Nguyễn Thái Luyện và các đồng phạm tại tòa - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Bị cáo, người thân cũng mua đất của Alibaba
Theo cáo trạng, bị cáo Trịnh Minh Pháp (giám đốc Công ty 108) có hành vi giúp Nguyễn Thái Luyện thành lập Công ty 108, đứng tên ký quyền sử dụng đất nông nghiệp; ký hợp đồng ủy quyền cho Công ty 108 làm chủ đầu tư dự án, ký hợp đồng hợp tác với Công ty Alibaba về bán hàng, tiếp thị, ký giấy biên nhận cọc, nhận tiền đặt cọc, nhận tiền theo hợp đồng thỏa thuận chuyển nhượng và các chính sách...
Ngoài ra, bị cáo Pháp còn giúp Nguyễn Thái Luyện lập hai dự án không có thật trên đất nông nghiệp: Alibaba Bàu Cạn Riverside và Alibaba Phú Mỹ Central City 3.
Tại tòa, Pháp cho rằng mình chỉ là người được Luyện chỉ đạo ký các hợp đồng nhận chuyển nhượng mua bán đất. Pháp khai thời điểm đó Pháp nghĩ mình làm đúng pháp luật nên mới ký.
Công ty 108 là chủ đầu tư của hai dự án: Alibaba Bàu Cạn Riverside và Phú Mỹ Central City 3. Trong đó, dự án Bàu Cạn Riverside có 962 khách hàng tố cáo các bị cáo chiếm đoạt 288 tỉ đồng.
Trả lời luật sư, bị cáo Pháp cho rằng sở dĩ dự án này có lượng khách hàng và số tiền thu được nhiều như vậy là vì tất cả bộ phận kinh doanh của Alibaba đều bán dự án này và giá rẻ hơn so với các dự án khác mà Alibaba thực hiện.
Công ty cũng có hợp đồng quyền chọn, thu mua lại từ 6 tháng, 9 tháng hoặc 12 tháng. Dự án này triển khai từ tháng 3-2019 thì đến tháng 9-2019 vụ Alibaba bị khởi tố nên phần lớn khách hàng chưa đến thời hạn nhận lại quyền chọn.
Hơn nữa, dự án này còn có chính sách bán ưu đãi cho nhân viên, chỉ cần đặt trước 30%, sau đó trả góp 1 triệu đồng/tháng. Do đó rất nhiều nhân viên của công ty đã đầu tư vào dự án này.
"Bị cáo không nhớ rõ đã mua bao nhiêu thửa đất trong những dự án của Công ty Alibaba, bị cáo chỉ nhớ số tiền là gần 7 tỉ. Bị cáo đã rất nhiều lần đề nghị cơ quan điều tra đưa số tiền này của bị cáo vào danh sách bị hại.
Tuy nhiên, trong quá trình nhận cáo trạng cũng như danh sách bị hại thì không thấy tên của bị cáo cũng như vợ bị cáo" - Pháp khai tại tòa.
Bị cáo này cho biết trong số tiền đã đầu tư vào các dự án của Công ty Alibaba, có hơn 2 tỉ đồng do vợ Pháp đứng tên trên các hợp đồng, thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Tiền này là tiền gia đình vợ của bị cáo đưa, 1,2 tỉ đồng do người quen góp vốn, số tiền còn lại là tiền bị cáo cầm cố căn nhà duy nhất của cha mẹ để đầu tư vào công ty.
Bị cáo Pháp đề nghị HĐXX đưa mình, vợ và những người thân vào danh sách bị hại và giải quyết bồi thường cho mình.
Đến khi bị bắt mới biết trụ sở công ty ở đâu
Tương tự, bị cáo Vi Thị Hiến (giám đốc Công ty Sunny Land) khai Hiến làm giám đốc và đại diện theo pháp luật nhưng thực chất Hiến chỉ là nhân viên, doanh nghiệp do Nguyễn Thái Luyện thành lập, điều hành toàn bộ hoạt động.
Hiến khai vào làm nhân viên kinh doanh tại Công ty Alibaba từ năm 2017. Đến năm 2019, khi Công ty Sunny Land được thành lập, bị cáo Hiến được nhờ đứng tên đại diện pháp luật cho công ty. Ngoài những lúc được nhờ ký giấy tờ thì công việc chính của bị cáo này vẫn là nhân viên bán hàng.
Hiến khai khi nhân viên phòng pháp lý đưa cho bị cáo giấy thì bị cáo ký chứ không được đọc nội dung trong đó. Hiến không quản lý hoạt động của công ty, không được trả lương hay hưởng lợi từ việc đứng tên đại diện công ty, thậm chí đến khi bị bắt và làm việc với cơ quan điều tra, bị cáo mới biết trụ sở công ty mà mình làm giám đốc ở đâu.
Bị cáo Hiến cũng khai có mua một số đất nền dự án của Alibaba nhưng bị cáo không xin HĐXX trả lại mà để tiền trả lại cho các bị hại.
Dự kiến sáng 12-12, HĐXX sẽ bắt đầu xét hỏi đối với khoảng trên 4.000 bị hại. HĐXX lưu ý đối với những dự án đã xét hỏi qua, HĐXX sẽ không xét hỏi lại nên đề nghị các bị hại đến đúng ngày xử dự kiến để tham gia phiên tòa.
Bên cạnh đó, trong quá trình giải quyết vụ án, tòa đã nhận nhiều đơn của nhiều người cho rằng mình là bị hại nhưng chưa được đưa vào danh sách bị hại. HĐXX sẽ xét hỏi những người này vào ngày cuối cùng trong thời gian dự kiến xét hỏi bị hại.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận