16/05/2014 12:58 GMT+7

Blog bác sĩ: Chuyện lạnh và nóng

 PGS.TS NGUYỄN HOÀI NAM (tổng thư ký Hội Phẫu thuật lồng ngực và tim mạch TP.HCM)
 PGS.TS NGUYỄN HOÀI NAM (tổng thư ký Hội Phẫu thuật lồng ngực và tim mạch TP.HCM)

TTO - Cũng như các động vật máu nóng khác, cơ thể con người có một cơ chế điều hòa thân nhiệt khá tuyệt vời và lúc nào cũng giữ nhiệt độ cơ thể ở mức 37 độ C. Ở mức nhiệt độ này, mọi hoạt động của cơ thể sẽ ở mức độ hoàn hảo và tốt nhất. Mức thân nhiệt này luôn cao hơn nhiệt độ ngoài môi trường lý tưởng.

tBQVW5gV.jpgPhóng to
Nóng hay lạnh quá đều dễ bệnh - Ảnh tư liệu

Lạnh mất cân bằng

Nhiệt độ bên ngoài giảm dưới mức cho phép, các mạch máu dưới da sẽ co lại giúp cơ thể lấy lại khả năng cân bằng về thân nhiệt. Hoạt động này rất cần đến năng lượng, đặc biệt là năng lượng lấy từ chất béo. Chính vì vậy, những cư dân ở xứ lạnh như người Eskimo trong khẩu phần ăn hằng ngày đều có rất nhiều mỡ động vật.

Tuy nhiên, nếu cái lạnh kéo dài và nhiệt độ xuống quá thấp, khả năng tự điều hòa thân nhiệt sẽ bị ảnh hưởng và đến một lúc nào đấy cơ thể sẽ mất hẳn khả năng này. Hậu quả là con người sẽ bị bệnh, đặc biệt ở những người già và trẻ em là những đối tượng dễ bị bệnh nhất. Các bệnh gây ra do lạnh kéo dài thường là các bệnh của đường hô hấp hay gặp nhất là viêm phổi, cảm lạnh và đột tử như một số trường hợp chúng ta đã gặp thời gian gần đây.

Nóng quá cũng gây bệnh

Trong một trạng thái ngược lại, vào mùa hè nóng bức khi nhiệt độ có ngày trong bóng râm đã lên đến trên 400C thì có khá nhiều người bị bệnh và cũng có khá nhiều người tử vong vì nắng nóng. Nóng quá làm các mạch máu của cơ thể dãn nở quá mức, mất nước qua mồ hôi và hơi thở, nếu không được bù lại kịp thời bằng nước uống và những loại thực phẩm có nhiều nước sẽ dẫn đến tình trạng rối loạn nước và điện giải. Bệnh nhân ngất xỉu là một tình trạng mà dân gian thường gọi là say nắng. Chữa say nắng thật ra cũng không có gì khó lắm, chỉ cần nghĩ đến nó và có những sơ cứu căn bản là đủ.

Nhưng không phải người nào cũng vượt qua được, nhiều người già cơ chế điều nhiệt không còn hoàn hảo hay ở trẻ em khi mọi hoạt động của cơ thể chưa thật hoàn chỉnh thường là nạn nhân đầu tiên của nắng nóng quá mức.

Đừng nên thay đổi nhiệt độ đột ngột

Chúng ta từng nghe nhiều câu chuyện thương tâm về những nạn nhân của thay đổi nhiệt độ đột ngột. Có người giữa trưa hè nắng nóng về đến nhà là lao vào nhà tắm giội ngay vài gáo nước và đã đột tử ngay từ gáo nước thứ hai. Có những người trời đang rét căm căm, vài ngày chưa tắm đi xa mới về người còn vương bụi đường vào nhà tắm ngay với nước nóng và cũng đột tử vì sự thay đổi nhiệt độ quá đột ngột. Lại có nhưng quý ông chết ngay trong phòng xông hơi vì tim phải làm việc quá sức khi nhiệt độ môi trường thay đổi.

Phần lớn nạn nhân này đều có những nguy cơ tim mạch tiềm ẩn có thể là bẩm sinh hoặc mắc phải như hẹp tắc động mạch vành tim. Khi có sự thay đổi nhiệt độ đột ngột, để cơ thể thích ứng và duy trì thân nhiệt ở mức 37 độ C, trái tim phải làm việc quá mức để bơm máu ra ngoại vi, hoặc sự co mạch đột ngột trong trường hợp giá lạnh và thế là chuyện gì đến sẽ phải đến.

Phải biết cách giữ gìn sức khỏe khi thay đổi nhiệt độ

Một cách giữ gìn sức khỏe tốt nhất khi thay đổi nhiệt độ là phải có chế độ dinh dưỡng hợp lý theo nhiệt độ môi trường. Vào mùa rét nên ăn thêm chất béo vì năng lượng do chất béo cung cấp khá tốt, giúp cơ thể con người chống chọi lại cái lạnh đến ghê người của những đêm trường đông giá. Cũng đừng vì quá sợ bệnh tim mạch mà không dám ăn thêm một tí mỡ lợn hay mỡ động vật khác. Một chút chất béo cho bữa ăn làm tăng thêm vị ngon của thức ăn, lại giúp chống lại cái lạnh của trời đất vốn bao nhiêu năm nay vẫn thế.

Mùa hè phải uống nước đủ, ăn các loại thức ăn nhẹ và nhiều vitamin, đặc biệt là rau xanh và trái cây tươi. Kinh nghiệm dân gian cho thấy trong một số trường hợp phải làm việc ở môi trường nắng nóng phải cho mọi người uống nước có thêm chất muối để cân bằng về điện giải.

Không nên thay đổi nhiệt độ một cách quá đột ngột. Với những người thích xông hơi, rất nhiều công trình nghiên cứu cho thấy không nên xông hơi quá ba lần trong một tuần, mỗi lần không quá 20 phút và không nên tắm nước lạnh ngay sau xông hơi. Tốt nhất là lau khô người và chỉ được tắm nước lạnh sau 6 giờ. Điều này là một yếu tố rất quan trọng phòng đột tử trong phòng xông hơi mà không phải phòng xông hơi nào cũng biết và thông báo cho khách hàng của mình biết.

Ăn mặc đúng cách cũng làm giảm bớt tác hại của giá lạnh hay nóng bức quá mức. Chúng ta đừng hiểu nhầm cứ quấn thật nhiều áo là ấm và cũng đừng hiểu rằng cứ cởi trần ra là có thể chống chọi với cái nóng đến ghê người của xứ xở sa mạc. Kinh nghiệm của nhiều nước khác nhau trên thế giới cho thấy khi trời quá lạnh, mọi người nên mặc một bộ đồ tuy mỏng thôi nhưng phải bó sát vào người như bộ đồ dệt kim đông xuân, phía ngoài có thể khoác thêm các loại áo ấm khác. Trang phục bó sát người sẽ giúp giữ nhiệt rất tốt.

Trời nóng, mấy ông hoàng của xứ sở ngàn lẻ một đêm mặc rất nhiều quần áo lại quấn cả một chiếc khăn to tướng trên đầu nữa. Ai nhìn cũng thấy sợ, nhưng chính những quần áo này giúp cơ thể cân bằng nhiệt với bên ngoài.

Khí hậu đang thay đổi theo hai chiều hướng một là nóng quá, hai là lạnh quá. Có thể do quy luật tất nhiên trong sự phát triển của Trái đất hay sự tàn phá hủy hoại môi trường của chính chủ nhân thân yêu là con người. Nhưng dù sao đi nữa chúng ta phải biết được một số vấn đề cơ bản để chống lại quy luật khắc nghiệt của thiên nhiên và để tồn tại. Đó là luật của sự sống và tiềm năng mãnh liệt của con người.

 PGS.TS NGUYỄN HOÀI NAM (tổng thư ký Hội Phẫu thuật lồng ngực và tim mạch TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên