
Hình ảnh chim Lạc được thể hiện rõ nhất trên trống đồng - bảo vật của tổ tiên người Việt, gắn liền với thời kỳ các vua Hùng dựng nước - Ảnh: VNA
Nguồn gốc chim Lạc?
Theo các kết quả khảo cổ học, người Việt là chủ nhân của nền văn minh phát triển liên tục từ Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun đến Đông Sơn cách đây trên 4.000 năm, thời kỳ Hùng Vương chỉ là giai đoạn cuối của tiến trình lịch sử này.
Người Việt xưa có một bộ phận ở đồng bằng, một bộ phận ở miền núi. Do đó trên mặt trống đồng có loài hươu tượng trưng cho miền núi, và các loài chim nước tượng trưng cho đồng bằng.
PGS.TS Nguyễn Ngọc Thơ, giảng viên cao cấp Viện Phát triển năng lực lãnh đạo (Đại học Quốc gia TP.HCM), cho biết hình tượng chim Lạc xuất hiện trên mặt và thân trống đồng Lạc Việt có niên đại vào khoảng 2.300 - 2.700 năm trước, được cho là một trong những vật tổ thiêng liêng gắn liền với nguồn cội dân tộc Việt Nam (chim Lạc, rồng, hươu nai…).
Đến thời kỳ Đại Việt, tích Hồng Bàng thị và truyền thuyết Lạc Long Quân - Âu Cơ làm sống dậy ký ức lịch sử - văn hóa cổ xưa ấy, trở thành nền tảng của ý thức nguồn cội dân tộc và ý thức độc lập về văn hóa. Quan điểm ấy đến đầu và giữa thế kỷ 20 được nhiều nhà nghiên cứu văn hóa phát triển lên thêm, diễn giải cụ thể hơn.
Nhà nghiên cứu Đào Duy Anh và một số tác giả về sau giải thích rằng tên gọi chim Lạc bắt đầu từ nguyên mẫu loài chim nước (cò, vạc, diệc…), thường kéo về Đồng bằng sông Hồng tìm tôm, cá mỗi khi mùa lũ đi qua. Do đó chúng cũng báo hiệu mùa gieo cấy bắt đầu.

Chim Lạc từ nguồn gốc văn hóa đến biểu tượng kinh doanh - Ảnh: VNA
Tên gọi của nó có thể bắt nguồn từ chữ “nác” (tức là “nước”), đọc thành “lạc”; chim Lạc, tức là loài chim nước. Từ “lạc” trong chim Lạc cũng gắn liền với Lạc điền, Lạc hầu, Lạc tướng thời Văn Lang của các vua Hùng, gắn với tên nước Âu Lạc thời An Dương Vương. Hình ảnh chim Lạc vì thế trở thành một biểu tượng của nguồn cội dân tộc Việt Nam, chứa đựng ký ức lịch sử - văn hóa dân tộc.
GS.TS Lê Huy Bắc, trưởng khoa Việt Nam học, Trường đại học Sư phạm Hà Nội, cũng cho rằng chim Lạc là vật tổ của người Việt. Hình ảnh này kết tinh tố chất của mọi loài chim uy dũng theo trí tưởng tượng của tổ tiên người Việt. Chim Lạc không phải là hậu điểu, chim cò, diệc hay hồng hoàng như cách giải thích bấy lâu nay.
Theo đặc điểm tư duy của người cổ đại thì với người Việt, chim Lạc là một loài chim huyền thoại, có sức mạnh phi thường, có vẻ đẹp hùng tráng, có đạo lý, nghĩa tình… có thể trợ giúp dân tộc Việt Nam trong hoạn nạn, chỉ đường cho người Việt cách cư ngụ, cách chăn nuôi, trồng trọt, cách vượt qua mọi thử thách trở ngại cả trong tự nhiên lẫn đối đầu với kẻ thù xâm lược để bảo vệ chủ quyền.
Hình ảnh chim Lạc trên trống đồng là biểu tượng của sự tự do, độc lập, no ấm, hạnh phúc, hòa bình cũng như khát khao vượt qua chính mình và vươn mình ra khỏi các giới hạn về địa lý. Hình ảnh đó còn mang tính chỉ đường, giúp người Việt khẳng định bản thể, chọn được hướng đi đúng với khát vọng cao quý của những người tiến bộ trên thế giới.
Ý nghĩa biểu tượng của chim Lạc
TS Trần Long, giảng viên Trường HUFLIT, nguyên giảng viên khoa văn hóa học, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM), cho biết hình dạng con chim trên trống đồng Đông Sơn là một biểu tượng nghệ thuật.
Đặc điểm cơ bản của biểu tượng là tính cách điệu. Khi cách điệu nghệ sĩ có thể dựa vào một nguyên mẫu, nhưng cũng có thể chọn lựa những nét ưu việt của những cá thể cùng giống loài.
Đó là lý do dẫn đến hiện tượng giải mã biểu tượng chim trên trống đồng Đông Sơn theo nhiều hướng khác nhau: đó là “hậu điểu” (theo Đào Duy Anh), là con cò (theo Trần Đức Anh Sơn), là chim gõ kiến (theo Trần Gia Phụng).
Theo các nghiên cứu, họ Hạc gồm các loài chim có kích thước lớn, cổ cao, chân dài, chủ yếu sinh sống ở các vùng đất ngập nước. Có 9 loài chim thuộc họ Hạc đã được ghi nhận ở Việt Nam.
Biểu tượng chim Lạc trên trống đồng là loài chim nhẹ nhàng, thanh thoát, luôn đi tìm môi trường sống thích hợp cho chính mình, dễ dàng hòa nhập với môi trường, thiên nhiên. Chim Lạc có khả năng bay xa, bay cao, có thể đến những nơi cần đến, luôn dang cánh bay, hướng bay thẳng về phía trước, phong thái đĩnh đạc. Sau cùng, đây cũng là một biểu tượng nên dễ dàng hội nhập vào những biểu tượng khác cùng giống loài.
Với nội hàm này, biểu tượng chim Lạc đã được nhiều công ty, đơn vị chọn làm hình ảnh đại diện khi truyền thông, tiếp thị để nói lên niềm tin, khát vọng của mình.
Theo GS.TS Lê Huy Bắc, thời cổ đại, con người luôn mơ ước được bay lên, một phần là để rút ngắn quãng đường đi, nhưng quan trọng hơn là được thể hiện sự tự do, bay bổng, không bị câu thúc bởi không gian và những hệ lụy tủn mủn của mặt đất.
Do đó nếu hình ảnh chim Lạc được gắn với máy bay như “đại bàng” trên bầu trời thì Việt Nam sẽ có hàng trăm con chim Lạc kiêu hùng tung cánh trên bầu trời, nối khoảng cách từ ngày khai sinh dân tộc, trưởng thành và tung cánh trong “Kỷ nguyên vươn mình” kỳ diệu hôm nay.
Chim Lạc vừa là phong thái của một quốc gia tôn quý hòa bình, vừa kiên quyết khẳng định sức mạnh chủ quyền, vừa nhắn gửi thông điệp thân ái đến mọi quốc gia bè bạn năm châu.
Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Ngọc Thơ nhìn nhận hình ảnh chim Lạc khi xuất hiện trên thân máy bay sẽ giúp khơi gợi ý thức nguồn cội và tinh thần dân tộc, thể hiện ước vọng bay lên, khơi gợi ý niệm dân tộc Việt Nam hướng tới tương lai với quá khứ làm hành trang.
Chim Lạc hiền hòa, báo hiệu mùa vui gieo cấy cho người nông dân Việt Nam xưa, là biểu tượng của phúc lành. Chim Lạc trên thân máy bay sẽ thể hiện khát vọng giới thiệu với bạn bè năm châu ý thức độc lập tự cường và tinh thần hiếu hòa với bè bạn bốn phương.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận