30/09/2011 08:00 GMT+7

Bình Nhưỡng tìm cách mở cửa

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TT - Tập đoàn khí đốt khổng lồ Gazprom của Nga ngày 27-9 công bố kế hoạch tăng sản lượng khí đốt xuất khẩu sang Hàn Quốc lên 12 tỉ m3 sau khi đạt được một thỏa thuận với CHDCND Triều Tiên về việc xây dựng đường ống dẫn khí xuống phía nam.

qUajGD9Z.jpgPhóng to
Đại tướng Kim Jong Un (thứ hai từ trái sang), con trai của lãnh đạo Kim Jong Il, thăm một công ty ở thủ đô Bình Nhưỡng (ảnh do kênh truyền thông quốc gia KCNA cung cấp) - Ảnh: Reuters

Bản ghi nhớ này bao gồm việc thành lập một nhóm hợp tác chung về dự án xây dựng đường ống dẫn khí liên Triều. Theo RIA Novosti, mặc dù việc triển khai dự án vẫn đang được Gazprom thảo luận với Bình Nhưỡng và Seoul, song Gazprom dự kiến bắt đầu chuyển khí đốt cho Hàn Quốc từ năm 2017. Năm 2008, Gazprom và Hàn Quốc đã ký thỏa thuận mua bán 10 tỉ m3 khí đốt trong vòng 30 năm. Đường ống dẫn khí dự kiến dài tổng cộng 1.100km, bao gồm 700km chạy qua lãnh thổ của CHDCND Triều Tiên, được đánh giá sẽ khơi thông dòng chảy năng lượng vào châu Á.

Chạy đua năng lượng ở châu Á

Kế hoạch xây dựng đường ống nối giữa Nga - một trong những nhà xuất khẩu khí đốt hàng đầu thế giới, với Hàn Quốc - một trong những nước nhập khẩu năng lượng lớn nhất thế giới, đã được thảo luận trong nhiều năm. Tuy nhiên, hi vọng chỉ được mở ra sau chuyến thăm Nga hồi tháng trước của Chủ tịch CHDCND Triều Tiên Kim Jong Il.

Nhu cầu khí đốt của Seoul hiện đứng thứ hai thế giới chỉ sau Nhật, chiếm 15% trên tổng nhu cầu năng lượng Hàn Quốc. Hàn Quốc phải nhập đến 97% nhu cầu năng lượng của mình. Hầu hết lượng khí đốt được mua từ Trung Đông và chở bằng tàu với tổng chi phí vận chuyển lên đến 17 tỉ USD. Do đó, một dự án chuyển khí đốt đi thẳng từ Nga sẽ an toàn hơn so với những hành trình chuyên chở dài và đầy nguy hiểm từ khu vực Trung Đông, trong khi tiết kiệm được 30% giá thành.

Một quan chức cấp cao Hàn Quốc nhận định dự án khí đốt liên Triều không chỉ có lợi cho Matxcơva và Seoul mà còn thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa Bình Nhưỡng với hai nước này. Tờ Chosun Ilbo tiết lộ Bình Nhưỡng đã đặt ra mức phí trung chuyển khoảng 150 triệu USD/năm.

Bên cạnh đó, giới phân tích nhận định dự án khí đốt ở Đông Bắc Á của Nga còn nhắm vào một thị trường tiềm năng và lớn hơn là Trung Quốc. Chuyên gia năng lượng Paik Keun Wook thuộc Học viện Quan hệ quốc tế hoàng gia London (Anh) cho rằng Matxcơva thông qua dự án với Hàn Quốc sẽ đặt ra một mức “giá sàn” cho các cuộc thương lượng với Bắc Kinh vốn bị đình trệ từ tháng 6-2011.

HIJAtjUU.jpgPhóng to

Đường dẫn khí đốt từ Nga đến Hàn Quốc qua lãnh thổ CHDCND Triều Tiên - Nguồn: Figaro - Đồ họa: như khanh

Đảm bảo cuộc chuyển giao quyền lực

Không chỉ ghé thăm người hàng xóm Nga, lãnh đạo Kim Jong Il trong vài tháng qua cũng thực hiện nhiều chuyến thăm Trung Quốc nhằm thúc đẩy kinh tế. Trong cuộc gặp mới đây, lãnh đạo hai nước đã thảo luận việc hợp tác phát triển hai đặc khu kinh tế ở đông bắc CHDCND Triều Tiên là Hwanggumpyong và Rason, nơi cả Nga và Trung Quốc đang thúc đẩy các dự án cơ sở hạ tầng nhằm thu hút nguồn đầu tư cho Bình Nhưỡng.

Báo Korea Times ngày 28-9 đưa tin Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo và người đồng cấp CHDCND Triều Tiên Choe Yong Rim đã tuyên bố sẽ thúc đẩy hơn nữa thương mại, đầu tư hợp tác kinh tế giữa hai nước. Trung Quốc hiện chiếm hơn 57% giao dịch thương mại của CHDCND Triều Tiên, tăng mạnh so với mức 47% của năm 2007.

Bên cạnh việc vực dậy nền kinh tế đang thiếu hụt tài chính và nhiên liệu quan trọng, đặc biệt sau mùa mưa bão gây nhiều thiệt hại trong năm nay, giới phân tích đánh giá các hoạt động thúc đẩy gần đây của Bình Nhưỡng còn nhằm đảm bảo cho một cuộc chuyển giao quyền lực êm thấm vào năm 2012 giữa lãnh đạo Kim Jong Il và con trai Kim Jong Un.

“Với nước này, năm 2012 cũng giống như năm bầu cử ở Mỹ vậy: họ phải loan báo những thành công kinh tế cho người dân” - John Delury, giáo sư Đại học Yonsei của Seoul, giải thích lý do Bình Nhưỡng đang tìm cách mở cửa.

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên