Bộ GD-ĐT: Ngày thi đầu tiên diễn ra nghiêm túc

Nhóm PV, CTV TTO
Nhóm PV, CTV TTO

TTO - Theo báo cáo nhanh của Bộ GD-ĐT, kết thúc ngày thi đầu tiên kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2013, cả nước có 942.975 thí sinh đến dự thi, đạt 99,67% so với tổng số thí sinh đăng ký dự thi; trong đó, THPT: 852.214, đạt 99,75%; giáo dục thường xuyên: 90.761, đạt 98,97%. Ngày thi thứ nhất của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2013 đã diễn ra trật tự, an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế.

Theo đánh giá chung ban đầu, đề thi môn ngữ văn và hóa học nằm trong chương trình THPT, chủ yếu lớp 12, vừa sức đối với học sinh, đảm bảo yêu cầu kiểm tra kiến thức cơ bản và có tính phân hóa học sinh. Đề thi môn ngữ văn tiếp tục ra theo hướng mở, nhất là câu nghị luận xã hội được coi là thiết thực và mang tính thời sự, có ý nghĩa nhân văn, góp phần tác động tích cực tới nhân cách thí sinh.

Theo Bộ GD-ĐT, không khí trường thi trong ngày đầu tiên trật tự, an toàn. Công tác coi thi, các địa phương đã chuẩn bị chu đáo. Những vi phạm quy chế thi đã kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm túc. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT chưa đưa ra con số thí sinh và giám thị bị xử lý kỷ luật ngày 2-6.

Thời tiết trên phạm vi cả nước nhìn chung mát mẻ, thuận lợi cho thí sinh dự thi. Không xảy ra hiện tượng ùn tắc giao thông ở các thành phố lớn, thí sinh đến dự thi đúng giờ. Ở tất cả các hội đồng thi trên phạm vi toàn quốc, điện, nước được cung cấp ổn định; không xảy ra hiện tượng mất điện, mất nước; vệ sinh an toàn thực phẩm được đảm bảo.

RpqnlzZk.jpgPhóng to
Các bạn học sinh trao đổi đề thi môn Hóa sau khi ra khỏi phòng thi tại hội đồng thi trường THPT An Nghĩa, huyện Cần Giờ, TP.HCM chiều 2-6 - Ảnh: Quang Định

Đề thi môn hóa tốt nghiệp THPT 2013

Nhận định chung của thí sinh: đề không khó, chỉ cần bám sát và học kỹ chương trình sách giáo khoa là có thể làm bài tốt.

Đề thi môn hóa THPT chiều 2-6 cũng khiến thí sinh phấn khởi không kém so với đề thi môn Văn buổi sáng. Bước ra khỏi cổng trường thi tại hội đồng thi Trường THCS Ngô Tất Tố (quận Phú Nhuận, TP.HCM), nhiều thí sinh khẳng định chắc chắn sẽ đạt điểm 8-9.

Tại HĐT Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM), nhiều thí sinh vui vẻ ra khỏi phòng thi với nhận định đề khá dễ. Đề hơi dài nhưng không đánh đố, không có câu quá khó. Nhóm HS trường THPT DL Đăng Khoa nhận định đề này vừa sức cho HS trung bình khá, nhiều câu dễ ghi điểm. Tuy nhiên, một số câu phải mất thời gian nên hoàn thành bài xong, không còn thời gian dò lại bài.

Cl1vXWxv.jpgPhóng to
Các bạn học sinh Trường THPT Cần Thạnh trao đổi với giáo viên sau khi kết thúc môn thi Hóa tại hội đồng thi trường THPT An Nghĩa, huyện Cần Giờ, TP.HCM - Ảnh: Quang Định
BBJ0isCo.jpgPhóng to
Một bạn nữ tươi cười sau khi xong môn Hóa tại hội đồng thi trường THPT An Nghĩa, huyện Cần Giờ, TP.HCM chiều 2-6 - Ảnh: Quang Định

Nhiều thí sinh có chung nhận định, đề này không dễ đạt điểm tối đa, nhưng không quá khó để có từ 5-7 điểm. Và với kỳ thi tốt nghiệp, như vậy đã ổn.

Trong khi đó, Th.S Trần Thị Phương Thảo, giáo viên môn hóa, Trường THPT Gia Định, TP.HCM nhận định: Đề hóa năm nay khó hơn năm trước, câu hỏi dành cho phần lý thuyết ít hơn và câu hỏi dạng bài tập nhiều hơn so với đề thi môn hóa năm trước. Nhìn chung, mức độ khó của đề thi phù hợp với tính chất một kỳ thi tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, sự phân hóa rõ rệt hơn: học sinh trung bình có thể đạt 5,6 điểm; học sinh khá có thể đạt 7,8 điểm; học sinh giỏi đạt 9,10 điểm (với đề thi năm trước, học sinh khá cũng có thể đạt 10 điểm nếu học thuộc bài).

Đề thi năm nay có nhiều câu đòi hỏi thí sinh phải biết suy luận, một số câu còn “gài” thí sinh, nếu không cẩn thận các em rất dễ bị mất điểm. Tóm lại, đề thi này có tác động tích cực vào quá trình dạy và học trong trường phổ thông, học sinh không chỉ học thuộc lòng như trước mà còn phải biết vận dụng, kết hợp kiến thức với nhau.

lRoegTpT.jpgPhóng to
Ngày thi đầu tiên, thí sinh Quảng Ngãi tỏ ra thoải mái vì làm được bài - Ảnh: VÕ MINH
L2Bnx6x2.jpgPhóng to
Thí sinh Trường THPT Nguyễn Việt Khái (Cà Mau) xem lại đề sau khi thi xong môn hóa chiều 2-6 - Ảnh: T.THÁI
NiwH45zt.jpgPhóng to
Bà Phan Thị Tạp mừng vui khi đón con ra khỏi phòng thi tại hội đồng thi Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (Tiền Giang) - Ảnh: THÚY HẰNG

Quảng Ngãi: 31 thí sinh vắng thi

Chiều 2-6, thí sinh ở các hội đồng thi tại tỉnh Quảng Ngãi dự thi môn hóa học phần lớn đều làm tốt được bài làm của mình. Em Phạm Thị Thu Thảo, Trường THPT Trần Quốc Tuấn (TP Quảng Ngãi), cho biết đề thi môn hóa học tương đối nhẹ nhàng, theo sát chương trình học, thí sinh học lực trung bình đều có thể làm được bài đủ trên điểm 5.

Giáo viên Lê Thị Hồng (trường THPT Trần Quốc Tuấn) nói: “Đề năm nay những câu lý thuyết mang tính tổng hợp nhiều hơn, hay hơn, yêu cầu cao hơn so với năm ngoái. Tuy nhiên vẫn sát với yêu cầu chuẩn kiến thức, kỹ năng của bộ đưa ra. Theo tôi, các em đạt từ 5 điểm trở lên. Các em học lực giỏi đạt 9, 10. Phòng tôi coi thi có những em làm mới một nửa thời gian là xong, những học sinh trung bình khá nhìn chung vẫn làm được bài”.

Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT 2013 của tỉnh Quảng Ngãi, kết thúc ngày thi đầu tiên không có sự cố nào đặc biệt xảy ra. Thí sinh đến phòng thi đúng giờ. Không có trường hợp cán bộ, giám thị, thí sinh vi phạm quy chế buộc phải lập biên bản xử lý. Không có trường hợp hội đồng thi nào bị mất điện, thời tiết lại có mưa nên giải nhiệt được cho học sinh. Kết thúc ngày thi đầu tiên, Quảng Ngãi có 31 thí sinh bỏ thi.

Thừa Thiên - Huế: chỉ vắng 15 thí sinh

Trong ngày thi đầu tiên, tỉnh Thừa Thiên - Huế chỉ vắng 15 thí sinh trong tổng số 15.118 hồ sơ đăng ký, đạt tỉ lệ hơn 99%. Trong số vắng có một thí sinh bị tai nạn giao thông và ba thí sinh bị ốm không thể đến trường.

Lúc 14g30 chiều 2-6, hai bảo vệ hội đồng thi Trường tiểu học Lê Lợi liên tục hút thuốc khi đang làm nhiệm vụ ngay trong khuôn viên trường. Khi phóng viên đứng bên ngoài tường rào chụp ảnh cảnh phản cảm nói trên thì bị một bảo vệ đến ngăn cản, không cho chụp hình và cấm không cho tiếp cận xung quanh khu vực thi.

Thanh Hóa: 86 thí sinh không dự thi

Chiều 2-6, ông Lê Văn Hoa, phó giám đốc Sở GD- ĐT tỉnh Thanh Hóa, cho biết theo báo cáo nhanh từ các hội đồng coi thi của tỉnh, ngày thi đầu tiên có 86 thí sinh không đến dự thi; trong đó hệ THPT có 59 thí sinh, hệ giáo dục thường xuyên có 27 thí sinh, với nhiều lý do: ba em thí sính bị tai nạn giao thông, 13 em bị ốm, 9 em được miễn thi, một em tử vong trước kỳ thi, 56 em bỏ thi không có lý do.

Sở GD- ĐT cho biết ngày thi đầu tiên không có giáo viên, thí sinh vi phạm quy chế thi. Nhưng theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, tại một số địa điểm thi tại TP Thanh Hóa vẫn có tình trạng “phao thi” xuất hiện. Giải thích về tình trạng này, một cán bộ của Phòng khảo thí và đánh giá chất lượng giáo dục (thuộc Sở GD- ĐT tỉnh Thanh Hóa) cho biết: "Sẽ không tránh khỏi trường hợp thí sinh có thể giấu tài liệu (phao thi) trong người. Nhưng công tác coi thi được giám sát chặt chẽ, thí sinh không thể sử dụng tài liệu trong thời gian làm bài thi. Sau khi kết thúc bài thi, các thí sinh mới bỏ tài liệu lại tại các điểm thi, gây phản cảm".

*Tiền Giang: một thí sinh học lực yếu vắng thi do bệnh

Theo báo cáo của Sở Giáo dục - đào tạo Tiền Giang, trong ngày thi đầu tiên em Phạm Tấn Liêm (THPT Trần Hưng Đạo) của hội đồng thi Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu phải vắng mặt giữa buổi thi vì bị bệnh.

Ông Trần Trọng Hưng, chủ tịch hội đồng coi thi tại Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, cho biết khi các giám thị hỏi thăm thì Liêm nói là bị bệnh tắc nghẽn đường ruột từ một năm trước và mấy ngày nay bệnh tái phát phải nằm bệnh viện. Liêm được đưa đi cấp cứu lúc hơn 8g nên chưa làm bài được nhiều. Trong buổi thi thứ hai, Liêm tiếp tục vắng mặt.

Ông Trần Thanh Đức, giám đốc Sở GD-ĐT, nói: “Dù phải nằm bệnh viện trước khi đi thi nhưng vì học lực yếu nên em không được xét đặc cách ngay từ ban đầu. Bây giờ chỉ trông vào môn thi đầu tiên của em xem có trên 5 điểm không mới có thể quyết định được. Nhưng cũng rất khó vì học lực của em chỉ ở loại yếu và lúc nộp bài thi cũng mới hơn 8g, tức em chỉ làm bài được có 30 phút”.

Theo thống kê, tại Tiền Giang trong buổi thi đầu tiên hệ trung học phổ thông (THPT) vắng 13 thí sinh, buổi thi thứ hai vắng 15 thí sinh. Hệ GDTX buổi thi đầu tiên vắng 25 thí sinh, buổi thi thứ hai vắng 28 thí sinh. Trong đó có 9 trường hợp vắng do bệnh, 1 do tai nạn giao thông.

*Vĩnh Long: một thí sinh bị tai nạn giao thông

Ông Lý Đại Hồng, phó giám đốc Sở Giáo dục - đào tạo Vĩnh Long, cho biết trong số 10 trường hợp vắng thi có thí sinh Nguyễn Hồng Phúc (THPT Hiếu Phụng) trên đường từ nhà đến hội đồng thi THPT Hiếu Phụng (huyện Vũng Liêm) đã bị tai nạn giao thông. Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Vũng Liêm chẩn đoán Phúc bị chấn thương vùng đầu và phải điều trị cấp cứu tập trung. Hội đồng thi đã lập biên bản thí sinh Nguyễn Hồng Phúc bị tai nạn giao thông không thể thi môn hóa học được.

Ông Hồng nói: “Trường hợp em Phúc không thể tiếp tục đến trường thi bốn môn còn lại, hội đồng chấm thi sẽ xét đặc cách đậu tốt nghiệp với điều kiện bài thi môn ngữ văn đạt từ 5 điểm trở lên, điểm trung bình các môn được đặc cách phải từ 5,0 trở lên và em Phúc phải là học sinh khá năm học lớp 12”.

*Tại Đồng Tháp, trong buổi thi đầu tiên hệ THPT vắng 8 thí sinh, môn thi thứ hai vắng 9 thí sinh. Hệ GDTX môn thi đầu tiên vắng 14 thí sinh, môn thi thứ hai vắng 12 thí sinh. Đặc biệt em Lê Thị kim Xuyến của hội đồng thi Trường THPT Tam Nông bị tai nạn giao thông không thể tham gia cả hai môn thi.

*Tại Long An, trong ngày thi đầu tiên hệ THPT có 12.374 dự thi, vắng 8 thí sinh trong đó có 4 thí sinh vắng do bệnh, 2 không lý do, 2 lý do khác; hệ GDTX có 1.122 dự thi trong đó 15 trường hợp vắng không có lý do.

Cà Mau: Một thí sinh bỏ thi vì bị tai nạn giao thông

Chiều ngày 2-6, ông Cao Minh Hồng - phó giám đốc Sở giáo dục và đào tạo tỉnh Cà Mau - cho biết qua hai buổi thi trên địa bàn tỉnh Cà Mau có 7 thí sinh hệ THPT vắng mặt, trong đó có một trường hợp bị tai nạn giao thông không thể đi thi được, hệ bổ túc vắng 19 thí sinh. Tình hình thi diễn ra bình thường, không em nào bị kỷ luật. Kỳ thi tốt nghiệp THPT lần này trên địa bàn có 7.884 thí sinh dự thi (trong đó có 817 thí sinh thuộc hệ GDTX) tại 29 hội đồng thi.

Sau khi kết thúc môn thi hóa, trời đổ mưa khá lớn nên rất nhiều em còn lưu lại Trường THPT Nguyễn Việt Khái, phường 6, TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau. Gặp chúng tôi, em Trần Kiều Diễm cho biết: “Đề hóa hơi khó nên làm được chừng 6 điểm, còn buổi sáng thì đề văn dễ nên làm bài được. Trong phòng thi giám thị gác hơi khó”.

Kiên Giang: Ngày thi đầu tiên diễn ra an toàn

Cuối giờ thi buổi chiều, thông tin từ Phòng khảo thí Sở GD-ĐT tỉnh Kiên Giang cho biết khối phổ thông có 10 thí sinh vắng mặt, khối bổ túc vắng mặt 15 trường hợp. Không có trường hợp nào vi phạm quy chế thi. Ông Nguyễn Gia Đẳng - chuyên viên Phòng khảo thí Sở GD-ĐT Kiên Giang - cho biết thêm kết thúc ngày thi đầu tiên, tình hình an ninh trật tự tại toàn bộ 27 hội đồng coi thi toàn tỉnh được đảm bảo. Do hôm nay là chủ nhật, lượng xe cộ lưu thông ít hơn ngày thường nên chưa ghi nhận tình trạng kẹt xe.

Bạn Lý Trúc Linh - học sinh lớp 12A2 Trường THPT nhiều cấp Ischool (TP Rạch Giá) - cho biết đề ngữ văn năm nay vừa sức, nhiều bạn thi cùng phòng với Linh chỉ cần hơn hai phần ba thời gian đã hoàn tất đề thi. Bạn Chu Thế Công - học sinh lớp 12 không chuyên Trường THPT chuyên Huỳnh Mẫn Đạt (TP Rạch Giá) - cũng đánh giá đề văn dễ làm, vừa sức với đa số học sinh. Nhiều học sinh tỏ ra khá hứng thú khi đề ngữ văn năm nay đề cập tới một trường hợp dũng cảm hi sinh thân mình cứu người khác vừa diễn ra trong thực tế.

Buổi chiều thi môn hóa, ghi nhận tại Hội đồng thi ở các Trường Dân tộc nội trú tỉnh Kiên Giang, Trường THCS Lê Quý Đôn, THPT Nguyễn Trung Trực… nhiều học sinh khẳng định đề không khó, học sinh trung bình cũng có thể giải được khoảng 60% đề bài, đạt điểm trung bình hoặc trên trung bình.

Đắk Lắk: nhiều học sinh đi thi muộn

Tại hội đồng thi trường THPT Buôn Ma Thuột, bước vào môn thi thứ hai, nhiều học sinh đã tỏ ra khá mệt mỏi vì thời tiết nắng gắt nên đã đi thi khá trễ. Rất đông các thí sinh còn 5-10 phút nữa là đến giờ phát đề thi mới tất tả chạy qua cổng trường thi. Nhiều thí sinh đã đến giờ trống điểm mới vội vã bước qua cổng trường để vào phòng thi…

Chiều 2-6, ông Trương Thức, chánh văn phòng Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Lắk, cho biết kết thúc ngày thi đầu tiên, có 51 thí sinh không đến dự thi. Có một thí sinh tại hội đồng thi Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm 2 (Krông Pắk, Đắk Lắk) mang tài liệu vào phòng thi đã bị lập biên bản, hủy kết quả và đình chỉ thi. Một thí sinh khác tại hội đồng thi Trường THPT Việt Đức (Cư Kuin, Đắk Lắk) nhờ người thi hộ cũng bị lập biên bản, hủy kết quả và đình chỉ thi.

AT3jQtuB.jpgPhóng to
Tranh thủ học bài trước giờ vào thi - Ảnh: TR.T
NxVxN1ES.jpgPhóng to
Nhiều thí sinh đến điểm thi lúc trống vào phòng thi đã điểm - Ảnh: TR.T.

Quảng Trị: thí sinh chống nạng đi thi

Tại hội đồng thi số 2 thuộc trường THPT Lê Lợi, TP. Đông Hà (Quảng Trị), có 2 thí sinh bị gãy chân nhưng vẫn cố gắng đi thi. Đó là thí sinh Hoàng Thị Thúy Kiều, thi ở phòng 030. Kiều bị gãy chân trái sau một tai nạn giao thông cách đây 4 tháng nên phải chống nạng đi thi.

fucZ2ll6.jpgPhóng to
Thí sinh Hoàng Thị Thúy Kiều đến trường thi trên đôi nạng gỗ - Ảnh: Quốc Nam

Suốt mấy tháng nằm điều trị trong bệnh viện, Kiều đã được bạn bè, thầy cô giáo hướng dẫn, mang sách vở cho ôn luyện. Chân đau, nhưng quyết tâm cao, nên Kiều gắng gượng vừa điều trị vừa học bài để đi thi. Đợt thi kỳ II lớp 12 vừa qua, sức khỏe Kiều vẫn yếu nên phải xin nhà trường cho thi sau đó 1 tuần. Đến ngày thi tốt nghiệp, dù chân vẫn chưa lành, nhưng Kiều vẫn quyết tâm đến trường dù là trên đôi nạng bởi nếu không thi thì lỡ mất cơ hội vào đại học sớm.

Cũng tại hội đồng thi này, em Lê Lợi, thí sinh tại phòng thi 035 cũng phải đi thi trên đôi nạng cũng bởi vừa bị tai nạn giao thông trước đó. Lợi được anh rể là Nguyễn Đức Thuận đưa tới tận phòng thi. Anh Thuận cho biết, Lợi học 12 năm liền đều khá giỏi. Lợi cũng mất hai tháng ngồi một chỗ nhưng cũng quyết tâm ôn luyện để thi đỗ tốt nghiệp lần này.

Phải chép lại bài thi vì ghi nhầm vào ô ghi điểm là trường hợp của thí sinh Lê Ngọc Lâm, số báo danh 030725, phòng thi 031, tại điểm thi Trường THPT Lê Lợi (Đông Hà, tỉnh Quảng Trị). Lâm cho biết đã đánh nhầm số tờ vào ô ghi điểm của bài thi. Đến khi giờ thi còn 20 phút, giám thị cho rằng Lâm đánh dấu bài nên bắt em chép lại toàn bộ bài thi. Lâm chép lại chưa xong bài thi thì hết giờ. Khi nộp bài Lâm cho biết đã nộp cả hai bài thi, gồm cả bài chép lại và bài bị lỗi. Một số thí sinh ở các hội đồng thi khác tại tỉnh Quảng Trị trong ngày thi đầu tiên cũng đã đánh nhầm số tờ vào ô ghi điểm như trên.

Ông Hoàng Đức Thắm, phó thường trực ban chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp THPT tỉnh Quảng Trị, cho biết với những trường hợp ghi nhầm số tờ giấy thi vào ô ghi điểm thì giám thị không được yêu cầu thí sinh chép lại, mà bài thi đó sẽ được đưa ra hội đồng chấm chung. Với trường hợp cụ thể như của thí sinh Lâm, nếu giám thị đã thu cả hai bài thi (gồm bài bị lỗi và bài chép lại) vào trong túi đựng bài thi thì sẽ được xem xét.

Cần Thơ: Một thí sinh bị tai nạn giao thông trên đường đi thi

Báo cáo nhanh của Sở giáo dục- Đào tạo TP Cần Thơ cho biết một thí sinh của trường THPT chuyên Lý Tự Trọng, ngày 1-6 trên đường đến hội đồng thi ở phường Trà An (quận Bình Thủy) bị tai nạn giao thông, được đi cấp cứu ở bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ nên không thể đến hội đồng thi.

Tại TP Cần Thơ, trời mưa nên không khí trong thời gian thi môn Hóa khá dễ chịu. Tại hội đồng coi thi trường THPT Nguyễn Việt Hồng (quận Ninh Kiều) lúc hết giờ, trên khuôn mặt các thí sinh rất vui vẻ.

Thí sinh Trương Thị Tuyết Anh, lớp 12A7 trường THPT Nguyễn Việt Hồng phấn khởi cho biết, đề thi dễ thở em chỉ cần 45 phút là làm xong. Trong khi đó, thí sinh Huỳnh Thị Trâm Anh, lớp 12A6 trường THPT Nguyễn Việt Hồng cho biết, học sinh có học lực trung bình khá thì sẽ làm chính xác được 20 câu và thời gian cũng vừa đủ.

Nhiều suất ăn miễn phí phục vụ thí sinh. 66 học sinh lớp 12 trường THPT Trường Xuân (huyện Thới Lai) đều được nhà trường phục vụ từ khâu ăn uống đến đi lại, nghỉ ngơi. Thầy Lê Tuấn, Hiệu trưởng trường, cho biết vì đây là trường vùng sâu, học sinh đa số thuộc diện khó khăn. Trường chỉ mới có học sinh 12 được hai năm nay cho nên dù điều kiện còn rất khó khăn nhưng nhà trường vẫn cố gắng chăm lo cho học sinh để đạt kết quả tốt trong kỳ thi.

Trong khi đó, Thầy Lê Văn Hảo, Hiệu phó trường THPT Thốt Nốt (quận Thốt Nốt) cho biết nhà trường cũng phục vụ miễn phí bữa ăn trưa cho hơn 100 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn và nhà ở xa. Đồng thời nhiều phòng học ở trường cũng được trang bị thêm quạt máy, bàn ghế để các em có chỗ nghỉ ngơi. Tại trường THPT Phan Văn Trị (huyện Phong Điền) hễ đến kỳ thi tốt nghiệp thì Hội phụ huynh, học sinh của trường đều xắn tay người góp công, người góp của phục vụ bữa cơm trưa cho các em. Năm nay gần 200 thí sinh dự thi của trường được phục vụ bữa ăn rất tươm tất.

Tại Đà Nẵng, kết thúc buổi thi môn hóa học vào chiều 2-6, nhiều thí sinh ra khỏi phòng thi trong tâm trạng rất thoải mái vì làm được bài. Tại hội đồng thi trường THPT Thái Phiên (Đà Nẵng), nhiều thí sinh kết thúc bài làm của mình từ rất sớm dù còn đến hơn 10 phút mới hết giờ. Thí sinh Nguyễn Văn Ánh cho biết, đề thi 40 câu trắc nghiệm không dài, số câu lý thuyết và toán ngang nhau và vừa sức học. Học sinh học chắc trong sách giáo khoa là có thể làm hết.

Tương tự, tại trường THPT Trần Phú các học sinh đều có chung nhìn nhận đề hóa học vừa phải, học trung bình có thể làm hơn 50% bài. Theo báo cáo nhanh của Sở GD-ĐT Đà Nẵng, chiều 2-6, có ba thí sinh hệ GDTX bị lập biên bản đình chỉ thi vì mang điện thoại vào phòng thi. Số thí sinh vắng thi 25 (hệ THPT), 21 (hệ GDTX). Chiều cùng ngày đoàn công tác của Bộ GD-ĐT đã có buổi làm việc với Sở GD-ĐT về công tác tổ chức thi tốt nghiệp.

Tây Ninh: hai trường hợp bỏ thi vì bệnh nhưng không xin phép

Ngày 2-6, ông Đổng Ngọc Lập, giám đốc sở GD-ĐT tỉnh Tây Ninh cho biết ngày thì đầu tiên trên địa bàn tỉnh diễn ra khá tốt, đa số các em chấp hành nội quy, tuy nhiên, có một trường hợp một học sinh tại hội đồng thi trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha sử dụng điện thoại di động trong giờ thi môn văn nên bị đình chỉ thi.

Ông Lập cho biết, trước đó, giám thị coi thi đã phổ biến rất kỹ nội quy phòng thi không được đem điện thoại di động theo bên người nhưng học sinh này vẫn mang điện thoại trong người và lấy ra “bấm bấm”. Đối với trường hợp này, hội đồng thi đã đình chỉ toàn bộ các môn còn lại đối với học sinh vi phạm. Ông Lập cho biết trường hợp học sinh này phải thi lại vào kỳ thi tốt nghiệp PTTH năm sau.

Ông Lập cho biết trong ngày thi tốt nghiệp đầu tiên của tỉnh Tây Ninh có 7/6.093 thí sinh hệ PTTH vắng thi (tính cả thí sinh bị đình chỉ thi) không lý do. Trong đó có 2 thí sinh bị bệnh. Tuy nhiên, do 2 thí sinh này không xin phép nên được xem là vắng không lý do. Đối với hệ giáo dục thường xuyên có 8/892 thí sinh thi tốt nghiệp vắng mặt không lý do.

Lâm Đồng: hỗ trợ thí sinh đi thi xa

Theo số liệu cập nhật của Sở GD-ĐT tỉnh Lâm Đồng, trong ngày thi đầu tiên ở 45 hội đồng thi trên địa bàn tỉnh có 28 thí sinh không dự thi, trong đó có 14 thí sinh THPT, 14 thí sinh hệ giáo dục thường xuyên. Ông Nguyễn Văn Sang, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT tỉnh Lâm Đồng, cho biết đã kiểm tra các trường hợp vắng thi này. Tất cả đều tự ý vắng thi, không liên quan đến việc đau ốm hay tai nạn giao thông. Thông tin từ hai hội đồng thi huyện Đam Rông (tỉnh Lâm Đồng), đây là hội đồng thi có 70% thí sinh là người dân tộc, địa hình di chuyển phức tạp nhưng các thí sinh đến dự thi đầy đủ, tỉ lệ 100%.

Năm nay, để hỗ trợ thí sinh không phải đi xa, tránh xảy ra điều không hay trong quá trình di chuyển, tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức nhiều hội đồng thi. Trên 12 huyện thành tỉnh Lâm Đồng có 45 hội đồng thi. Huyện Đam Rông mặc dù ít thí sinh thi tốt nghiệp so với các huyện khác nhưng Sở GD – ĐT tỉnh đã lập 2 hội đồng thi ở xã Đạ Tông và xã Phi Liêng. Các hội đồng thi đều nằm cận ngay khu vực thí sinh sinh sống và theo học. Thí sinh gần như thi tại chỗ, cự ly di chuyển xa nhất để đến hội đồng thi khoảng 15 km.

82 thí sinh đang theo học tại trường THPT dân tộc nội trú Đạ Sar (huyện Lạc Dương) phải di chuyển hơn 30 km để đến hội đồng thi Trường dân tộc nội trú Langbian (thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương) thì được hỗ trợ chỗ ở và 100 nghìn đồng/thí sinh/3 ngày, có giáo viên của trường nơi đang theo học đưa đi. Ngoài ra UBND xã Đạ Sar cũng hỗ trợ nhóm thí sinh này 3 triệu đồng để đi thi.

Trong kỳ thi tốt nghiệp năm nay, Lâm Đồng có 14.700 học sinh dự thi (trong đó 13.974 học sinh THPT, số còn lại là học sinh ở các Trung tâm Giáo dục thường xuyên). Tổng số học sinh người dân tộc là 2326 thí sinh.

Bình Định: Thêm 6 thí sinh bỏ thi môn Hóa học

Chiều 2-6, tại 48 hội đồng coi thi tốt nghiệp trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh Bình Định có thêm 6 thí sinh bỏ thi, gồm 3 thí sinh trung học phổ thông và 3 thí sinh giáo dục thường xuyên. Trong đó có 2 thí sinh bị ốm và 4 thí sinh bỏ thi không rõ lý do. Như vậy, trong ngày thi đầu tiên, cả tỉnh Bình Định có 24 thí sinh bỏ thi. Nhìn chung, buổi thi môn Hóa học tại các Hội đồng thi trên địa bàn tỉnh Bình Định tiếp tục diễn ra bình thường, trật tự, an toàn, nghiêm túc. Bên ngoài các khu vực thi đều rất vắng người.

Tại một số Hội đồng thi trên địa bàn TP. Quy Nhơn có nhiều thí sinh rới phòng thi sau khi kết thúc 2/3 thời gian làm bài. Thí sinh Trảo Thị Thúy Liễu, học sinh Trường trung học phổ thông chuyên Lê Quý Đôn cho biết: “Đề hóa tương đối phù hợp với sức học của học sinh. Các bạn học Ban cơ bản có thể làm được bài từ 7 điểm trở lên”. Còn thí sinh Nguyễn Đắc Lộc, dự thi tại Hội đồng thi Trường trung học phổ thông Trưng Vương cũng cho biết: “Đề thi môn Hóa ra bám sát chương trình, vừa sức, nhẹ hơn năm trước. Các bạn đều làm được bài và không khí phòng thi rất nghiêm túc”.

Ngày thi tốt nghiệp trung học phổ thông đều tiên ở Bình Định kết thúc bằng một trận mưa lớn, làm giảm bớt không khí nóng bức, căng thẳng của mùa thi, tạo thuận lợi cho thí sinh bước vào ngày thi thứ 2 vào ngày mai.

Bình Thuận: một HS huyện đảo Phú Quý bỏ thi vì đau ruột thừa

Chiều 2-6, thí sinh Đỗ Thị Lợi, lớp 12A3 Trường THPT Ngô Quyền, huyện đảo Phú Quý phải bỏ thi vì đau ruột thừa (dù buổi sáng vẫn thi môn văn bình thường). Ông Hoàng Tấn Rư - Phó giám đốc Sở GD-ĐT Bình Thuận cho biết theo quy chế trường hợp của em Đỗ Thị Lợi nếu là học sinh trung bình, hạnh kiểm khá thì môn thi buổi sáng 2-6 em Lợi phải trên 5 điểm mới được đặt cách đậu tốt nghiệp. Được biết học sinh Đỗ Thị Lợi ít nhất cần 4 ngày sau mới bình phục khi trải qua ca mổ ruột thừa.

Trước đó vào trưa 2-6, ông Nguyễn Thành Tâm - Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cùng lãnh đạo Sở GD - ĐT Bình Thuận cũng đã đến ký túc xá Trường THPT chuyên Trần Hưng Đạo (TP Phan Thiết) thăm hỏi tình hình thi cử, sức khỏe, việc ăn ở của các thí sinh đến từ Phú Quý đang lưu trú tại đây.

Các thí sinh từ huyện đảo Phú Quý vào đất liền dự thi đã được hỗ trợ nhiều mặt để các em chuyên tâm làm bài. Sở GD - ĐT Bình Thuận nhận định việc bố trí cho học sinh Phú Quý vào đất liền thi là phương án hợp lý nhất, bởi nếu tổ chức thi tại đảo thì phải mang đề thi ra bằng máy bay. Việc tổ chức thi ngoài đảo cũng có thể bị ảnh hưởng nếu diễn ra thời tiết xấu.

Quảng Trị: Đưa học sinh miền núi xuống điểm thi

Trường THPT A Túc nằm cách trung tâm huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) hơn 40km. 75 thí sinh của trường này phải lặn lội ra tận điểm thi thị trấn Lao Bảo để dự thi. Học sinh của trường này phần lớn là con em đồng bào Vân Kiều, Pa Cô, rất hiếm khi được về thị trấn nên nhà trường đã cử bốn giáo viên đưa số học sinh này ra tận điểm thi và đưa về sau mỗi ngày thi. Các thầy cô còn lo cho các em chỗ ăn trưa, liên hệ với trường mầm non gần điểm thi để mượn chỗ cho các em nghỉ trưa để làm bài thi thật tốt.

AYcAIYjs.jpgPhóng to
Các thí sinh người dân tộc Pa Cô, Vân Kiều thuộc trường THPT A Túc được các thầy cô đưa đi thi và lo cho việc ăn nghỉ hằng ngày. Ảnh: Quốc Nam
9yQRdOSI.jpgPhóng to
Trao đổi bài thi sau giờ thi môn Hóa Tại Trường THPT Trưng Vương Quy Nhơn. Ảnh: Xuân Nguyên.
Nhóm PV, CTV TTO
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên