19/02/2023 10:27 GMT+7

Bố mẹ thấp lùn, con có cải thiện được chiều cao?

Dinh dưỡng chiếm 32% yếu tố ảnh hưởng đến phát triển chiều cao. Khi con chậm tăng trưởng ngoài các nguyên nhân bệnh lý, lựa chọn thực phẩm giúp con cao lớn đóng vai trò quan trọng, bố mẹ thấp con vẫn có thể cao lớn.

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Hằng Nga (khoa dinh dưỡng, Bệnh viện Nhi trung ương), chậm tăng trưởng có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau như: bệnh mạn tính, rối loạn nội tiết tố (15% bệnh nhân có tầm vóc thấp là do liên quan đến nội tiết), nhiễm trùng, dinh dưỡng kém, rối loạn tâm lý tình cảm.

Các yếu tố ảnh hưởng chiều cao

Các yếu tố ảnh hưởng đến phát triển chiều cao của trẻ gồm dinh dưỡng 32%, môi trường 25%, di truyền 23%, rèn luyện 20%.

Gene: đóng vai trò quan trọng. Rối loạn về nhiễm sắc thể hay gene, như hội chứng Down do bất thường nhiễm sắc thể gây chậm phát triển ở trẻ (có thể ở một hay nhiều khía cạnh như chậm tăng trưởng, vận động, tâm thần…).

Gene của bố/mẹ hoặc cả hai cùng thấp. Theo các khảo sát, con có cha mẹ có tầm vóc thấp thì khoảng 23% trẻ cũng có tầm vóc thấp, chiều cao thấp do gia đình di truyền, một tỉ lệ đáng kể trẻ nhóm này thường chậm dậy thì và có xu hướng phát triển chiều cao tương đương với cha mẹ của chúng.

Bệnh lý nội tiết: liên quan đến sự thiếu hụt hay thừa hormone nào đó mà ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của trẻ trong thời kỳ nhũ nhi hay lúc dậy thì, ví dụ như thiếu hormone tăng trưởng, suy giáp, hội chứng Turner, hội chứng Cushing, hội chứng Down, hội chứng Prader-Willi.

Bất thường về xương: có hơn 50 bệnh về xương ảnh hưởng đến chiều cao và tăng trưởng, trong đó có nhiều bệnh do di truyền.

Dậy thì sớm (trẻ nữ dậy thì trước 8 tuổi, trẻ nam dậy thì trước 10 tuổi): Ban đầu trẻ cao so với trẻ cùng tuổi, nhưng do quá trình trưởng thành xương nhanh chóng, đóng xương sớm và gây chiều cao trưởng thành thấp.

Cho đến nay, khó can thiệp nhất là các bệnh lý về nội tiết - di truyền gồm bất thường nhiễm sắc thể, rối loạn hormone, thiếu hormone tăng trưởng.

Môi trường: gây chậm tăng trưởng của trẻ xảy ra trước hoặc sau khi sinh, ví dụ như tình trạng mẹ bị suy dinh dưỡng hay nhiễm độc, mắc bệnh...  Trẻ có thể bị phơi nhiễm với nhiều yếu tố nguy cơ từ môi trường và từ đó tạo thành vòng xoắn tác động lên sự tăng trưởng của trẻ, càng làm cho trẻ chậm tăng trưởng với mức độ trầm trọng hơn.

Bệnh thực thể: đặc biệt một số bệnh lý như thận, tim, đường tiêu hóa, phổi, xương, nội tiết làm cho trẻ chậm tăng trưởng. Những trẻ này có biểu hiện của chậm tăng trưởng đồng thời có bệnh lý kèm theo. Tuy nhiên chậm tăng trưởng là biểu hiện đầu tiên của bệnh.

Nhìn chung gồm các bệnh lý mãn tính ảnh hưởng đến việc nạp đủ dinh dưỡng, ảnh hưởng đến tiêu hóa, hấp thu và chuyển hóa chất dinh dưỡng trong cơ thể.

Các bệnh lý bẩm sinh của tế bào trong quá trình mang thai, hạn chế phát triển trong tử cung.

Suy dinh dưỡng: là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra tình trạng không bắt kịp tăng trưởng. Suy dinh dưỡng ngăn cản trẻ phát triển chiều cao tối ưu. 

Ngay cả khi trẻ bị chậm tăng trưởng do các nguyên nhân là bệnh lý, chế độ dinh dưỡng đầy đủ và cân bằng cũng giúp trẻ có chiều cao trưởng thành tốt nhất có thể.

Có một số rối loạn tăng trưởng là vô căn, có nghĩa là không xác định được nguyên nhân gây ra vấn đề tăng trưởng.

Tuy nhiên, những trẻ chậm tăng trưởng bắt buộc phải kiểm tra để loại trừ hết các nguyên nhân bệnh lý gây ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của trẻ để cho thuốc kịp thời, đồng thời hỗ trợ dinh dưỡng cho sự phát triển tối ưu nhất mà trẻ có thể đạt được.

Chọn đúng thực phẩm và không phải cho con uống nhiều nước ép là tốt

Bác sĩ Trần Thị Na (khoa dinh dưỡng - Bệnh viện Nhi trung ương) cho biết để giúp trẻ chậm tăng trưởng phát triển chiều cao tốt, cha mẹ cần biết cách lựa chọn đúng loại thực phẩm.

Thực phẩm nên dùng:

Sữa và các sản phẩm của sữa có nhiều canxi, và một vài chất dinh dưỡng khác. Sữa nên uống 200ml - 400ml/ngày nếu trẻ ăn đủ lượng thịt, cá. Nếu chưa ăn đủ thịt cá thì lượng sữa nên dùng là 300ml - 500ml/ngày. 

Công thức sữa cao năng lượng rất hữu ích trong việc cung cấp các chất dinh dưỡng, chất béo...

Thịt lợn, gà, cá, trứng ăn hằng ngày hoặc thường xuyên vì chúng cung cấp nhiều sắt, kẽm. Trường hợp nếu trẻ không nhận đủ lượng cá, thịt, sữa thì chế độ ăn đảm bảo đầy đủ đậu đỗ, gạo hằng ngày để đảm bảo cung cấp đủ protein. 

Nếu sữa trong chế độ ăn hằng ngày không đủ thì nên tìm nguồn thức ăn dồi dào canxi như đu đủ, bí ngô, đậu xanh, cải bắp, cá cũng là nguồn thực phẩm có nhiều canxi.

Thực phẩm nhiều vitamin A: sữa mẹ, gan, lòng đỏ trứng. Hoa quả như cam, đu đủ, xoài. Rau như cà rốt, bí ngô, cà chua. Các loại rau có màu xanh thẫm.

Thức ăn nhiều kẽm: gan, lòng đỏ trứng, sò.

Vitamin C có nhiều trong cam, chanh, xoài, chuối, dưa hấu, cà chua, súp lơ, rau xanh, tuy nhiên khi nấu chín thức ăn thì vitamin C bị mất đi một ít.

Canxi: có nhiều trong sữa và các chế phẩm của sữa, cá.

Thực phẩm có nhiều vitamin B: gan, trứng, sữa, rau xanh, đậu đỗ.

B6: có nhiều trong thịt lợn, gà, cá, chuối, rau xanh, khoai tây.

Folat: có nhiều trong cam, chanh, rau xanh.

Thực phẩm hạn chế:

Không cho trẻ dùng các nước uống có giá trị dinh dưỡng thấp như nước ngọt công nghiệp, chè, soda... 

Nước ép hoa quả dùng mức độ vừa phải không quá 240ml/ngày nếu không trẻ quá no và không thể ăn những thức ăn có giá trị dinh dưỡng cao.

Nguyên tắc cho ăn


Cho trẻ nhỏ dưới 2 tuổi ăn và hỗ trợ để trẻ tự ăn với trẻ trên 2 tuổi để trẻ biết có cảm giác no và đói.

Cho trẻ ăn chậm và kiên nhẫn, khuyến khích trẻ ăn hết suất nhưng không được ép hay nhồi nhét trẻ ăn.

Thức ăn đa dạng và phong phú, mùi vị thơm ngon hấp dẫn trẻ. Chế biến món ăn theo sở thích của trẻ chứ không phải của cha mẹ.

Tránh làm sao nhãng trẻ trong bữa ăn bằng các hình thức tivi, quảng cáo, chơi đồ chơi.

Lựa chọn sữa cho trẻ chậm tăng trưởng: Cần đánh giá tình trạng bệnh lý dẫn đến tình trạng chậm tăng trưởng của trẻ để lựa chọn các loại sữa phù hợp theo bệnh lý và tránh làm nặng thêm tình trạng bệnh.

Với trẻ đang bú mẹ cần bổ sung các yếu tố cần thiết cho bà mẹ và hướng dẫn bà mẹ cho trẻ bú đúng cách để đảm bảo trẻ được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng qua sữa mẹ.

Trẻ chậm tăng trưởng cần lựa chọn các loại sữa cao năng lượng phù hợp theo tuổi để cung cấp nguồn dinh dưỡng đầy đủ giúp trẻ bắt kịp đà tăng trưởng.

Dinh dưỡng thế nào giúp trẻ thấp lùn phát triển chiều cao?Dinh dưỡng thế nào giúp trẻ thấp lùn phát triển chiều cao?

Chậm tăng trưởng là vấn đề phổ biến ở trẻ khiến nhiều gia đình đau đầu vì con thấp bé và chậm dậy thì. Vậy chăm sóc dinh dưỡng cho con như thế nào để con có được chiều cao lý tưởng?

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên