyền có hành vi tham nhũng gây dư luận xấu, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng.

Cử tri đề nghị cần nâng cao chất lượng công tác quy hoạch cán bộ, bố trí cán bộ.

Cán bộ khi đưa vào quy hoạch và trước khi bố trí vị trí cao hơn phải được rà soát, thẩm định kỹ phẩm chất, đạo đức, lối sống, chấp hành pháp luật, quy định của Đảng, tránh việc vừa giữ chức vụ mới lại phát hiện sai phạm.

Cử tri TP.HCM cũng kiến nghị cần quan tâm trong công tác tuyển dụng, sử dụng và bổ nhiệm cán bộ đúng quy trình, đồng thời tăng cường các giải pháp quản lý cán bộ, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược

Trả lời nội dung này, Bộ Nội vụ nêu rõ những năm qua, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành nhiều văn bản về công tác cán bộ.

Việc này nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Trong đó, chú trọng tăng cường kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ, xử lý nghiêm minh, kịp thời các cán bộ, đảng viên vi phạm quy định của Đảng, của pháp luật, kể cả khi đã nghỉ việc, nghỉ hưu.

Đặc biệt, Bộ Chính trị ban hành quy định 50, quy định 89/2017 về khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.

Quy định 214/2020 về khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Quy định số 65/2022 về luân chuyển cán bộ, quy định 80/2022 về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử.

Bên cạnh đó là các quy định 114/2023 về kiểm soát quyền lực và phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ, quy định 69/2022 về kỷ luật tổ chức đảng và đảng viên vi phạm...

Bộ Nội vụ nêu rõ tại quy định 50/2021 về công tác quy hoạch cán bộ vào danh sách giới thiệu nhân sự quy hoạch bảo đảm chặt chẽ, dân chủ, công khai, minh bạch, đúng quy trình, thẩm quyền.

Không đề xuất, phê duyệt quy hoạch những trường hợp không bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện.

Căn cứ quy định nêu trên và hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương, các cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị đã ban hành văn bản cụ thể hóa và triển khai thực hiện.

Căn cứ các nghị quyết, quyết định, quy định, kết luận của Đảng, Bộ Nội vụ đã tham mưu Chính phủ ban hành các nghị định về cán bộ, công chức viên chức, bảo đảm chặt chẽ, dân chủ, công khai, minh bạch, thống nhất, đồng bộ với quy định của Đảng trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ.

Bộ thông tin thêm Bộ Chính trị đã ban hành chỉ thị 35 về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Theo đó tăng cường các giải pháp quản lý cán bộ, phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo đúng tinh thần kiên quyết không để "lọt" vào cấp ủy khóa mới những người bản lĩnh chính trị không vững vàng, không kiên định đường lối, quan điểm của Đảng, né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm, không dám làm, có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, tư duy nhiệm kỳ, tham nhũng, tiêu cực...

Đồng thời, Bộ Chính trị ban hành các quy định 142 thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ; quy định 144 về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.

Quy định 148 về thẩm quyền của người đứng đầu trong việc tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ cấp dưới trong trường hợp cần thiết hoặc khi có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Bộ Nội vụ nhấn mạnh đây là những văn bản quan trọng nhằm tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, trong đó lấy phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, hiệu quả công tác, uy tín của cán bộ làm thước đo, tiêu chí cơ bản để đánh giá trước khi thực hiện công tác cán bộ.

Hiện bộ đang tham mưu Chính phủ, Thủ tướng thể chế hóa các quy định nêu trên theo thẩm quyền để thống nhất thực hiện.

Bộ Nội vụ đề xuất nhiều quy định mới về luân chuyển, biệt phái cán bộBộ Nội vụ đề xuất nhiều quy định mới về luân chuyển, biệt phái cán bộ

Bộ Nội vụ trình Chính phủ dự thảo nghị định mới, trong đó sửa đổi, bổ sung nhiều quy định về luân chuyển công chức lãnh đạo, quản lý, biệt phái công chức.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên