
Ảnh bìa bộ đề 600 câu hỏi dùng cho sát hạch lái xe cơ giới đường bộ có thể tải về dưới dạng file tài liệu - Ảnh chụp màn hình
Lần đầu có câu hỏi về ô tô điện
Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) đã ban hành bộ 600 câu hỏi sát hạch lái xe cơ giới đường bộ, chính thức áp dụng từ ngày 1-6. Bộ câu hỏi được chia thành 6 chương, bao quát toàn diện các nội dung cần thiết cho người học và thi sát hạch.
Tổng cộng bộ đề có 600 câu hỏi, trong đó 180 câu về quy định chung và quy tắc giao thông đường bộ; 25 câu về văn hóa giao thông, đạo đức người lái xe, kỹ năng phòng cháy chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn; 58 câu về kỹ thuật lái xe; 37 câu liên quan đến cấu tạo và sửa chữa phương tiện; 185 câu về hệ thống báo hiệu đường bộ và 115 câu liên quan đến giải thế sa hình và kỹ năng xử lý tình huống giao thông.
Điểm mới đáng chú ý trong bộ đề lần này là lần đầu tiên đưa vào nội dung liên quan đến ô tô điện - loại phương tiện đang ngày càng phổ biến tại Việt Nam.
Các câu hỏi tập trung vào nguyên tắc vận hành và đảm bảo an toàn khi sử dụng xe điện, phản ánh xu hướng chuyển dịch của ngành giao thông vận tải và yêu cầu người học cần cập nhật kiến thức mới phù hợp với thực tiễn.
Việc cập nhật này được đánh giá là bước đi cần thiết nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch và góp phần xây dựng đội ngũ lái xe có hiểu biết đầy đủ về các loại phương tiện hiện đại, phù hợp với xu thế phát triển giao thông bền vững.
3 câu hỏi về ô tô điện trong bộ đề

Việc bổ sung các câu hỏi liên quan đến ô tô điện cho thấy sự phổ biến của dòng xe này tại Việt Nam. Đồng thời cũng sẽ giúp các thí sinh hiểu hơn về loại phương tiện mới, qua đó không còn bỡ ngỡ khi tiếp xúc với xe điện - Ảnh: VinFast
Dưới đây là 3 câu hỏi liên quan đến ô tô điện trong bộ đề 600 câu hỏi mới được công bố:
Câu 202: Người lái xe, chủ phương tiện giao thông cơ giới đường bộ nên thực hiện các biện pháp phòng cháy, chữa cháy như thế nào dưới đây?
1. Không lắp đặt thêm thiết bị điện, phụ kiện không đúng theo thiết kế của nhà sản xuất; tuân thủ quy trình vận hành bảo trì bảo dưỡng định kỳ; thường xuyên kiểm tra phương tiện, khi phát hiện thấy dấu hiệu khác lạ (khó nổ, có hơi xăng, có tiếng kêu bất thường, nhiệt độ của máy cao, có mùi khét) cần khắc phục ngay.
2. Khi để xe trong nhà, ở nơi trông giữ xe phải tắt khóa điện, để xa nguồn lửa, nguồn nhiệt; không mua xăng, dầu ở các điểm bán tự phát, không rõ nguồn gốc; không sử dụng các biện pháp "tiết kiệm xăng, dầu" khi chưa được kiểm chứng về mức độ an toàn có thể gây hỏng xe hoặc dẫn đến nguy cơ xảy ra cháy cao.
3. Không để các chất dễ cháy, dễ bắt lửa trong xe, dưới yên xe, trong cốp xe, trong khoang động cơ. Đối với xe điện cần chọn địa điểm sạc an toàn, sử dụng các thiết bị sạc đúng cách và giám sát quá trình sạc.
4. Cả ba ý trên.
Đáp án đúng là cả ba ý trên.
Câu 262: Khi lái ô tô điện xuống dốc dài, đổ đèo, người lái xe cần chú ý những vấn đề gì để bảo đảm an toàn?
1. Kiểm tra hệ thống an toàn, pin của xe trước khi xuất phát.
2. Nhả chân ga để phanh tái sinh hoạt động.
3. Rà phanh chân để kịp thời xử lý tình huống khẩn cấp.
4. Cả ba ý trên.
Đáp án đúng là cả ba ý trên. Câu này nhắc tới quy trình thả dốc một cách an toàn đối với xe điện. Nhưng lưu ý thêm để sử dụng tính năng phanh tái sinh hãm tốc độ, tài xế cần chú ý chọn chế độ phanh tái sinh ở mức cao trước khi đổ đèo. Bởi nếu chọn mức thấp, xe sẽ vẫn trôi theo quán tính thay vì hãm lại.
Câu 263: Khi lái ô tô điện qua khu vực ngập nước, người lái xe cần phải chú ý những vấn đề gì?
1. Người lái xe phải tìm hiểu khả năng chìm trong nước của xe để xác định cung đường di chuyển.
2. Giữ vững tay lái, đi đều ga, tránh không để xe chết máy giữa dòng, không nên dừng xe trên đường ngập nước.
3. Lái xe tốc độ chậm, không tạo sóng và giữ khoảng cách an toàn với các phương tiện xung quanh, nhất là người đi bộ.
4. Cả ba ý trên.
Đáp án đúng là cả ba ý trên. Xe điện thường có khả năng lội nước tốt hơn xe xăng dầu, tuy nhiên phương tiện nào cũng có "ngưỡng" của mình. Do đó tài xế vẫn phải biết rõ khả năng lội nước tối đa của xe.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận