26/04/2025 06:28 GMT+7

Biệt động Sài Gòn quay một năm mới tìm ra 'ni cô Huyền Trang'

Vào chùa học cách tụng kinh, gõ mõ, đánh chuông, cách đi khất thực giống người tu; học kỹ năng bắn súng để mang vào các cảnh chiến đấu trong phim - Những trải nghiệm giúp NSƯT Thanh Loan có vai diễn ni cô Huyền Trang ấn tượng trong Biệt động Sài Gòn.

Biệt động Sài Gòn - Ảnh 1.

Nghệ sĩ Thanh Loan trong vai ni cô Huyền Trang phim Biệt động Sài Gòn - Ảnh: VTV

Biệt động Sài Gòn phát sóng trong chương trình Cine7 - Ký ức phim Việt lúc 21h10 ngày 26-4 trên VTV3. Khách mời là nghệ sĩ Thanh Loan, biên kịch Trịnh Thanh Nhã kể câu chuyện thú vị xung quanh bộ phim.

Biệt động Sài Gòn là một trong những tác phẩm kinh điển của điện ảnh Việt Nam về đề tài chiến tranh. Mới đây, bộ phim này được bình chọn là một trong 50 tác phẩm văn học nghệ thuật tiêu biểu của thành phố trong 50 năm qua.

Chuyện chưa biết về ni cô Huyền Trang trong Biệt động Sài Gòn

Biệt động Sài Gòn do đạo diễn Long Vân thực hiện, ra mắt năm 1986. Phim kể về cuộc chiến đấu nổi bật của lực lượng biệt động Sài Gòn trong sự kiện Tết Mậu Thân và công cuộc kháng chiến chống Mỹ của quân Giải phóng tại miền Nam Việt Nam.

Biệt động Sài Gòn - Ảnh 2.

NSƯT Thanh Loan là khách mời trong Cine7 - Ký ức phim Việt - Ảnh: VTV

Ban đầu đạo diễn đặt tên phim là Thiên thần ra trận, nhưng cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh - khi ấy là bí thư Thành ủy TP.HCM - góp ý đổi tên thành Biệt động Sài Gòn.

Với 4 tập: Điểm hẹn, Tĩnh lặng, Cơn giông Trả lại tên cho em, phim khai thác cuộc đấu trí căng thẳng của các chiến sĩ tình báo trong đô thành Sài Gòn vào những năm 1960. 

Nổi bật là tình báo Tư Chung, là tư lệnh trưởng Đội Biệt động Sài Gòn, mật hiệu F8 và chiến sĩ tình báo Ngọc Mai mật hiệu Z20. Họ cùng sát cánh bên nhau dưới vỏ bọc vợ chồng quản lý Hãng sơn Đông Á.

Một chiến sĩ khác là Huyền Trang đóng giả một ni cô trong chùa để che mắt quân địch.

Nghệ sĩ Thanh Loan kể năm 1984 trong chuyến công tác vào TP.HCM, bà gặp họa sĩ thiết kế mỹ thuật Trịnh Thái của Biệt động Sài Gòn

Họa sĩ cho biết đoàn làm phim đã quay được một năm nhưng chưa tìm được diễn viên đóng vai ni cô Huyền Trang. Bà chủ động xin kịch bản đọc và cuộc gặp với đạo diễn Long Vân giúp bà có được vai diễn để đời.

Bố mẹ đặt tên con là Huyền Trang vì mê nhân vật

Điều thú vị là sự thành công của vai diễn ni cô Huyền Trang trong Biệt động Sài Gòn khiến nhiều ông bố bà mẹ đặt cho các bé gái thế hệ 8X - 9X tên Huyền Trang.  

Như MC Thái Trang dẫn chương trình Cine7 - Ký ức phim Việt tên thật là Huyền Trang, cũng được đặt tên theo vai diễn của Thanh Loan.

Biệt động Sài Gòn - Ảnh 3.

Cảnh trong phim Biệt động Sài Gòn - Ảnh: VTV

Trong chương trình, MC Thái Trang trực tiếp gọi về cho mẹ mình để xác nhận chi tiết này, khiến nghệ sĩ Thanh Loan rất vui vì vai diễn của bà được khán giả yêu thích.

Cuộc gặp gỡ giữa nghệ sĩ Thanh Loan và nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã, vợ của cố nhà văn Lê Phương - biên kịch phim Biệt động Sài Gòn, hứa hẹn cũng thú vị.

Nhà biên kịch mang tới những bức ảnh của ê kíp chụp trong quá trình làm phim, gợi nhớ ký ức về một thời khó khăn nhưng nhiều kỷ niệm đẹp trong làm nghề. 

Ví dụ như chuyện phân cảnh ni cô Huyền Trang đi dưới mưa nhưng nước được sử dụng thì là nước đã bị rỉ sét do để lâu ngày trong thùng xe cứu hỏa; chuyện không ai chấp nhận đóng vai quần chúng để cho tiền khất thực ni cô Huyền Trang, biên kịch Lê Phương phải vào vai này.

Ni cô Huyền Trang trong Biệt động Sài Gòn - Ảnh 4.Xem lại Cánh đồng hoang cùng đủ bốn tập Biệt động Sài Gòn dịp 30-4

Viện Phim Việt Nam tổ chức Những ngày phim Việt Nam, chiếu loạt phim Việt Nam đặc sắc nhân kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên