15/05/2019 08:27 GMT+7

Bộ lạc Ấn Độ bắt rắn nổi tiếng đến mức người Mỹ phải nhờ

PHÚC LONG
PHÚC LONG

TTO - Mỗi năm có hàng ngàn người Ấn Độ chết vì bị rắn độc cắn, nhưng nhiều sinh mạng khác được cứu nhờ tài bắt rắn "huyền thoại" của một bộ lạc thổ dân.

Bộ lạc Ấn Độ bắt rắn nổi tiếng đến mức người Mỹ phải nhờ - Ảnh 1.

Bộ lạc Irula và những con rắn họ bắt được trong một nhà máy đường ở thành phố Kancheepuram, bang Tamil Nadu - Ảnh chụp màn hình

Bộ lạc Irula là một trong những cộng đồng thổ dân cổ xưa nhất Ấn Độ. Họ sống ở khu vực dọc theo ranh giới giữa bang Tamil Nadu và Kerala, miền nam Ấn. 

Người Irula là chuyên gia về thảo dược và y học cổ truyền. Nhưng họ nổi tiếng nhất nhờ tài bắt rắn có một không hai. Người Irula thật ra không ăn thịt rắn do tín ngưỡng thờ Kanniamma - vị nữ thần có liên hệ với rắn hổ mang, nhưng trước đây bộ lạc kiếm sống nhờ bán da rắn.

Đến năm 1972, Đạo luật Bảo vệ thiên nhiên hoang dã của Ấn Độ cấm việc săn bắt nhiều loại động vật, bao gồm rắn, do vậy bộ lạc mất đi kế sinh nhai.

Cần biết rằng ở Ấn Độ mỗi năm có gần 50.000 người chết do rắn độc cắn, chiếm gần một nửa số nạn nhân thiệt mạng do rắn trên toàn thế giới. Huyết thanh kháng nọc rắn được chế tạo bằng cách tiêm các liều nọc tăng dần vào ngựa, giúp hình thành kháng thể rồi rút lấy kháng thể đó.

Đây là liệu pháp chữa rắn cắn hiệu quả nhất nên nhu cầu nọc rắn là rất cao. Tuy nhiên, để có đủ nọc chế tạo huyết thanh cần một số lượng rắn lớn và điều này không dễ dàng chút nào.

Bộ lạc Ấn Độ bắt rắn nổi tiếng đến mức người Mỹ phải nhờ - Ảnh 2.

Người Irula nhốt rắn trong những hủ đất nung đổ đầy cát và đậy kín - Ảnh: BBC

Năm 1978, bác sĩ - nhà bảo tồn thiên nhiên người Ấn Romulus Whitaker giúp bộ lạc Irula thành lập một hợp tác xã bắt rắn ở ngoại ô thành phố Chennai. Từ đây, họ được phát huy hết khả năng trời cho để bảo tồn loài rắn và thu thập nọc rắn cho sản xuất huyết thanh.

Bắt rắn là một công việc cực nhọc, đòi hỏi phải hết sức thận trọng. Người Irula tìm rắn bằng cách quan sát dấu vết như phân, da lột... ở các hang chuột, gò mối hoặc bụi rậm. Họ lùa rắn ra ngoài bằng cây xà beng, đè chặt nó rồi bỏ vào bao.

Một cuộc đi săn thành công thường mang về 1-3 con rắn lớn.

Sau khi bị bắt, rắn cần được chăm sóc kỹ vì chúng không thể sống lâu trong trạng thái đó. Người ta chỉ nhốt rắn trong 3 tuần, trích lấy nọc rồi thả trở lại rừng rậm xung quanh khu đất nông nghiệp của bộ lạc Irula.

Bộ lạc Ấn Độ bắt rắn nổi tiếng đến mức người Mỹ phải nhờ - Ảnh 3.

Hai thành viên bộ lạc Irula giúp bang Florida của Mỹ bắt trăn đất - Ảnh: USFWS

Tiếng lành đồn xa. Năm 2017, bang Florida của Mỹ đã "thỉnh" hai cao nhân bắt rắn của bộ lạc Irula sang để giúp săn lùng loài trăn đất. Trăn đất ban đầu chỉ được nuôi làm cảnh ở Florida, nhưng sau đó vài con sổng ra ngoài, sinh sôi nảy nở và trở thành thiên địch của các loài bản địa.

Năm 2005, dân Mỹ hết hồn khi chứng kiến con trăn đất cố nuốt một con... cá sấu trong công viên hoang dã. Do miếng mồi quá to, con trăn bị vỡ bụng, kết cuộc cả 2 kẻ săn mồi đều thiệt mạng.

Nhà chức trách đã làm đủ mọi cách: "dùng trăn nhử trăn" trong mùa giao phối, kêu gọi người dân đang nuôi trăn đất giao nộp, tẩm thuốc độc vào mồi nhử, và thậm chí treo giải thưởng cho thợ săn. 

Chỉ trong 4 tuần, hai người đàn ông tuổi ngoài 50 của bộ lạc Irula bắt được 27 con trăn, trong đó có một con khổng lồ dài 5m trong một căn cứ tên lửa bỏ hoang ở Key Largo. Để so sánh, hồi năm 2016, khoảng 1.000 người quần nát khu vực đầm lầy Florida trong 1 tháng chỉ bắt được 106 con.

"Chúng tôi mù chữ và nghèo. Chúng tôi không có đất đai. Rắn đã cứu chúng tôi" - ông K. Ravi, một thành viên bộ lạc Irula, tâm tình.

PHÚC LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên