Một tiết học văn hóa của học sinh Trường trung cấp nghề Kỹ thuật công nghệ Hùng Vương, TP.HCM - Ảnh tư liệu: NHƯ HÙNG
Sau tâm sự chưa biết khuyên cháu thế nào khi muốn bỏ ngang ĐH để học nghề của bạn đọc Tô Yến Phương, Tuổi Trẻ nhận được một số chia sẻ từ bạn đọc.
Học nghề tự do cũng chẳng sao
Gửi bạn Tô Yến Phương! Với tư cách là một nhà giáo hoạt động trong nghề hơn 15 năm, tôi tha thiết khuyên bạn hãy tôn trọng lựa chọn của cháu vì chính mỗi người sẽ tự nhận ra sở thích, đam mê cũng như mặt mạnh, mặt yếu của chính mình mà thôi. Và cũng rất mừng cho bạn khi cháu bạn mới chỉ nhập học hai tháng.
Tôi muốn chia sẻ những tấm gương về cháu tôi, về học sinh của tôi mà tôi chính là người định hướng và động viên các em khi biết các em không có niềm đam mê học tập mà chỉ thích đi học nghề, và hiện tại các em đã rất thành công trong việc lựa chọn học nghề thay vì học văn hóa.
Chuyện cậu học trò ương bướng. Cách đây 12 năm, tôi chủ nhiệm một lớp học sinh cuối cấp THCS, nổi bật trong đó có em Ngọc Dũng làm tôi phiền lòng nhất. Các khoản tiền mẹ cho nộp đầu năm đều bị em "ngốn sạch" vào các trò chơi điện tử vô bổ, mặc mẹ khóc, thầy buồn.
Cuối năm, em không đủ điều kiện tốt nghiệp lớp 9 vì điểm tổng các môn quá thấp. Gặp thầy giáo, Dũng không tỏ ra lo lắng và buồn phiền về kết quả học tập, trái lại em bảo với tôi em thích đi học nghề từ lâu nhưng gia đình không cho.
Dũng tâm sự niềm đam mê cháy bỏng trong em là được đi học nghề thợ kép (chuyên tô vẽ, nhào nặn bêtông thành rồng, phượng, hoa văn...). Tôi chân thành khuyên bảo nếu việc học làm em khổ sở đến vậy thì đây là cơ hội để em đi học nghề em yêu.
Bây giờ Dũng đã là ông chủ của một xưởng thợ kép có tiếng ở làng. Được biết những lứa học trò sau đó của tôi đều đến học nghề và trở thành học trò của Dũng, trong khi những học sinh cùng lứa với Dũng ra trường chưa bạn nào có việc làm và chưa có thu nhập thì Dũng nghiễm nhiên có thu nhập cao ngất ngưởng và được các bạn rất ngưỡng mộ.
Cậu cháu trai một thời lêu lổng. Nhắc đến việc đi học nghề từ nhỏ, tôi lại nhớ đến đứa cháu trai lên 12 tuổi của tôi. Bố mất từ nhỏ, mẹ chạy chợ vì buôn bán, cháu không được ai kèm cặp việc học nên chơi bời, lêu lổng.
"Trầm trầy trầm trật" mãi mới tốt nghiệp hết bậc tiểu học, khi vào năm học đầu cấp của bậc THCS, cháu nhanh chóng bộc lộ điểm yếu của mình, không học nổi, cháu đâm ra quậy phá.
Tôi thẳng thắn hỏi cháu muốn gì ngoài việc học? Cháu không ngần ngại trả lời với người cậu như tôi rằng: "Con chỉ muốn đi học nghề". Sau khi động viên chị gái tôi, cháu được toại nguyện.
Hiện tại, cháu tôi đang làm nghề trồng, chăm sóc và sản xuất hoa ở thành phố Đà Lạt. Lương tháng tất nhiên là cao hơn tôi - một giáo viên với 15 năm đi dạy. Hằng tháng cháu lại gửi tiền ra giúp chị gái tôi trang trải cuộc sống. Cháu sống chân thành, tình cảm nên ai cũng quý mến. Tôi luôn hài lòng về quyết định năm ấy của mình với đứa cháu nhỏ đáng yêu này.
Xã hội đã phân công công việc, có người làm giáo sư, tiến sĩ, nhưng cũng có anh làm nghề thợ kép, anh trồng hoa tô đẹp thêm cho đời. Điều cốt yếu là mỗi người lao động bằng tình yêu, niềm đam mê cháy bỏng, lao động bằng mồ hôi, nước mắt, đồng tiền kiếm được là đồng tiền chân chính thì không lý gì người lớn lại không tôn trọng?
Mỗi người một thế mạnh riêng, điều cơ bản và cốt yếu nhất là biết phát huy thế mạnh đó để thấy mỗi ngày luôn là một ngày mới, ý nghĩa. Hãy để con trẻ sống với niềm đam mê chân chính của chính mình.
Suy nghĩ thực tế
Chị Tô Yến Phương mến. Gia đình chị đã giúp đỡ cháu học ở xa nhà, động viên khích lệ cháu, thật rất quý với cháu và gia đình cháu. Sự quan tâm chu đáo của chị đã giúp cháu cởi mở nói ra những suy nghĩ trong lòng.
Chị cũng đã quan sát kỹ cháu mình trong hai tháng qua và thấy cháu thực sự không chú tâm học, không thích học và cũng không đủ khả năng học một ngành khó như ngành CNTT. Đọc tâm sự của cháu thì thấy cháu cũng đã suy nghĩ rất thực tế và kỹ lưỡng.
Tôi đồng tình với suy nghĩ này của cháu. Học ĐH là học chuyên sâu, có tính nghiên cứu, cháu lại có mong ước học thực hành, học nghề phù hợp khả năng, thời gian học ngắn, đỡ tốn tiền của cha mẹ.
Cố gắng học cho có bằng cấp không còn là cách phù hợp với nhu cầu xã hội ngày càng trọng khả năng làm việc thực tế như hiện nay. Vấn đề hiện tại là cha mẹ cháu cùng chị có chấp nhận cho cháu được học nghề nào, nơi nào phù hợp với cháu hay không?
Cháu muốn thử thách hết học kỳ 1 là hợp lý và trong thời gian này cháu cần lựa chọn kỹ ngành nghề cháu muốn học, cháu có khả năng và ra trường đáp ứng nhu cầu xã hội để sớm có việc làm. Hơn nữa, cháu cùng gia đình cần tìm hiểu kỹ nơi đào tạo nghề đó có chất lượng, uy tín hay không để chọn học, tránh lãng phí thời gian và tiền bạc.
Cha mẹ cháu tuy buồn nhưng theo thời gian họ sẽ hiểu ra lựa chọn của con họ là phù hợp với năng lực của cháu. Con cái không thể có tương lai tươi sáng, có được niềm hạnh phúc với nghề nghiệp của mình nếu sống theo sự sắp đặt của cha mẹ mà trái với nguyện vọng và sở trường của bản thân.
Người trẻ rất cần được tôn trọng và tự cân nhắc quyết định theo những gì mình lựa chọn. Có như vậy họ mới tự tin, độc lập, đủ bản lĩnh vượt qua khó khăn thử thách. Dù chông gai thế nào nhưng cháu được làm điều cháu thích thì cháu mới có hạnh phúc. Mong cha mẹ luôn đồng hành cùng con!
Xã hội đã phân công công việc, có người làm giáo sư, tiến sĩ, nhưng cũng có anh làm nghề thợ kép, anh trồng hoa tô đẹp thêm cho đời. Điều cốt yếu là mỗi người lao động bằng tình yêu, niềm đam mê cháy bỏng, lao động bằng mồ hôi, nước mắt, đồng tiền kiếm được là đồng tiền chân chính thì không lý gì người lớn lại không tôn trọng?
Mỗi người một thế mạnh riêng, điều cơ bản và cốt yếu nhất là biết phát huy thế mạnh đó để thấy mỗi ngày luôn là một ngày mới, ý nghĩa. Hãy để con trẻ sống với niềm đam mê chân chính của chính mình.
Chúng tôi tiếp tục nhận ý kiến chia sẻ tại giaoduc@tuoitre.com.vn về chủ đề này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận