18/10/2017 17:29 GMT+7

Bộ Công Thương lý giải chuyện 'muốn bán rượu phải là doanh nghiệp'

NGỌC AN
NGỌC AN

TTO - Bộ Công thương cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh thực chất là gộp "nhiều nhỏ thành một lớn" khiến nhiều người lại lo bỏ giấy phép con này để chuyển sang quy chuẩn khác khắt khe hơn.

Bộ Công Thương lý giải chuyện muốn bán rượu phải là doanh nghiệp - Ảnh 1.

Bộ Công Thương cho biết đã rà soát và phát hiện có 18 điều kiện kinh doanh trùng lặp sẽ được bãi bỏ. Ảnh: Laodong.vn

Các lo ngại trên được nhiều người đặt ra tại buổi Tọa đàm "Kiên quyết loại bỏ các điều kiện kinh doanh trói doanh nghiệp" do báo Lao Động tổ chức ngày 18-10 tại Hà Nội.

"Nhiều điều kiện được Bộ Công thương cắt bỏ chỉ để lại đề mục, doanh nghiệp đến Bộ chỉ còn xin cấp phép cho đề mục trong khi điều kiện kinh doanh không còn nữa. Ví dụ muốn bán buôn rượu thì dĩ nhiên phải là doanh nghiệp, vậy thì nên chăng xóa bỏ luôn giấy phép bán buôn, bán lẻ rượu...?",  ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Công Thương, nói.

Theo ông Tân, ngành công thương qua rà soát và phát hiện có 18 điều kiện kinh doanh cụ thể liên quan đến phương án cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện đầu tư, kinh doanh, liên quan đến lĩnh vực kinh doanh thực phẩm gặp các lỗi trùng lặp.

"Điều kiện kinh doanh đã bị gạch bỏ vẫn tồn tại ở các dòng ngay trước hoặc sau dòng đã gạch bỏ. Bộ Công thương khẳng định các điều kiện này đã được đề xuất bãi bỏ và sẽ được bãi bỏ tại văn bản quy phạm pháp luật đang được triển khai xây dựng", ông Tân nói.

Theo ông Phan Đức Hiếu, phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, trách nhiệm quản lý là bổn phận mà cơ quan nhà nước phải làm. Vấn đề là quản lý phương pháp nào mà ít tác động lên chi phí của doanh nghiệp nhất, tiết kiệm về thời gian nhất thì cần ưu tiên.

"Tôi đã từng chứng kiến những doanh nghiệp khóc trong các cuộc hội thảo, chỉ vì đơn giản thế này: Chậm 10 ngày hay 30 ngày xin giấy phép có thể không nghĩa lý gì, nhưng một sản phẩm làm ra phải đợi đến 30 ngày mới được bán ra thị trường thì sẽ giảm tính cạnh tranh, có thể dẫn đến việc doanh nghiệp bị phá sản. Một ngày đối với họ đã như ngồi trên đống lửa. Một giấy tờ, một thủ tục đôi khi phát khóc", ông Hiếu dẫn chứng.

Theo ông Hiếu, một giấy tờ, thủ tục có thể khiến doanh nghiệp phải rời thị trường, hoặc một chữ viết ra có thể gây chi phí cả tỉ đồng. 

Do đó, điều quan trọng nhất theo ông Hiếu là đưa ra quy định gì, viết ra cái gì, vừa phải đảm bảo đòi hỏi ngày càng cao của xã hội vừa phải thực sự giảm được chi phí cho doanh nghiệp.

NGỌC AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên