26/12/2020 07:59 GMT+7

Bộ GD-ĐT: Có thể nhận xét học sinh theo nhiều cách

VĨNH HÀ thực hiện
VĨNH HÀ thực hiện

TTO - Trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ về những băn khoăn của cán bộ, giáo viên trong đổi mới kiểm tra, đánh giá, ông Nguyễn Xuân Thành - vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT) - cho rằng nếu bắt tay vào làm sẽ không thấy quá khó và sẽ làm được.

Bộ GD-ĐT: Có thể nhận xét học sinh theo nhiều cách - Ảnh 1.

Học sinh Trường THCS Hưng Phú (Cần Thơ) làm bài tập theo nhóm và sẽ được giáo viên chấm điểm sản phẩm học tập - Ảnh: V.H.

Ông Nguyễn Xuân Thành cho biết:

- Việc đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh gắn liền với mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông 2018, hướng đến phát triển năng lực, phẩm chất người học. Để làm tốt việc này, các trường phải chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục của trường. 

Theo đó, căn cứ vào thời gian năm học được UBND các tỉnh, thành phố quy định và nhiệm vụ năm học do Bộ GD-ĐT ban hành, hiệu trưởng các trường giao cho các tổ bộ môn rà soát, đề xuất kế hoạch thực hiện ở từng môn học cụ thể, hoạt động giáo dục tương ứng với các chủ đề dạy học, cách tổ chức, phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá học sinh.

* Giáo viên cho rằng quy định bỏ bớt đầu điểm kiểm tra 1 tiết khiến họ lo lắng sẽ khó kiểm soát được chất lượng. Trong khi đó, kiểm tra qua dự án học tập, sản phẩm thực hành, bài thuyết trình, nghiên cứu của học sinh... không phải trường nào cũng có điều kiện thực hiện. Ông trao đổi gì về băn khoăn này?

- Quy định mới không yêu cầu giáo viên bỏ hình thức kiểm tra viết như truyền thống. Mà bên cạnh đó, giáo viên có thể đánh giá học sinh qua quá trình tổ chức các hoạt động học với nhiều hình thức đa dạng như hỏi - đáp ngay trong tiết dạy bài học mới, trong tiết ôn tập hoặc giao nhiệm vụ cho học sinh/nhóm học sinh thực hiện các yêu cầu cụ thể và đánh giá qua phần thuyết trình, báo cáo kết quả thực hiện, sản phẩm thực hành, thí nghiệm...

Trên thực tế nhiều trường đã triển khai dạy học đa dạng, giáo viên làm quen với đánh giá học sinh như nói trên. Khi bắt tay vào làm, có thể ban đầu còn gặp khó khăn nhưng dần dần giáo viên sẽ không thấy khó như đã nghĩ. 

Tùy theo mỗi điều kiện, đối tượng học sinh và yêu cầu cụ thể của nội dung học tập, có thể lựa chọn cách dạy học, đánh giá khác nhau. Nhưng cần lưu ý với mỗi hình thức, khi đánh giá bằng điểm số phải thông báo trước cho học sinh về các tiêu chí đánh giá và định hướng cho học sinh tự học.

* Bộ GD-ĐT yêu cầu giáo viên chú trọng đánh giá học sinh bằng nhận xét quá trình và kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập của học sinh. Nhưng thực tế nhiều cán bộ quản lý và giáo viên cho rằng sẽ khó thực hiện được nếu giáo viên phải nhận xét hàng trăm trường hợp trong một tháng?

- Bộ GD-ĐT không yêu cầu phải sửa hoặc thay đổi mẫu sổ ghi điểm và học bạ hiện hành chỉ để ghi nhận xét của giáo viên. Giáo viên có thể nhận xét bằng viết ra giấy với học sinh, nhận xét bằng lời nói trực tiếp, tùy đối tượng và mục tiêu đặt ra. 

Mục đích cuối cùng là giáo viên phải nắm được quá trình học tập, tiến bộ của học sinh, nhận xét nhằm khích lệ hoặc hỗ trợ học sinh khắc phục khó khăn, thực hiện nhiệm vụ học tập chứ không phải ghi nhận xét một cách hình thức.

Quy định mới của bộ nhằm giúp giáo viên biết cách nhận xét, đánh giá học sinh trong mỗi hoạt động học với những nội dung học tập cụ thể để học sinh hoàn thành nhiệm vụ học tập và qua đó phát triển phẩm chất, năng lực. Có thể hình dung, trong mỗi bài học phần lớn thời gian học sinh thực hiện nhiệm vụ học tập được giao; giáo viên kiểm tra, đánh giá, hỗ trợ học sinh hoàn thành nhiệm vụ. 

Làm được điều này sẽ giảm tải cho giáo viên rất nhiều khi phải chấm bài làm trên giấy (kiểm tra 15 phút, 1 tiết) nhiều lần cho số đông học sinh, nhất là với những giáo viên phụ trách các môn học ít tiết nên có số học sinh đông.

Trong quá trình dạy học trải nghiệm, làm việc học tập theo nhóm, giáo viên có thể để cho học sinh nhận xét lẫn nhau về kết quả thực hiện. Ý kiến đánh giá của học sinh là kênh tham khảo để giáo viên kết hợp với sự quan sát của mình nắm được năng lực, sự tiến bộ của mỗi học sinh. Cuối mỗi học kỳ, giáo viên có thể hướng dẫn và giao cho học sinh tự viết đánh giá về những ưu điểm, hạn chế, sự tiến bộ của bản thân đối với môn học cụ thể. 

Trên cơ sở đó, giáo viên có tổng hợp đánh giá, nhận xét vào cuối học kỳ. Như vậy, việc đánh giá bằng nhận xét thực sự có ý nghĩa đối với mỗi học sinh và hoạt động tự đánh giá của bản thân sẽ góp phần tích cực đối với việc phát triển phẩm chất, năng lực.

Bộ GD-ĐT: Có thể nhận xét học sinh theo nhiều cách - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Xuân Thành

* Theo quy định mới, đề kiểm tra định kỳ đối với học sinh trung học phải xây dựng theo ma trận. Bộ GD-ĐT có hướng dẫn thế nào và có hình thức gì để kiểm soát việc thực hiện?

- Bộ GD-ĐT vừa ban hành hướng dẫn xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục nhà trường. Trong đó, hướng dẫn cụ thể về việc xây dựng kế hoạch kiểm tra, đánh giá định kỳ. Trường hợp làm bài kiểm tra định kỳ, Bộ GD-ĐT quy định các tổ chuyên môn xây dựng ma trận, đặc tả đề kiểm tra cho từng khối lớp, từng môn học với ngân hàng câu hỏi tự luận, trắc nghiệm theo bốn mức độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao. 

Mỗi mức độ này đã được mô tả cụ thể yêu cầu cần đạt để thuận lợi và thống nhất chung để thầy cô và các nhà trường tổ chức thực hiện.

"Đối với bài thực hành, dự án học tập, các tổ chuyên môn xây dựng các bài kiểm tra thực hành, dự án học tập nêu rõ những tiêu chí cụ thể để đánh giá phù hợp với yêu cầu cần đạt của chương trình môn học. Việc xây dựng tiêu chí đánh giá bài thực hành, dự án học tập cần bảo đảm phù hợp với các mức độ yêu cầu đối với kiến thức, kỹ năng mà học sinh phải sử dụng để thực hiện những bài thực hành, dự án học tập đó.

Sau 10 năm triển khai thực hiện, đến nay quy định đề kiểm tra, đánh giá phải xây dựng theo ma trận đã được đưa vào thông tư hướng dẫn của bộ. Đây là căn cứ pháp lý để các cấp quản lý giáo dục giám sát, kiểm tra, thanh tra; bảo đảm hiệu quả, chất lượng trong quá trình tổ chức thực hiện" - ông Nguyễn Xuân Thành cho biết.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: 'Một bộ phận giáo viên chưa mạnh dạn đổi mới'

TTO - Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ trao đổi tại hội nghị tổng kết năm học 2019-2020 và triển khai nhiệm vụ năm học mới được tổ chức trực tuyến ngày 25-8 với 64 điểm cầu trên cả nước.

VĨNH HÀ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên