Bộ Công Thương cho biết các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng đường làm nguyên liệu, các doanh nghiệp thương mại và cả nhà máy đường phản ánh họ gặp khó khăn trong việc mua đường do giá cả liên tục tăng cao và không mua được đường với số lượng lớn để đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu dùng. Ngoài ra, còn có hiện tượng “găm hàng” tại một số doanh nghiệp kinh doanh đường.
Vì vậy, các công ty thương mại, doanh nghiệp sản xuất chế biến thực phẩm và nhà máy chế biến đường đã có văn bản đề nghị Bộ Công Thương sớm xem xét cấp hạn ngạch thuế quan nhập khẩu năm 2016 để phục vụ sản xuất và cung ứng cho thị trường.
Để có cơ sở điều hành xuất nhập khẩu đường, trong tháng 4-2016, Bộ Công Thương đã cùng Bộ NN&PTNT tổ chức đoàn công tác liên ngành kiểm tra tình hình sử dụng đường tại một số doanh nghiệp chế biến sử dụng đường làm nguyên liệu sản xuất và tình hình sản xuất, tồn kho tại một số nhà máy sản xuất, tinh luyện đường.
Căn cứ vào kết quả làm việc cùng với cân đối cung-cầu đường năm 2016 của Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương đánh giá năm 2016, dự kiến tổng nguồn cung đường giảm do lượng mía giảm 10%, trong khi nhu cầu phục vụ sản xuất và tiêu dùng tăng khoảng 100.000 tấn.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 1-6-2016, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý trước mắt cho phép nhập khẩu 100.000 tấn đường để góp phần bổ sung nguồn cung cho thị trường, phục vụ nhu cầu tiêu dùng và sản xuất trong nước.
Như vậy, trong bối cảnh nguồn cung trong nước thiếu hụt thì việc sớm cho nhập khẩu đường trong hạn ngạch thuế quan cũng là một biện pháp để bình ổn thị trường.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận