Ông Đỗ Thắng Hải - thứ trưởng Bộ Công thương - chủ trì họp báo thường kỳ ngày 12-3 - Ảnh: N.K.
Chiều 12-3, tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Công thương do ông Đỗ Thắng Hải - thứ trưởng Bộ Công thương - chủ trì, Tuổi Trẻ Online đặt câu hỏi liên quan đến trách nhiệm của bộ này trong việc để xảy ra tình trạng xăng dầu lậu, xăng giả kém chất lượng quy mô lớn thời gian vừa qua, bất cập trong quản lý hệ thống phân phối, đặc biệt là việc phân giao hạn ngạch, tổng nguồn tối thiểu...
Ông Trần Duy Đông, vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), cho biết có nhiều bộ ngành tham gia quản lý kinh doanh xăng dầu, trong đó vai trò của Bộ Công thương liên quan trực tiếp đến nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu; Bộ Khoa học và công nghệ có vai trò quản lý chất lượng, pha chế và các địa phương có trách nhiệm giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu của thương nhân trên địa bàn mình.
Theo đó, nghị định 83 quy định Bộ Công thương có chức năng chính là chủ trù phối hợp với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu, đảm bảo nguồn cung cho sản xuất, tiêu dùng và phát triển hệ thống phân phối.
"Theo chức năng nhiệm vụ của Bộ Công thương thời gian qua, kinh doanh xăng dầu theo nghị định 83 cơ bản được thi hành, đáp ứng tốt. Tuy nhiên, có một số thương nhân có dấu hiệu, biểu hiện vi phạm nghị định 83 trong việc duy trì những điều kiện kinh doanh" - ông Đông cho hay.
Do đó, lãnh đạo Bộ Công thương cho hay thường xuyên có những đoàn kiểm tra, giám sát và hậu kiểm. Ngay trong cuối năm 2020 đã kiểm tra và sẽ có báo cáo để xử lý những thương nhân kinh doanh xăng dầu không đúng quy định.
Đồng thời bộ cũng đang soạn thảo, sửa đổi nghị định 83 để khắc phục những bất cập, đảm bảo tính minh bạch hơn, tránh tình trạng phát triển không đi vào thực chất và tăng cường phối hợp để thanh tra, kiểm tra mặt hàng xăng dầu.
Với câu hỏi của Tuổi Trẻ Online liên quan đến việc chậm sửa đổi biểu giá bán lẻ điện gây bức xúc cho người dân vào những mùa nắng nóng, tiền điện tăng cao bất thường, ông Nguyễn Anh Tuấn, cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, cho biết bộ đã nghiên cứu xem xét đề án sửa đổi biểu giá bán lẻ điện, lấy ý kiến rộng rãi các bộ ngành và khách hàng sử dụng điện.
"Trên cơ sở đánh giá, góp ý, Bộ Công thương đã báo cáo Thủ tướng nhưng Thủ tướng giao Bộ Công thương chủ trì phối hợp các bộ tiếp tục nghiên cứu, xem xét ở thời điểm phù hợp vào năm 2021, nên hiện nay bộ vẫn đang xem xét và nghiên cứu" - ông Tuấn nhấn mạnh.
Với câu hỏi giá thành sản xuất kinh doanh điện tăng 7% thì Bộ Công thương có phương án tăng giá trong năm nay hay không, ông Tuấn chỉ khẳng định thời gian tới Bộ Công thương sẽ kiên trì thực hiện điều hành giá điện theo quyết định 24, cũng như định hướng điều hành giá điện theo cơ chế thị trường định hướng tại nghị quyết 55 của Bộ Chính trị.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận