19/10/2013 06:03 GMT+7

Biết thừa vẫn đua đầu tư

QUỲNH KHÔI
QUỲNH KHÔI

TT - Với ba dự án sẽ được vào hoạt động từ đây đến cuối năm 2013 gồm dự án ximăng X18 (tỉnh Hòa Bình), ximăng Quảng Phúc (Quảng Bình) và ximăng Đồng Lâm (Thừa Thiên - Huế), tổng công suất thiết kế của toàn ngành ximăng sẽ lên đến 70 triệu tấn/năm.

Tồn kho ximăng tiếp tục tăng caoThừa khoảng 25 triệu tấn ximăng

So với nhu cầu cả năm 2013 vào khoảng 49-50 triệu tấn như dự báo của Hiệp hội Ximăng VN, ngành này đang thừa hàng chục triệu tấn. Cũng theo dự báo, cuộc khủng hoảng thừa của ngành ximăng VN sẽ tiếp tục trầm trọng hơn trong những năm tới, bởi đến năm 2015 cả nước sẽ có thêm 32 dự án ximăng khác với công suất khoảng 30 triệu tấn được đưa vào hoạt động.

“Nếu các dự án ximăng nằm trong quy hoạch triển khai đúng tiến độ, tổng công suất của ngành ximăng đến năm 2015 lên đến 100 triệu tấn, trong khi nhu cầu tiêu thụ nội địa vào thời điểm đó chỉ vào khoảng 70 triệu tấn. Như vậy, số lượng ximăng dư thừa ngày càng tăng và là một sự lãng phí rất lớn, trong khi kinh tế VN vẫn chưa biết đến bao giờ mới thoát ra khỏi khó khăn” - một chuyên gia ngành ximăng nhận định.

Thật ra, ngay từ năm 2009, nhiều chuyên gia cũng đã lên tiếng cảnh báo nguy cơ khủng hoảng thừa ximăng, khi nhu cầu xây dựng sụt giảm từ khối dân dụng và sự đóng băng của thị trường bất động sản trong bối cảnh khó khăn kéo dài của nền kinh tế. Tuy nhiên, các dự án xây dựng nhà máy ximăng vẫn được nhiều doanh nghiệp tiếp tục đổ vốn đầu tư với mỗi dự án có số vốn lên tới hàng trăm tỉ đồng, thậm chí hàng ngàn tỉ đồng. “Tôi cũng không hiểu vì sao nhiều doanh nghiệp vẫn lao đầu vào ngành ximăng, trong khi hàng loạt doanh nghiệp có tên tuổi của ngành này vẫn đang ngụp lặn trong tình cảnh thua lỗ, nợ đọng tiền lãi phải trả ngân hàng, chỉ sản xuất khoảng 30-50% công suất thiết kế...” - một chuyên gia nói.

Ông Kan Trakunlhoon - chủ tịch kiêm CEO Tập đoàn SCG, doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất ximăng và ngành vật liệu xây dựng tại Thái Lan - nhận định rằng “khủng hoảng thừa ximăng mà VN đang đối mặt chẳng khác gì của Thái Lan ở thập niên 1990”. Theo ông Trakunlhoon, trước thời điểm khủng hoảng kinh tế năm 1997 nổ ra, nhu cầu sử dụng ximăng của Thái Lan khoảng 36 triệu tấn, trong khi năng lực cung ứng lại thấp hơn. Và đến năm 1999, khi năng lực sản xuất của ngành ximăng Thái Lan nhảy vọt lên 50 triệu tấn, nhu cầu lại giảm mạnh chỉ còn 18 triệu tấn.

“Thị trường tiêu thụ nội địa khó khăn, chúng tôi đã phải tìm cách xuất khẩu như một giải pháp tình thế” - ông Trakunlhoon nói. Và sau cuộc khủng hoảng thừa này, các doanh nghiệp Thái đã không tiếp tục rót vốn đầu tư vào ngành ximăng nữa. Đối với các dự án mới, doanh nghiệp Thái Lan chọn cách đầu tư ra nước ngoài, và chỉ tập trung vào quốc gia nào có nhu cầu “vì ximăng là sản phẩm chỉ nên dành phục vụ cho thị trường nội địa, chẳng đặng đừng mới xuất khẩu do sản phẩm cồng kềnh, hiệu quả xuất khẩu không cao” - ông Trakunlhoon chia sẻ.

Ngược lại, nhiều doanh nghiệp VN lại xem xuất khẩu ximăng là một trong những mục tiêu kinh doanh chính khi lập dự án đầu tư mới, nếu nhu cầu thị trường nội địa “có vấn đề”. Đây cũng là lý do tỉnh nào cũng có nhà máy ximăng, thậm chí có tỉnh cách nhau chưa đầy cây số đã có hai nhà máy ximăng mọc lên.

QUỲNH KHÔI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên