17/01/2018 19:04 GMT+7

Bỏ cái lý con dâu phải ở nhà chồng, tết này con về với mẹ

Bạn đọc LẠI THỊ VÂN
Bạn đọc LẠI THỊ VÂN

TTO - Gạt đạo lý muôn đời con dâu phải ở nhà chồng sang một bên, cứ về làm con gái mẹ thôi, mẹ nhỉ.

Bỏ cái lý con dâu phải ở nhà chồng, tết này con về với mẹ - Ảnh 1.

Hoa đào Nhật Tân (Hà Nội) đã nở, báo hiệu tết sắp về - Ảnh minh hoạ: HÀ THANH

Ngày còn nhỏ, xóm Nông trường cói tổ chức 8-3 cho chị em công nhân, mẹ có trong đội văn nghệ múa nón của xóm. Tối nào mẹ cũng đi tập văn nghệ hăng hái lắm. Hôm đấy trời mưa, chuẩn bị đến ngày thi diễn, mẹ mặc chiếc áo dài trắng mà đội văn nghệ thuê cho múa, tay cầm nón, đứng trước gương dài xoay người tập múa, miệng hát. 

Ngày đó cách đây hơn 12 năm rồi, mà vẫn nhớ mãi khuôn mặt mẹ lúc ấy, hình dáng mẹ lúc mặc chiếc áo dài trắng đẹp đẽ ấy. Con gái đi học, rồi đi làm sau bao năm tốn cơm gạo của bố mẹ, cuối cùng cũng tự làm ra đồng tiền mà bố mẹ cho ăn học mới có được. Phấn khởi đưa tiền cho mẹ rồi dặn mẹ may áo dài mặc đi mẹ, mẹ bảo còn nhiều việc phải lo, áo dài từ từ rồi may sau cũng được. 

Con đi làm gần 4 năm thì lấy chồng, trong 4 năm ấy mẹ vẫn chẳng chịu may áo cho mình. Chuẩn bị cưới con gái, năn nỉ mẹ đi may tấm áo dài, mẹ cứ khất lần rồi bảo đi thuê cũng được chứ đừng may tốn kém. Buồn mẹ, cả đời người phụ nữ mà đến cái áo dài truyền thống cũng không nỡ sắm riêng cho mình một bộ. 

Ngày con đi lấy chồng, mẹ chẳng được khoác lên người tấm áo dài đẹp đẽ mà là cánh tay gãy bó bột trắng đục, tay mẹ gãy hôm đi mời cỗ cưới con. Ngày con cưới, mọi việc rồi cũng xong, tâm trạng ngổn ngang hụt hẫng chứ không có lấy một niềm vui hay hạnh phúc như ngôn tình hay phim ảnh miêu tả. Thương mẹ vất vả nuôi con rồi lại về nhà người làm dâu xa lạ. 

Tết đầu tiên sau bao năm ở với bố mẹ, con về nhà chồng, lạ lẫm chứ không cảm thấy ấm cúng như nhà mình. Chiều 30 tết hùng hục dọn dẹp nhà cửa, rồi ngẩn ngơ tay cầm chổi dài đứng ngoài cổng ngóng lên đường nghe tiếng còi xe khách ngoài cao tốc gọi khách, xin đường. Nhớ nhà, cô đơn! 

Tối 30 không còn cảnh quần áo xúng xính chạy ngược chạy xuôi hớn hở với bạn bè, bố còn mắng sí sớn vừa thôi, rồi xem Táo quân thích thú. Mà là ngồi nhìn mâm cơm tất niên có chồng với anh em cứ chén chú chén anh không biết khi nào mới xong để còn rửa bát, mặt ông nào cũng hừng hực, miệng sủi bong bóng, tranh nhau nói, cụng ly liên tục, rượu hết lại rót không ngừng, vui lắm rôm rả lắm. Không khí náo nhiệt với rộn ràng, mà người xa bố mẹ nẫu ruột. 

Năm thì mùng 2 có năm mùng 3 tết, vợ chồng con cái dắt díu nhau về ngoại, con về nhà mới đông đủ mới gọi là có tết. Mỗi lần về nhà, về đến cửa chỉ thích gọi to hai tiếng "mẹ ơi". Nhà cửa rộn ràng nhộn nhịp mấy hôm con về, rồi lại lặng lẽ hiu quạnh lúc con đi. 

Mỗi lần đi về với gia đình nhỏ của mình, chẳng lần nào con dám nhìn thẳng vào khuôn mặt mẹ lúc ấy. Cảm giác khó chịu, đau xót khi nghĩ đến dáng mẹ gầy gò nhìn con cháu đi khuất ngõ mà thương.

Thế mà cũng đã năm cái tết ở nhà chồng, con gái giờ cũng đã có hai con trai nhỏ, gia đình riêng cũng đã đủ bốn người, ngọt bùi đắng cay đều đủ cả. Nhưng chẳng còn niềm háo hức khi tết về giống thuở khi con chưa chồng. Chỉ thấy buồn tủi khi nhìn sắc hoa rực rỡ bày bán đầy thành phố nhộn nhịp, thấy cay mũi khi cánh hoa đào phất phơ trên xe máy của người đi đường, thấy nghẹn giọng khi nhìn dòng người ba lô túi xách, đèo nhau xe máy xuôi ngược các nẻo về quê. Thấy dòng nước ấm từ mắt chảy ra khi nhìn chiếc xe khách Nam Định, gió lạnh tạt vào mặt vừa khô vừa rát.

Tết này, khoảng trời của mẹ bây giờ chỉ là cái đài nhỏ để đầu giường, là khung cửa sổ chỉ mở một nửa ngó ra cổng đợi hai con về, và chiếc điện thoại đen trắng đợi nghe điện thoại của chúng nó. 

Nói chuyện với mẹ giờ cũng khó khăn, mắt mờ, tay run. Bệnh tật đến với mẹ đã 5 năm, âm ỉ tàn phá. Nhiều lúc con khó chịu bực tức với mẹ, không phải vì mẹ bệnh tật gây phiền cho con cái, mà bực tức khi nhìn thấy mẹ yếu đi mỗi ngày mà không làm gì được, thấy khó chịu ruột gan khi mẹ không may mắn, hạnh phúc. Không muốn chấp nhận việc mẹ già yếu đi, và ích kỷ muốn mẹ trẻ khỏe bên hai chị em mãi. 

Con gọi điện về bảo mẹ, tết này con với cháu về ăn tết với bố mẹ nhé. Mẹ bảo con cứ chu toàn việc nhà chồng, đừng để bà nội phiền lòng, xong xuôi thì về cũng được. Con bảo con muốn về nhà mẹ, về với người sinh ra con, về với gốc gác của mình, với ông bà ngoại đã 80 tuổi, về để thắp cho ông bà nội nén nhang trước tết. 

Tết này con sẽ thay mẹ mua hoa cắm trong nhà, dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị ban thờ, nấu cơm tất niên cho nhà mình. Bố mua đào mua quất, em trai cắm đèn nháy cắm cờ đỏ. Mọi thứ sẽ vẫn đủ đầy.

Biết mẹ không yên tâm khi không được tận tay làm những việc ấy nhưng mẹ cứ chỉ đạo, con sẽ làm tất cả thay mẹ. Con chẳng cần gì cả, chỉ cần nhà mình bốn người ngồi ăn cơm tất niên rồi xem Táo quân lúc 20h tối 30. Sáng mùng một cầm lì xì đỏ mừng tuổi bố mẹ, mấy ngày tết chỉ ở nhà nấu cơm cho mẹ ăn, như vậy là đủ rồi mẹ nhỉ. 

Nhà chồng con chỉ vắng con mấy ngày tết cũng không sao đâu mẹ. Chồng con sẽ lo cho gia đình, và các cô cũng gần nhà. Mẹ chồng con sẽ không thiếu thốn tình cảm của con cái, hai cô con gái sẽ bên bà. 

Nhà mình neo người, em trai chưa lấy vợ, hai chị em con thì chẳng biết còn được ăn tết với mẹ mấy lần nữa. Thôi thì tết này cứ vui vẻ về bên mẹ, chẳng buồn lo hay nước mắt thương nhau nữa, còn bên nhau thì cứ mừng đã, hơi đâu mà buồn mẹ nhỉ. 

Con có lớn khôn, có già đầu bạc tóc hay con cái đầy đủ thì vẫn là con gái bố mẹ sinh ra. Chỉ ước được ngắm mẹ mặc áo dài của riêng mình, được tô son, búi tóc, đeo dây chuyền đi tết ông bà ngoại. Về nhà với người mang nặng đẻ đau, với người đau bụng đẻ con vẫn cố trồng nốt luống tỏi mới đi đẻ cho yên tâm. Tết vẫn hạnh phúc khi còn bố mẹ!

Sinh viên chọn làm thêm, hi sinh thời gian nghỉ Tết Sinh viên chọn làm thêm, hi sinh thời gian nghỉ tết

TTO - Khan hiếm nhân lực dịp giáp Tết Mậu Tuất, nhiều nơi trả lương cao hơn bình thường gấp 3-5 lần. Nhiều sinh viên chọn ở lại thành phố làm thêm.


Bạn đọc LẠI THỊ VÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Tết ăn tết Cha mẹ