Hội nghị kết nối tiêu thụ nông sản vùng Nam Bộ và Tây Nguyên - Ảnh: C.D.
Chiều 6-8, Hội nghị trực tuyến kết nối tiêu thụ, xúc tiến xuất khẩu nông sản, thủy sản khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên 2021 đã được Bộ Công thương tổ chức với sự tham gia của 300 điểm cầu trong và ngoài nước.
Theo đó, Bộ Công thương và Bộ NN&PTNT sẽ hỗ trợ tối đa doanh nghiệp, người dân. Bộ trưởng Diên khẳng định cam kết sẽ tháo gỡ mọi khó khăn, bất cập phát sinh trong thẩm quyền của hai bộ. Đối với những việc vượt thẩm quyền sẽ trao đổi với các bộ ngành để kiến nghị Chính phủ sớm tháo gỡ, đơn cử như vấn đề ưu tiên tiêm vắc xin cho người lao động, hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động trở lại trong khâu logistics, lãi suất, kỹ thuật…
Đặc biệt, ông Diên cho hay sẽ kiến nghị Chính phủ triển khai việc thu mua, tạm trữ lương thực với sản lượng gần 4 triệu tấn lúa, tương đương 2,5 triệu tấn gạo. Việc thực hiện chủ trương này trước hết để giải quyết nhu cầu cấp bách cho bà con vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đồng thời để dự trữ trong bối cảnh "cả thế giới chắc chắn thiếu ăn sau COVID-19", theo nhận định của bộ trưởng.
"Xung quanh những nước cường quốc sản xuất nông sản lúa gạo bị đứt gãy, trong khi ta vẫn giữ được thì đó là hạnh phúc. Nhưng hạnh phúc này có thể tuột khỏi tay nếu ta không có hành động kịp thời", ông Diên nói.
Theo đó, bộ trưởng đề nghị các địa phương trong khi trung ương chưa kịp hỗ trợ thì cần tích cực hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, hợp tác xã… có thể tạm trữ, tạm thu mua lượng lương thực lúa gạo từ người dân, trước hết để dự trữ, vừa giúp người dân có nguồn thu nhập và khi cần có thể tung ra thị trường.
Trước đó, nhiều địa phương và hiệp hội, doanh nghiệp cho rằng gặp khó khăn trong thu hoạch, bảo quản và chế biến sản phẩm do thiếu nhân lực và nhiều nhà máy chế biến phải dừng sản xuất.
Ông Nguyễn Minh Lâm, phó chủ tịch UBND tỉnh Long An, cho hay nhiều sản phẩm sắp vào vụ thu hoạch như gạo, thanh long đang gặp khó khăn do địa phương đang áp dụng lệnh giãn cách xã hội, các chợ đầu mối, chợ truyền thống tạm đóng cửa nên ảnh hưởng lớn đến tiêu thụ. Trong khi đó, nhiều thị trường xuất khẩu kiểm soát chặt kiểm dịch hàng hóa cũng làm gián đoạn hoạt động.
Với thị trường xuất khẩu, ông Phạm Văn Hiển, giám đốc Công ty CP xuất nhập khẩu LPT (Hà Lan), cho hay gạo Việt Nam xuất khẩu lớn nhưng người tiêu dùng nước ngoài vẫn chuộng và tin tưởng gạo Thái Lan. Cũng bởi gạo Việt Nam chất lượng chưa ổn định, nên ông Hiển bày tỏ mong muốn gạo Việt Nam cần đạt chất lượng cao hơn, hạt đồng đều hơn, không chỉ chuyến hàng đầu tiên.
Bộ trưởng Bộ Công thương cho rằng trước hết cần ưu tiên cho thị trường nội địa, phục vụ cho 100 triệu dân, đảm bảo bình ổn giá cả, nguồn cung trong bối cảnh dịch bệnh. Vì vậy, các đơn vị chức năng cần tập trung nhiệm vụ hỗ trợ nông dân thu hoạch, tháo gỡ khó khăn vận chuyển, lưu thông; khởi động lại sản xuất, quảng bá sản phẩm tới người tiêu dùng.
Khuyến khích sản xuất sản phẩm chế biến, tạo giá trị gia tăng cao hơn, nâng cao chất lượng sản phẩm, mẫu mã để đáp ứng cho các thị trường khó tính. Đẩy mạnh kênh phân phối truyền thống, mở thêm chợ tạm, đa dạng kênh phân phối hiện đại như siêu thị, thương mại điện tử, chuyển đổi số…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận