Tháp Bánh Ít - Ảnh: N.NGỌC
Sáng 22-11, Sở Văn hóa - Thể thao và Sở Du lịch Bình Định tổ chức tọa đàm "Phát huy các di tích tháp Chăm trên địa bàn tỉnh trong phát triển du lịch" với sự tham gia của nhiều chuyên gia về văn hóa, du lịch, doanh nghiệp du lịch, lữ hành…
Tại buổi tọa đàm, ông Tạ Xuân Chánh, giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao, cho biết tỉnh hiện còn 8 cụm với 14 ngôi tháp Chăm niên đại trên dưới 1.000 năm, phân bố ở TP Quy Nhơn, thị xã An Nhơn và các huyện Tuy Phước, Tây Sơn, Phù Cát.
Kiến trúc đền tháp Chăm Bình Định có quy mô lớn, còn khá nguyên vẹn, mang phong cách kiến trúc độc đáo của thời kỳ Vijaya. Ngoài ra, còn có 3 di tích thành cổ (thành Đồ Bàn, thành Cha, thành Thị Nại), 6 di tích khu lò gốm cổ, 45 phế tích kiến trúc nằm rải rác trên địa bàn tỉnh. Trong đó, cụm tháp Dương Long được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt năm 2015, các cụm tháp còn lại xếp hạng di tích quốc gia.
"Bên cạnh giá trị độc đáo của các công trình kiến trúc đền tháp, các di tích văn hóa Champa Bình Định có nhiều tác phẩm điêu khắc đá và điêu khắc đất nung hiếm quý. Hiện có 9 tác phẩm điêu khắc đá Bình Định được công nhận bảo vật quốc gia. Có thể nói, hệ thống di tích văn hóa Champa ở Bình Định chứa đựng những giá trị lịch sử, kiến trúc nghệ thuật, và là nguồn tài nguyên du lịch di sản văn hóa mang đặc trưng vùng miền độc đáo" - ông Chánh nói.
Theo ông Trần Văn Thanh - giám đốc Sở Du lịch Bình Định, những di tích tháp Chăm, văn hóa Chăm ở tỉnh này độc đáo như vậy nhưng thời gian qua việc phát huy để thu hút du lịch chưa xứng tầm.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Quang ý kiến tại buổi tọa đàm - Ảnh: DUY THANH
Tại tọa đàm, nhiều ý kiến trao đổi, bàn luận để tìm giải pháp tối ưu vừa bảo tồn, vừa quảng bá để phát huy giá trị các tháp Chăm của Bình Định, nhất là thu hút du khách trong và ngoài nước. Đó là liên kết các tour du lịch đưa du khách, nhất là khách nước ngoài, đến với các tháp Chăm; mở tour riêng biệt về tháp Chăm, văn hóa Chăm Bình Định; số hóa di tích tháp Chăm bằng các ngôn ngữ khác nhau; tổ chức một số hoạt động biểu diễn nghệ thuật Champa tại các sân tháp…
Nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Quang còn đề nghị nên sớm đầu tư xây dựng Bảo tàng Văn hóa Chăm Bình Định. Còn ông Nguyễn Phạm Kiên Trung - phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Bình Định - đề xuất nên lập hồ sơ đề nghị công nhận tháp Dương Long là di sản văn hóa thế giới…
Ban tổ chức bày tỏ kỳ vọng rằng các ý kiến hiến kế tại buổi tọa đàm này sẽ giúp cơ quan chức năng tỉnh Bình Định xây dựng các chương trình phát huy di tích tháp Chăm, văn hóa Chăm Bình Định ngay từ cuối năm 2022 để thu hút mạnh mẽ du khách.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận