22/02/2020 09:17 GMT+7

'Bố Huỳnh Nga chưa bao giờ la mắng ai, quá lắm chỉ là nói lẫy'

LINH ĐOAN
LINH ĐOAN

TTO - Lúc 8h05 ngày 21-2, một trong những đại thụ của làng sân khấu miền Nam, đạo diễn - NSND Huỳnh Nga đã trút hơi thở cuối cùng sau một thời gian dài chiến đấu với những căn bệnh tuổi già.

Bố Huỳnh Nga chưa bao giờ la mắng ai, quá lắm chỉ là nói lẫy - Ảnh 1.

NSND Bạch Tuyết và NSND Minh Vương với trích đoạn Đời cô Lựu - một vở nổi tiếng của đạo diễn Huỳnh Nga - Ảnh: T.T.D.

Ngay khi tin ông mất loan ra, rất nhiều đạo diễn, nghệ sĩ trong làng sân khấu đã thành kính gửi lời chia buồn, tiếc thương một vị đạo diễn tài hoa, chơn chất và hết sức tình cảm, ấm áp với anh em nghệ sĩ.

Vở của NSND Huỳnh Nga tổng hợp chất mùi mẫn, ướt át và duyên dáng. Tác phẩm của anh không chỉ có sự chỉn chu, chất lượng nghệ thuật mà rất hút khán giả bởi sự trẻ trung, tươi mới trong các mảng miếng.

NSND Minh Vương

Đạo diễn của những vở cải lương nổi tiếng

NSND Huỳnh Nga tên thật là Huỳnh Văn Thạch, sinh ngày 15-1-1932 tại Mộc Hóa, Long An. Ông đã đạo diễn khoảng 300 vở diễn sân khấu, trong đó có nhiều vở nổi tiếng như Đời cô Lựu, Tìm lại cuộc đời, Khách sạn Hào Hoa, Tấm Cám, Tiếng sáo trong trăng, Hoa độc trong vườn, Nàng Hai Bến Nghé...

Ông tham gia cách mạng từ rất sớm, sau đó tập kết ra Bắc, rồi được cử đi học đạo diễn ở Romania, làm lãnh đạo Đoàn kịch nói Hà Nội.

Về lại miền Nam, ông được mời vào vị trí ban chấp hành Hội Nghệ sĩ sân khấu VN, Hội Sân khấu TP.HCM, công tác tại Sở VH-TT TP.HCM, là vị giám khảo đáng kính của nhiều cuộc thi như Liên hoan sân khấu cải lương toàn quốc, Chuông vàng vọng cổ, giải Trần Hữu Trang...

Vốn được đào tạo bài bản về kịch và nghiệp vụ đạo diễn ở nước ngoài, nhưng trong một lần được đề nghị chuốt lại vở Gánh cỏ sông Hàn, Huỳnh Nga bén duyên cải lương. Vậy là từ đó tên tuổi ông gắn bó với cả trăm vở cải lương, trong đó có rất nhiều vở tạo được tiếng vang và không ít người đã quên ông là "dân kịch nói".

Từ Đoàn cải lương 2-84, Văn công thành phố đến Nhà hát Trần Hữu Trang đều có bóng dáng những tác phẩm để đời của đạo diễn Huỳnh Nga.

Có lẽ vở diễn khiến người ta nhớ nhất là vở Đời cô Lựu của Đoàn 2-84, từng được đưa lưu diễn ở Pháp và gây tiếng vang với những nghệ sĩ tên tuổi như NSND Bạch Tuyết (cô Lựu), NSND Thanh Tòng (Võ Minh Thành), NSND Ngọc Giàu (Bảy cán vá), NSND Minh Vương (Võ Minh Luân), NSND Lệ Thủy (Kim Anh)...

NSND Minh Vương cho rằng dù xuất phát điểm là "người của kịch nói" nhưng vở diễn mà đạo diễn Huỳnh Nga dàn dựng thấm đẫm chất cải lương hơn cả "dân gốc". "Trong quá trình làm việc, anh luôn tôn trọng sáng tạo của diễn viên.

Tôi nhớ lúc tập vai Võ Minh Luân trong vở Đời cô Lựu, tôi đã đưa thêm vô nhân vật nhiều chi tiết mới như hát bài hát "Dí trâu vô chuồng", cất lên tiếng ca não lòng: Ba hỡi ba ơi!, rồi nói cà phê thành cà phe... Lúc duyệt vở trước hội đồng, anh đã tranh luận và cố gắng bảo vệ những sáng tạo của nghệ sĩ mà anh cho là hợp lý".

Bố Huỳnh Nga chưa bao giờ la mắng ai, quá lắm chỉ là nói lẫy - Ảnh 3.

Đạo diễn Huỳnh Nga xúc động nói lời tri ân khán giả trong chương trình NSND Huỳnh Nga - Phong trần theo nghiệp tổ diễn ra đêm 4-4-2013 - Ảnh: T.T.D.

Người ngồi quán cóc nghe chuyện đời

May mắn được vài lần gặp gỡ vị đạo diễn đáng kính, ấn tượng của người viết về ông là sự giản dị, có chút phong trần và hết sức say mê khi nói về nghề.

Người ta thường thấy ông ngồi lặng lẽ đâu đó ở những quán cóc lề đường, lúc sát bên hông rạp Hưng Đạo cũ (Nhà hát Trần Hữu Trang ngày nay), lúc ở con hẻm gần chung cư nhà ông, hay căngtin quen thuộc của Hội Sân khấu TP.HCM với điếu thuốc trên tay, ngắm nhìn phố xá...

Những năm sau này, do sức khỏe hạn chế, ông không thể tiếp tục dựng vở nhưng người ta vẫn được thấy vóc dáng nhỏ bé, gầy gò của ông ở những nơi, những sự kiện liên quan đến sân khấu.

Có lẽ ông là vị đạo diễn kỳ cựu chịu khó xem không sót vở diễn nào trong các kỳ liên hoan sân khấu. Không cần những tuyên ngôn nghệ thuật, cứ lặng lẽ xem, như sân khấu là hơi thở, là huyết quản chưa bao giờ ngừng chảy trong ông.

Còn nhớ năm 2009, khi kết quả Hội diễn sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc khiến người làm nghề bức xúc vì cho rằng thiếu chính xác, chính ông là người nói lên tiếng nói cân phân, phân tích thấu đáo một cách hợp tình hợp lý.

Đạo diễn Hoa Hạ thường cung kính gọi NSND Huỳnh Nga là bố và thầy dù ông chưa dạy bà ngày nào. Hoa Hạ chia sẻ:

"Bố Huỳnh Nga có tính cách rất hay mà tôi hết sức khâm phục nhưng chưa học được ở ông. Trong những cuộc họp sân khấu ở các kỳ đại hội, bố nói là không khí sôi động hẳn lên. Cũng là góp ý nhưng bố luôn có câu chuyện, cách nói hài hước, dí dỏm khiến người nghe thấm, cảm thấy hợp lý và không bị tổn thương. Chưa bao giờ tôi thấy ông nổi nóng hay la mắng ai. Quá lắm chỉ là nói lẫy!".

Có duyên được dựng lại nhiều vở diễn nổi tiếng của NSND Huỳnh Nga cho đài truyền hình như Nàng Hai Bến Nghé, Muôn dặm vì chồng, Tâm sự Ngọc Hân..., Hoa Hạ kể lần nào dựng vở cũng được ông truyền những kinh nghiệm nghề nghiệp hết sức quý báu.

"Vở của bố mạnh nhất là tính chân thật từ cảnh trí cho tới diễn xuất của diễn viên. Có nhiều mảng miếng hài được đưa vào rất dí dỏm, duyên dáng. Kiểu hài thâm thúy, rất sâu chứ không phải hài nhạt, giễu hình. Vì vậy, vở của bố rất dễ đi vào lòng khán giả, mọi tầng lớp, từ bình dân đến trí thức đều có thể xem, có thể thấm!".

Linh cữu đạo diễn - NSND Huỳnh Nga được quàn tại nhà riêng ở TP.HCM, sau đó lúc 9h ngày 22-2 di quan về nhà tang lễ thành phố (25 Lê Quý Đôn).

Ngày 24-2, lễ truy điệu diễn ra lúc 5h, động quan lúc 6h và đưa về an táng tại đất nhà Mộc Hóa, Long An.

NSND Huỳnh Nga, đạo diễn vở NSND Huỳnh Nga, đạo diễn vở 'Đời cô Lựu', qua đời

TTO - Bà Hồng Dung - phó chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM - cho biết nghệ sĩ nhân dân Huỳnh Nga, đạo diễn kỳ cựu của làng sân khấu, vừa qua đời tại nhà riêng lúc 8h5 ngày 21-2.

LINH ĐOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên