22/02/2018 08:46 GMT+7

Trịnh Thanh Nhã - Lê Phương: Dắt tay nhau đi qua thời gian

NGỌC DIỆP
NGỌC DIỆP

TTO - Ba mươi năm bên nhau, nay một người mắt đã mờ, chân đã chậm nhưng cả hai vợ chồng vẫn thấy vui khi ở bên nhau, vẫn thích được trò chuyện hàng ngày.

Trịnh Thanh Nhã - Lê Phương: Dắt tay nhau đi qua thời gian - Ảnh 1.

Hai vợ chồng biên kịch Trịnh Thanh Nhã và Lê Phương đi dạo ở Nhà thờ Cửa Bắc. Bà Nhã luôn mang theo một chiếc ghế xếp để cho chồng ngồi - Ảnh: PHƯƠNG CHINH

Trong buổi chiều đông tôi theo vợ chồng biên kịch Trịnh Thanh Nhã và Lê Phương ra Nhà thờ Cửa Bắc đi dạo.

Ông Phương chân yếu phải dùng ba toong dò dẫm đường đi. Bà Trịnh Thanh Nhã một tay dìu ông Phương, tay kia cầm cái ghế xếp, để khi nào ông mỏi chân lập tức bà sẽ hạ ghế cho ông ngồi.

"Anh cố gắng đi thêm một chút nữa đi", bà dỗ dành ông, rồi quay sang nói một câu khiến tôi phì cười "đấy, ốp như ốp tù".

Mỗi khi bà kêu ông làm một việc gì đó, ông lấy ngón cái cọ vào ngón trỏ như thể đang đếm tiền, ý nói "đưa tiền thì anh làm". Bà quay sang tôi tủm tỉm: "Ông ấy chỉ chém gió là giỏi, biết gì về tiền đâu".

Trong buổi chiều đi dạo cùng ông bà, trong lòng tôi cực kì tò mò. Không hiểu ông Phương có gì hấp dẫn, không hiểu ông Phương đã làm gì khiến bà Nhã yêu ông, chăm ông đến thế?

Những người bạn gọi ông Lê Phương là "cậu ấm" vì ai cũng thấy cái cách bà Nhã chăm ông tỉ mỉ thế nào. Nhìn cặp đôi này nhiều người lại có cái khát khao tuổi già của mình cũng có được một người bạn đời như vậy.

Khi bà Trịnh Thanh Nhã về Hãng Phim truyện Việt Nam làm việc thì ông Lê Phương là Xưởng phó phụ trách biên tập của xưởng 3. Kịch bản đầu tiên của Trịnh Thanh Nhã là Chuyện cổ tích dành cho tuổi 17 do ông Phương trực tiếp hướng dẫn.

Ông Lê Phương đã bắt Trịnh Thanh Nhã sửa đi sửa lại kịch bản những năm lần, lần nào đi ra khỏi phòng làm việc của ông nữ biên kịch trẻ cũng rơi nước mắt. Tới lần thứ sáu Trịnh Thanh Nhã đã nghĩ bụng "nếu lần này ông ấy từ chối mình sẽ ném kịch bản vào mặt ông ấy và bỏ nghề".

Lần thứ sáu, Lê Phương bắt cô biên kịch trẻ phải đọc to thành tiếng. Sau khi đọc xong, Trịnh Thanh Nhã hỏi: "Chú thấy thế nào?", Lê Phương trả lời "có nghe đâu mà biết là thế nào?". Nhưng sau đó ông trấn an biên kịch trẻ ông đã nghe hết và thấy ổn.

Kịch bản được đưa vào sản xuất và phim ra mắt năm 1988. Chuyện cổ tích dành cho tuổi 17 đã giành được 4 giải vàng dành cho kịch bản phim, đạo diễn phim, quay phim và họa sĩ thiết kế tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 8 (1988).

Mãi sau này bà Nhã mới biết trong lúc bà đọc kịch bản thì ông Phương mải ngắm bà. Thời đó bà sợ ông như sợ cọp vì trong công việc ông rất "phũ mồm". Sau khi phim sản xuất bà Nhã gần như tránh gặp ông Phương, vì sợ bị gọi vào sửa kịch bản.

Sau hơn một năm làm việc với các biên kịch khác mà vẫn chưa ra được sản phẩm nào, cuối cùng bà Trịnh Thanh Nhã quay về làm việc với ông Lê Phương. Trong công việc họ đã phải lòng nhau dù lúc đó cả hai đã có gia đình. Lúc đó Trịnh Thanh Nhã 29 tuổi và ông Lê Phương đã 55 tuổi.

Trịnh Thanh Nhã - Lê Phương: Dắt tay nhau đi qua thời gian - Ảnh 2.

Dù đã bên nhau 30 năm nhưng hai biên kịch luôn giữ được tình cảm yêu thương đằm thắm

Chúng tôi biết chúng tôi chẳng có bất cứ một cơ hội nào. Lúc đó cả hai đều nặng gánh gia đình. Ông ấy có gia đình riêng cần phải chăm sóc, họ chẳng có lỗi gì cả. Thời điểm đó bố tôi nằm liệt giường, tôi phải lo chăm sóc cho ông.

Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã

Nhưng cả hai không thể cưỡng được sức hút trò chuyện với nhau. Kể từ khi cảm mến nhau cả hai chuyển địa điểm làm việc ra quán café. Ở đó họ trao đổi về kịch bản, nói đủ thứ chuyện trên đời.

Khi đã vãn chuyện, ông ngồi đọc sách, bà ngồi đan len kiếm thêm tiền, đến giờ cả hai đứng dậy đi về. Họ cứ ngồi hàng năm như thế đến mức cô chủ quán phải nói: "Hai bác nên về ở với nhau đi".

Sau đó bà Trịnh Thanh Nhã quyết định ly hôn vì bà biết không thể tiếp tục sống trong hôn nhân khi lòng mình đã hướng đến người khác. Bà và chồng cũ đã chia tay trong êm thấm, sau này cả hai vẫn là bạn bè của nhau. Bà Trịnh Thanh Nhã trở về nhà mẹ đẻ, nói với mẹ rằng bà sẽ không kết hôn nữa.

"Lúc đó tôi xác định sống độc thân vì tôi nghĩ tôi và ông Phương chẳng có cơ hội gì", bà nói.

Thời gian trôi đi, ông Phương hẳn đã phải suy nghĩ rất nhiều về chuyện này. Đến thời điểm đã suy nghĩ chín muồi, ông Phương quyết định bước ra khỏi cuộc hôn nhân của mình.

Trịnh Thanh Nhã - Lê Phương: Dắt tay nhau đi qua thời gian - Ảnh 4.

Nhà biên kịch Lê Phương - Ảnh: PHƯƠNG CHINH

Ông Phương không ly hôn và bà Nhã cũng chấp nhận chuyện đó. Cả hai đều không quan trọng chuyện hôn thú. Với bà Nhã thì ràng buộc giữa họ quá mong manh. Hai người không kết hôn, không có con chung, không có nhiều tài sản chung, cả hai đều có khả năng sống độc lập.

"Trong mối quan hệ này cả hai chúng tôi đều rón rén như đi trên băng mỏng. Tôi nghĩ điều này cũng giống như một dạng thiền trong tình yêu", bà Nhã nói.

Bà Nhã cũng rất hiểu sự ràng buộc của ông Phương với gia đình cũ là lẽ đương nhiên. Bà không bao giờ ngăn cản ông thực hiện nghĩa vụ với gia đình cũ của ông, trái lại luôn ủng hộ.

Cuối cùng thì tôi cũng hỏi bà Nhã câu hỏi thỏa trí tò mò của mình: "Chị yêu ông ấy vì điều gì?".

Không chỉ với bà Nhã, mà các đồng nghiệp khác đều nể phục trí tuệ của ông Lê Phương. Ông là người ham học, đọc sách rất nhiều.

Hầu hết những người từng làm việc với ông đều phải công nhận ông là người uyên bác. Ông cũng là một "tay" viết kịch bản lão luyện, là người có thể đưa ra giải pháp chữa cháy cho những đơn đặt hàng sát sạt ngày lễ lớn. Ngoài ra, ông còn là một người xem tử vi rất giỏi.

"Ông ấy khác với đa phần đàn ông trong giới điện ảnh vì ông ấy ham đọc. Đến tận bây giờ dù sức khỏe yếu ông ấy vẫn không bỏ đọc. Khi gặp ông ấy tôi rất kinh ngạc về hiểu biết của ông ấy.

Thời trước, ông ấy có thể đi dự những hội thảo khoa học của các ngành khác như kinh tế, địa chất, thủy lợi, và đặc biệt hứng thú với các hội thảo sử học. Ông ấy luôn ghi chép một cách rất nghiêm chỉnh, háo hức", bà Nhã kể.

Bà Nhã cho biết trong cuộc sống hàng ngày, không ngày nào của ông Lê Phương giống ngày nào. Mỗi ngày bên ông đều mới, chính vì thế mà ông khiến bà tò mò mãi không thôi.

Dù đã già và sức khỏe kém hơn trước nhưng ông Phương là kiểu người không thích ngồi một chỗ. Cứ khi nào bà Nhã đi công tác, là ông lại đi theo. Hồi trẻ có lần mặc bộ pijama xuống đường đi sửa cái bếp dầu, gặp bạn rủ đi chơi, ông Phương đã đi hai tháng sau mới về. Bạn bè nói ông là kiểu người sẵn sàng chết trên đường đi.

Hai biên kịch gặp nhau vào giai đoạn chín về nhận thức, nên họ đã bước qua được những chệch choạc, mà nếu rơi vào các cặp đôi trẻ sớm muộn cũng tan đàn xẻ nghé.

Bà Trịnh Thanh Nhã là mẫu phụ nữ thông minh, mạnh mẽ, quyết liệt. Nên dễ hiểu vì sao bà thích ông Lê Phương bởi chỉ một người đàn ông từng trải và hiểu biết mới có thể "cầm cương" được bà.

Tri thức, sự bình tĩnh "dĩ bất biến, ứng vạn biến" của ông Lê Phương đã cảm phục bà Nhã. Ông là người đã làm gì là làm tới nơi tới chốn, không nửa vời. Nhưng mặt khác, ông Phương lại là người gần như không quan tâm tới tiền bạc, theo bà Nhã là "người ngây thơ với tiền bạc".

Điều này thỉnh thoảng suýt gây ra những hậu quả tai hại, nhưng mặt khác lại khiến bà cảm thấy ông… đáng yêu, vì ông không toan tính bất cứ điều gì cho bản thân.

Tình yêu sẽ không thể dài lâu, nếu tình yêu chỉ xuất phát từ một phía. Ngoài bản chất phóng khoáng của một người nghệ sĩ, ông Phương thực sự là một người đàn ông trách nhiệm, biết yêu thương người đàn bà của mình.

Vì thương vợ ngày nào cũng đi 25km đến trường dạy học, ông đã quyết định mua một căn hộ nhỏ trên đường Nguyễn Biểu cho bà Nhã. Đến giờ nhắc lại bà Nhã vẫn thấy cảm động vì quyết định này.

Trịnh Thanh Nhã - Lê Phương: Dắt tay nhau đi qua thời gian - Ảnh 6.

Bà Trịnh Thanh Nhã chăm cho ông Lê Phương từng miếng ăn, giấc ngủ. Bà chưa bao giờ cảm thấy mệt mỏi vì điều đó - Ảnh: PHƯƠNG CHINH

Họ đã đi qua giai đoạn tình yêu nồng nhiệt, đến giai đoạn bà chăm ông. Nhưng điều kì lạ là người phụ nữ ấy vẫn vui vẻ chăm chút cho chồng. Đã có người bạn của bà Trịnh Thanh Nhã hỏi "tại sao mày cứ phải làm nô lệ cho ông ấy?".

Bà Nhã giải thích với tôi: "Họ không hiểu. Tôi hoàn toàn tự nguyện khi làm việc này. Tôi không yên tâm khi giao ông ấy cho bất cứ ai, kể cả con gái. Khi nào tôi phải ra ngoài, tôi thường gọi điện về nhà vài ba lần để biết được tình hình của ông ấy".

Tôi hỏi: "Nhìn bề ngoài ai cũng thấy cuộc sống của ông ấy phụ thuộc vào chị. Nhưng chị có nghĩ cuộc sống của mình phụ thuộc vào ông ấy không?".

Người phụ nữ này đã trả lời: "Tôi biết tôi có phụ thuộc vào ông ấy. Nhưng tôi cũng chuẩn bị sẵn tâm thế nếu một mai ông ấy không còn ở bên, tôi sẽ rủ một bà bạn hay một bà osin thân thiết về ở cùng, tôi không muốn làm phiền con cái".

Khi về chung sống với nhau, bà Trịnh Thanh Nhã đã quyết định không sinh con. Bà cho rằng khi đã biết cơ thể của mình không đủ để tạo ra một đứa trẻ khỏe mạnh, khi đã biết cung số của mình nếu có con sẽ không tốt cho con, mà vẫn cố để có một đứa con sẽ là có lỗi với đứa trẻ.

Bà Nhã đã nhận nuôi hai đứa trẻ dân tộc Mường, là người họ hàng của chồng cũ. Khi tôi đến nhà bà, cô con gái thứ đang ngồi trên giường của bố mẹ, chăm chút cho bố rất tình cảm. Cả hai ông bà đều coi hai cô con gái nuôi như con gái ruột.

"Tôi nghĩ Trời không lấy của ai tất cả. Hai đứa con gái nuôi của tôi rất thương cha mẹ, chăm chút cho cho mẹ từng li từng tí. Đứa con cả của tôi khi biết cha mẹ cứ lấn cấn muốn bán cái nhà bên Ngọc Thụy đi vì không đủ khả năng chi trả đã quyết định mua lại cái nhà đó cho cha mẹ. Cháu luôn để dành cho tôi một phòng ở nhà cháu và nói nếu cha có vấn đề gì mẹ sẽ về ở đây với chúng con", bà Nhã nói.

Nhìn gương mặt của ông Phương lúc nào cũng có nét cười tủm tỉm. Đó là gương mặt của một người đàn ông hạnh phúc. Sau nhiều năm chung sống, ông đã nói với bà: "Đến bây giờ tôi hiểu vì sao người ta gọi vợ là "nhà tôi".

Lê Phương là một tiểu thuyết gia được biết đến với các tác phẩm: Bạch đàn, Ngã ba thời gian, Thung lũng Cô Tan, Bông mai mùa lạnh... Nên sau này ông tiếp cận với viết kịch bản phim truyền hình dài tập rất dễ dàng.

Ông và bà Trịnh Thanh Nhã là một trong số những người đầu tiên làm phim truyền hình dài tập. Họ đã viết chung các bộ phim dài tập như: Giọt nước mắt giữa hai thế kỷ, Ngã ba thời gian, Con nhện xanh; viết các phim một đến hai tập như: Mã số thần kì, Nước mắt đàn bà, Tổ ấm, Chiều không nhạt nắng…

Khi ông Lê Phương ít tham gia viết kịch bản thì ông vẫn là người cố vấn đắc lực cho bà Trịnh Thanh Nhã.

Sau này bà Trịnh Thanh Nhã tìm thấy một truyền nhân là biên kịch Lê Anh Thúy và bà đã làm việc với Lê Anh Thúy như cách ông Lê Phương đã làm việc cùng với bà.

Bà đã cùng Lê Anh Thúy viết các kịch bản phim truyền hình: Lối rẽ, Những bông hồng xanh, Chuyện làng bè, Huế mùa mai đỏ, Ám ảnh xanh, Trò đời, Mộ gió…

Trịnh Thanh Nhã - Lê Phương: Dắt tay nhau đi qua thời gian - Ảnh 8.
Trịnh Thanh Nhã - Lê Phương: Dắt tay nhau đi qua thời gian - Ảnh 9.

Ông Lê Phương cũng rất thương yêu vợ của mình.

Trịnh Thanh Nhã - Lê Phương: Dắt tay nhau đi qua thời gian - Ảnh 10.
Trịnh Thanh Nhã - Lê Phương: Dắt tay nhau đi qua thời gian - Ảnh 11.

Ảnh: PHƯƠNG CHINH

Họa sĩ Trịnh Thái, họa sĩ bối cảnh phim "Biệt động Sài Gòn" vừa qua đời Họa sĩ Trịnh Thái, họa sĩ bối cảnh phim 'Biệt động Sài Gòn' vừa qua đời

TTO - Họa sĩ Trịnh Thái, họa sĩ thiết kế bối cảnh trong các bộ phim nổi tiếng của điện ảnh cách mạng Việt Nam, đã từ trần lúc 4h35 ngày 29-7, hưởng thọ 80 tuổi.

NGỌC DIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên