12/10/2005 10:41 GMT+7

Bình Thuận: Vì sao nhiều học sinh bỏ học từ đầu năm học mới?

Theo Tiền Phong
Theo Tiền Phong

Năm học mới 2005-2006 đã được hơn một tháng nay, nhưng nhiều trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông ở tỉnh Bình Thuận vẫn đau đáu nỗi lo tuyển sinh không đủ chỉ tiêu.

AS5Dk45N.jpgPhóng to
Học sinh bỏ học, nỗi lo ở Bình Thuận
Năm học mới 2005-2006 đã được hơn một tháng nay, nhưng nhiều trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông ở tỉnh Bình Thuận vẫn đau đáu nỗi lo tuyển sinh không đủ chỉ tiêu.

Chỉ tính riêng hai huyện Hàm Thuận Nam, Tuy Phong, số học sinh bỏ học đã lên đến hơn 220 em. Giờ đây, chuyện học sinh không chịu đi học đang trở thành điểm nóng, làm đau đầu các cấp chính quyền địa phương và nhà trường.

Khả năng hoàn thành kế hoạch phổ cập trung học cơ sở năm 2006 của Bình Thuận liệu có thể thực hiện được không?

Tiếp xúc với chúng tôi, thầy Lê Chánh Ngôn - hiệu trưởng Trường THCS Thuận Nam - cho biết: “Sau hai tuần đầu khai giảng, vẫn còn gần 50 học sinh chưa đến lớp, nhà trường đã phải lập danh sách gửi về chính quyền địa phương nhờ hỗ trợ, nhưng đến nay cũng mới chỉ có sáu em chịu ra lớp“.

Số học sinh bỏ học này tập trung tại các khu phố Lập Nghĩa (19 em), Lập Vinh (12 em), Nam Thành, Nam Trung, Nam Tân... Trong đó, học sinh khối lớp 7 nằm trong diện bỏ học cao (22 em), khối lớp 6 có 16 em, khối lớp 8 và 9 có 11 em.

Không chỉ riêng huyện Hàm Thuận Nam, Phòng Giáo dục huyện Tuy Phong cũng nhiều phen giật mình vì con số học sinh không chịu đi học khá cao, đặc biệt là học sinh đã hoàn thành xong chương trình tiểu học. Gặp chúng tôi, ông Võ Phi Dũng - Trưởng phòng - phân bua: "Cách đây hơn một tuần có khoảng 320 học sinh không chịu vào lớp 6, nhưng nay đã có 146 em ra lớp. Chỉ còn lại 174 em sắp tới sẽ đi học lớp phổ cập giáo dục ban đêm. Chúng tôi đã phải kêu gọi thầy, cô giáo các trường đến nhà từng em để vận động, thuyết phục gia đình cho các em đến lớp".

Theo Sở Giáo dục - Đào tạo Bình Thuận, tình trạng học sinh "không thích đi học" ở đầu năm học mới không chỉ diễn ra trong niên học 2005 - 2006 mà còn ở nhiều niên học trước. Năm học 2004 - 2005, Bình Thuận có hơn 6.690 học sinh ở 3 cấp học đã bỏ học nửa chừng. Nhiều trường đã bị cắt thi đua khen thưởng vì không giữ được sĩ số học sinh.

Điển hình như trường THCS Tân Bình (huyện Hàm Tân), năm học vừa rồi có trên 10 giáo viên bị cắt thi đua vì để gần 110 em bỏ học, tập trung ở khối lớp 7 - 8. Nhiều giáo viên cho biết, học sinh bỏ học giữa chừng là điều buồn nhất của người thầy, bởi chẳng ai muốn điều này xảy ra cả.

Do vậy, đầu năm học mới này, giáo viên trong trường đã nhốn nháo lên vì chuyện lo chạy sĩ số học sinh cho đủ. Không ít hôm, các thầy, cô phải bỏ cả bữa ăn để đi vận động. Thế nhưng, đến nay vẫn còn 39 em lớp 6 vẫn chưa chịu ra lớp. Hiệu trưởng trường THCS Tân Bình lắc đầu ngao ngán:"Chúng tôi đã xuống nhà các em không biết bao lần vận động, nhưng các em vẫn một mực không chịu đi học".

Một cán bộ của Sở Giáo dục - Đào tạo cho biết: Trong hơn 6.690 học sinh bỏ học 3 cấp ở năm học 2004 - 2005, đa số chỉ vì nguyên nhân chủ yếu là mất căn bản, học lực quá yếu... nên không còn thiết tha với chuyện học, sợ học... không nổi. Chiếm số lượng học sinh bỏ học cao nhất là cấp THCS với trên 3.650 em, cấp THPT gần 2.070 em và cấp tiểu học hơn 970 em. Một điều đáng lo ngại là những trường hợp bỏ học đều rơi vào học sinh cuối cấp.

Thành phố Phan Thiết và huyện Hàm Tân được xem là một trong những địa phương có điều kiện phát triển về giáo dục, nhưng lại là những địa phương có tỉ lệ bỏ học cao nhất. Năm học 2005 - 2006, số học sinh không chịu ra lớp lại tập trung ở những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, nhất là trận hạn hán vừa qua cũng đã làm ảnh hưởng không ít đến kinh tế gia đình.

Vì thế, đã có nhiều bậc phụ huynh chuyên làm nghề nông, nghề biển quan niệm rằng: con em học xong chương trình tiểu học là đủ rồi, giờ đã trưởng thành có thể giúp việc gia đình để có thêm thu nhập. Mùa gặt, mùa thanh long, mùa cá... đã vào vụ thu hoạch, đánh bắt, con em chính là lực lượng lao động đắc lực để trợ giúp gia đình làm kinh tế.

Chính vì quan niệm ấu trĩ này, số học sinh ngày càng học kém, ở lại lớp, bỏ học cứ dần tăng lên. Nhiều em muốn đi học lại nhưng ngại, mắc cỡ vì sợ học chung với các bạn "nhỏ tuổi" hơn mình.

Trường THPT bán công Nguyễn Huệ (TP Phan Thiết), năm học vừa rồi có số học sinh bỏ học cao nhất tỉnh, hơn 290 em. Vào năm học này, trường tiếp tục nỗi lo canh cánh vì hầu hết học sinh có học lực trung bình khá, đồng thời còn nhận thêm một số học sinh thi tốt nghiệp THCS đậu lần 2, học sinh bổ túc, nên chuyện mất căn bản về kiến thức khá cao, nhất là học sinh khối lớp 10. Thậm chí, có học sinh đọc chưa thạo, tính căn bậc 2 chưa quen, vẽ hình tam giác chưa rành, hỏi làm sao học được lớp 10.

Nghe qua tưởng như điều lạ nhưng sự thật ở các trường bán công hiện nay là vậy. Nhiều giáo viên đành phải bất lực vì đụng tới đâu, học sinh "mù mịt" tới đó, không thể nào dạy căn bản được.

Về vấn đề này, Phó giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo Huỳnh Sanh Nhẫn cho hay, ngành đang đẩy mạnh các biện pháp cần thiết nhất để hạn chế tình trạng bỏ học. Đối với các gia đình nghèo, khó khăn, Phòng Giáo dục các huyện sẽ hỗ trợ sách vở, miễn giảm tiền học phí, phân công giáo viên dạy phụ đạo cho những em mất căn bản... nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các em đi học.

Giáo viên chủ nhiệm các lớp phải đi sâu, đi sát từng trường hợp để tìm hiểu tâm tư, hoàn cảnh nhằm khắc phục kịp thời những em có ý định và tư tưởng bỏ học. Đối với cấp tiểu học ở những vùng sâu, vùng xa, để hạn chế học sinh bỏ học, dù có 15 em vẫn phải mở lớp.

Tuy nhiên, chuyện bỏ học cũng rất khó khắc phục nếu không có sự tác động trực tiếp một phần của gia đình. Hiện có rất nhiều gia đình không quan tâm đến chuyện học của con em nên việc con đi học hay không cũng không quan trọng, tập trung chủ yếu ở thôn quê, vùng biển. Điều quan trọng lúc này là tuyên truyền, vận động các gia đình làm nông nghiệp, nghề biển hiểu được lợi ích của việc đi học và ảnh hưởng lớn sau này đến tương lai con em, việc phối hợp giữa nhà trường và chính quyền địa phương là điều kiện thiết yếu trong sự nghiệp giáo dục.

Nói là vậy, nhưng trên thực tế việc chạy đua thành tích giữa các trường đang là nguyên nhân không nhỏ dẫn đến tỷ lệ học sinh bỏ học cao, nhất là kế hoạch hoàn thành phổ cập trung học cơ sở trong năm 2006 của tỉnh đã gần kề. Vì thế, khối dưới cố đẩy lên, khối trên phải gánh chịu hậu quả và chuyện học sinh "ngồi nhầm" lớp đã không còn chuyện lạ. Những tuần đầu của năm học mới này, hầu như trường nào cũng lo củng cố lại kiến thức cho học sinh, bở "kiến thức bị hỏng do 3 tháng hè bị bỏ quên".

Liệu chuyện học sinh bỏ học là tiếng chuông báo động về chất lượng dạy và học hiện nay của ngành giáo dục ở Bình Thuận hay không? Có lẽ, chỉ ngành Giáo dục - Đào tạo Bình Thuận, cùng các ban, ngành quản lý hữu quan, cả bản thân từng học sinh và gia đình mới có câu trả lời thấu đáo.

Theo Tiền Phong
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên