21/01/2019 23:16 GMT+7

Bộ GD-ĐT phản hồi về sai sót trong tổ chức thi học sinh giỏi quốc gia

VĨNH HÀ
VĨNH HÀ

TTO - Sau khi báo chí đưa tin về nội dung kết luận của Thanh tra Bộ GD-ĐT về tổ chức thi học sinh giỏi quốc gia vào ngày 21-1, Cục Quản lý chất lượng Bộ GD-ĐT đã phản hồi.

Bộ GD-ĐT phản hồi về sai sót trong tổ chức thi học sinh giỏi quốc gia - Ảnh 1.

Học sinh trao đổi bài sau khi thi tại kỳ thi học sinh giỏi quốc gia THPT năm 2018 - Ảnh: NHƯ HÙNG

Cục Quản lý chất lượng thừa nhận việc tổ chức thi chọn học sinh giỏi quốc gia các năm qua vẫn còn có hạn chế. Cụ thể là có chuyện một số đơn vị mời các thầy, cô giáo về bồi dưỡng đội tuyển hoặc đưa học sinh trong đội tuyển về Hà Nội ôn tập trước khi thi, gây nên băn khoăn, hoài nghi về tính khách quan, công bằng của công tác tổ chức thi, kết quả thi.

Ông Mai Văn Trinh - cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Bộ GD-ĐT - khi trao đổi với Tuổi Trẻ cho biết thực chất trong năm 2018-2019, cục đã có nhiều nỗ lực điều chỉnh để khắc phục những hạn chế, đặt mục tiêu đảm bảo sự khách quan, trung thực trong kết quả thi chọn học sinh giỏi quốc gia, là tiền đề quan trọng để nâng cao chất lượng, hiệu quả tham gia dự thi Olympic khu vực và quốc tế.

Theo đó, Cục Quản lý chất lượng đã huy động các cán bộ trẻ, được đào tạo ở nước ngoài, ở nhiều trường đại học, viện nghiên cứu, tại các vùng miền khác nhau trên cả nước tham gia công tác chuyên môn của kỳ thi. Bên cạnh đó, hạn chế đến mức tối đa việc mời cán bộ, giáo viên, giảng viên đã nghỉ hưu giới thiệu đề đề xuất và tham gia các Hội đồng ra đề thi, chấm thi.

Đặc biệt, Cục Quản lý chất lượng khẳng định đã dứt điểm thực hiện nguyên tắc không cử những người dạy cho các đội tuyển dự thi chọn học sinh giỏi quốc gia của các địa phương năm tổ chức thi tham gia để dần khắc phục tình trạng các địa phương tập trung về Hà Nội hoặc tìm mời các chuyên gia ôn tập, luyện thi gây ảnh hưởng xấu trong dư luận về tính khách quan, công bằng của kỳ thi.

Trên thực tế, năm 2019, Bộ GD-ĐT không mời người dạy cho các đội tuyển dự thi năm nay tham gia ra đề thi cho kỳ thi chọn học sinh giỏi vừa diễn ra.

Để đảm bảo khách quan, chọn lọc những đề thi tốt, có tính bảo mật cao hơn, Bộ GD-ĐT mở rộng thành phần ra đề đề xuất là các chuyên gia, giáo viên  của trường THPT trên cả nước. Trong đó có các chuyên gia, giáo viên tham gia phản biện đề thi tại khu vực cách ly của Hội đồng ra đề thi.

"Đề xuất do tự tay chuyên gia, giáo viên giới thiệu niêm phong gửi đến được bảo quản theo chế độ mật tại thùng sắt niêm phong ở Cục Quản lý chất lượng và được bàn giao cho Hội đồng ra đề thi tại khu vực cách ly tuyệt đối còn nguyên niêm phong"- đại diện Cục Quản lý chất lượng khẳng định.

Giải thích về quy trình làm đề thi, Cục Quản lý chất lượng cũng cho biết "các đề thi đề xuất được sử dụng không tập trung vào một số cá nhân. Hội đồng ra đề sử dụng ý tưởng của đề đề xuất, các thành viên Hội đồng ra đề thi tại khu vực cách ly  biến đổi ít nhất là 70% đề gốc để hình thành đề thi chính thức và dự bị cho kỳ thi"

Như vậy đề thi chỉ trở thành đề thi chính thức và dự bị cho mỗi kỳ thi khi được các thành viên của tổ soạn thảo xây dựng, phản biện độc lập và thống nhất ký vào biên bản trình lãnh đạo Hội đồng ra đề thi phê duyệt.

Theo khẳng định của Cục Quản lý chất lượng, việc coi thi, chấm thi cũng đảm bảo quy trình chặt chẽ. Việc chọn người chấm thi giống như quy trình soạn thảo đề thi và "người làm tổ trưởng ra đề thi thì không làm tổ trưởng chấm thi"

Trao đổi với Tuổi trẻ, ông Mai Văn Trinh cũng khẳng định việc chấm thi các môn thi được thực hiện tập trung, có gắn  camera giám sát 24/24, dữ liệu được lưu lại 12 tháng để cần thiết có thể xem lại toàn bộ quá trình chấm. Cán bộ công an và thanh tra giám sát liên tục quá trình chấm thi.

Đại diện Cục Quản lý chất lượng cũng cho biết việc chấm thi theo quy định chấm hai vòng độc lập và chấm chung ít nhất 20 bài có điểm cao nhất mỗi ngày thi để đảm bảo chính xác, khách quan. 

Việc nhập điểm vào máy tính, khớp phách, duyệt giải theo số phách đều có quy định cụ thể. Trong đó, hội đồng tiến hành kiểm dò và khớp phách ngẫu nhiên ít nhất 20% số bài thi để đảm bảo kết quả thi chính xác rồi mới tiến hành ghép phách bài thi, chiết xuất kết quả từ phần mềm quản lý thi và công bố kết quả kỳ thi.

Trước đó, Kết luận của Thanh tra Bộ GD-ĐT về việc tổ chức thi chọn học sinh giỏi quốc gia các năm gần đây cho biết có những sai sót ở nhiều khâu của kỳ thi này. Cụ thể, người gửi đề thi đề xuất cũng đồng thời là người bồi dưỡng học sinh giỏi, thậm chí có chân trong hội đồng làm đề nên không đảm bảo khách quan. 

Việc chấm thi có dấu hiệu sai lệch điểm ở một số bài thi, có dấu hiệu cho thấy hội đồng chấm thi không đảm bảo đúng  quy định chấm thi. Việc chấm thi phúc khảo nâng điểm không có lý do thuyết phục, trong đó có trường hợp thí sinh từ không có giải đến có giải sau khi được nâng điểm.

Phát hiện nhiều sai sót thi học sinh giỏi quốc gia Phát hiện nhiều sai sót thi học sinh giỏi quốc gia

TTO - Theo kết luận của Thanh tra Bộ GD-ĐT, việc tổ chức thi học sinh giỏi liên tiếp trong các năm 2015, 2016, 2017 có những sai sót dễ dẫn đến tiêu cực.

VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên