
Đoàn cán bộ Bệnh viện dã chiến 2.2 của Việt Nam tại thủ đô Juba, Nam Sudan ngày 20-11-2019 - Ảnh: HỒNG VÂN
Đó là chủ tịch luân phiên ASEAN 2020 và ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an (HĐBA) Liên Hiệp Quốc (LHQ) nhiệm kỳ 2020-2021 với số phiếu bầu kỷ lục 192/193 tại khóa họp thứ 73 Đại hội đồng LHQ.
"Đó là những trọng trách khu vực và quốc tế có ý nghĩa quan trọng, thể hiện sự tin cậy và kỳ vọng lớn của bạn bè quốc tế vào Việt Nam" - Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh tự hào chia sẻ.
Với thế và lực mới của đất nước sau gần 35 năm Đổi mới; với sức mạnh đoàn kết, ý chí thống nhất của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta; với sự ủng hộ quý báu và hợp tác hiệu quả của các nước ASEAN, bạn bè và cộng đồng quốc tế, chúng ta tin tưởng chắc chắn rằng Việt Nam sẽ đảm nhiệm thành công trọng trách chủ tịch ASEAN năm 2020 và ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020-2021, góp phần quan trọng vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh trong thông điệp ngày 31-12.
3 định hướng chính
Trong thông điệp cuối năm 2019, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết với chủ đề "Gắn kết và chủ động thích ứng" cho Năm chủ tịch ASEAN 2020 và "Việt Nam: đối tác tin cậy vì hòa bình bền vững" khi đảm nhiệm trọng trách ủy viên không thường trực HĐBA LHQ, Việt Nam sẽ cùng các nước thành viên và bạn bè, đối tác tập trung vào ba định hướng lớn.
Một là, đề cao lợi ích chung của khu vực và cộng đồng quốc tế là hòa bình, hợp tác và phát triển. Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Sự nghiệp làm nên bởi chữ đồng", những sáng kiến, ưu tiên mà chúng ta đề ra tại ASEAN và HĐBA phản ánh mẫu số chung lợi ích của tất cả các nước thành viên, trong đó có Việt Nam, đồng thời bảo đảm hài hòa với lợi ích của các đối tác khu vực và quốc tế.
Hai là, thúc đẩy vai trò của chủ nghĩa đa phương, Hiến chương LHQ và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế vì một thế giới hòa bình, công bằng và tốt đẹp hơn. Đặc biệt, nhân dịp này, tăng cường hiệu quả hợp tác và quan hệ đối tác toàn diện giữa ASEAN và LHQ, vì lợi ích chung của các nước ASEAN và cộng đồng quốc tế.
Ba là, chủ động và tích cực đóng góp vào việc giải quyết các thách thức chung của toàn cầu và khu vực, nhất là những vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích các nước và của khu vực như hòa bình, an ninh, ổn định, phát triển bền vững, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, khắc phục hậu quả chiến tranh, tái thiết hậu xung đột...

Đồ họa: T.ĐẠT
Khí thế mới, khát vọng mới
Trong bài viết ngày 31-12 với nhan đề "Thành tựu đối ngoại 2019 - bản lĩnh và tinh thần Việt Nam", Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết Việt Nam sẽ bước vào năm 2020 với khí thế mới và khát vọng mới, và nhận định rằng môi trường đối ngoại của Việt Nam trong năm tới sẽ tiếp tục đan xen cả thời cơ và thách thức.
Theo Phó thủ tướng, bức tranh toàn cảnh thế giới năm 2019 có nhiều gam màu xám hơn so với năm 2018: kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, sự đấu tranh giữa xu thế toàn cầu hóa và liên kết kinh tế với trào lưu bảo hộ thương mại, chống hội nhập diễn ra gay gắt, cũng như cọ xát chiến lược giữa các nước lớn rất quyết liệt, dẫn tới nhiều hệ lụy phức tạp cả về kinh tế, thương mại và chính trị, an ninh.
Phó thủ tướng lưu ý đặc biệt tình hình Biển Đông có những diễn biến phức tạp mới do những hành vi vi phạm luật pháp quốc tế gây xói mòn lòng tin. Tuy nhiên, giữa những bất ổn đó, điểm tích cực là hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn và khát vọng chung của nhân loại tiến bộ.
Phó thủ tướng Phạm Bình Minh nhìn nhận việc đảm nhận trọng trách kép ở ASEAN và HĐBA là cơ hội quan trọng để Việt Nam đóng góp chủ động, tích cực, trách nhiệm vào hòa bình, an ninh và thịnh vượng chung của khu vực và thế giới; là dịp để ta khẳng định tâm thế của một Việt Nam yêu chuộng hòa bình, đổi mới, đang hội nhập quốc tế sâu rộng.
"Những trọng trách đa phương là thời cơ để Việt Nam tranh thủ thúc đẩy hơn nữa quan hệ song phương giữa Việt Nam và các nước, tạo ra những động lực mới cho phát triển và nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam. Vinh dự rất lớn lao, lợi ích rất thiết thực, song trách nhiệm cũng hết sức nặng nề" - Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Có thể thấy Việt Nam đảm nhiệm vai trò kép tại các tổ chức quốc tế như ASEAN và LHQ giữa thời điểm thế giới nhiều biến động, và Việt Nam cũng nằm ở vị trí đặc biệt trong số những điểm nóng ấy.
Để đảm bảo xử lý tốt nhiệm vụ quốc tế trong sự cân bằng với lợi ích quốc gia, Việt Nam cần sự nỗ lực chung và lấy nội lực làm trọng. Trả lời Tuổi Trẻ ngày 31-12, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung cho rằng ưu tiên của Việt Nam phải nằm ở việc đưa đất nước phát triển, ổn định, vì sự phát triển của đất nước, sự vững mạnh của hệ thống chính trị là nội lực.
Để xây dựng nội lực, Việt Nam tiếp tục phát huy thành tựu ngoại giao của năm 2019, tích cực đưa những mối quan hệ đã mở rộng đi vào chiều sâu để khai thác tối đa hội nhập quốc tế và hội nhập kinh tế quốc tế.
Việt Nam - tâm điểm quốc tế

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận chiếc búa chủ tịch ASEAN từ thủ tướng Thái Lan vào tháng 11-2019 - Ảnh: VGP
Chia sẻ với Tuổi Trẻ, Sato - phóng viên người Nhật Bản thường trú tại Việt Nam - cho biết trong gần hai năm ở Hà Nội, anh đã theo sát gần như mọi diễn biến quan trọng từ sự kiện, họp báo, diễn đàn/hội thảo về kinh tế và Biển Đông, cho tới những ngày nằm vật vờ tại ga Đồng Đăng để đưa tin về chuyến tàu chở Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un đến Việt Nam đầu năm 2019.
Trên thực tế, tờ báo của Sato không xuất bản tiếng Anh, đồng nghĩa không thực sự quá chú trọng xu hướng đưa tin về các vấn đề quốc tế. Vì vậy việc vẫn quyết định cử phóng viên thường trú là minh chứng cho sự quan tâm đáng kể của độc giả Nhật Bản đối với Việt Nam.
Câu chuyện về những phóng viên Nhật Bản phản ánh thực tế rằng Việt Nam ngày càng trở thành "điểm nóng" thu hút sự chú ý của truyền thông trong hợp tác quốc tế và cả những điểm nóng toàn cầu. Đó cũng là sự chuyển dịch tất yếu và phù hợp với định hướng đối ngoại đa phương của Việt Nam.
Năm 2018, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành chỉ thị số 25-CT/TW về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030. Đây là lần đầu tiên của Đảng ra văn bản chỉ đạo về công tác đối ngoại đa phương, đưa đối ngoại đa phương thành một nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị.
Quyết tâm ấy phần nào được đền đáp bằng những thành công trong năm 2019, thời điểm Việt Nam ghi dấu ấn đậm nét trong chính trị quốc tế và những thành tựu hợp tác. Việc tổ chức thành công Thượng đỉnh Mỹ - Triều đã giúp Việt Nam xây dựng hình ảnh một địa chỉ trung gian đáng tin cậy cho giải quyết xung đột quốc tế.
Tháng 6-2019, Việt Nam tiếp tục thành công trong việc ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) với Liên minh châu Âu (EU). Cùng với việc Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực từ ngày 14-1-2019, Việt Nam đã đánh dấu một năm quan trọng trong các cam kết đa phương.
NHẬT ĐĂNG
Ngoại giao FTA: sức mạnh mềm kinh tế

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chứng kiến lễ ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) hồi tháng 6-2019 - Ảnh: TTXVN
Tại Diễn đàn Cải cách và phát triển Việt Nam (ARDF) 2019 hồi tháng 9-2019, TS David Dollar - nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Brookings (Mỹ) - có nhắc tới một trong những giải pháp cho Việt Nam thịnh vượng bền vững là thực hiện quy định trong cam kết Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Việc tuân thủ các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như CPTPP, tức FTA bao gồm cam kết về cải cách, luật pháp, môi trường đầu tư, lao động..., lâu nay đã được chuyên gia Việt Nam ủng hộ như phương án "một công đôi việc". Nó vừa giúp Việt Nam hội nhập, vừa tạo điều kiện để hoàn thiện thể chế cho một sự phát triển dài lâu.
Có thể lấy Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) làm ví dụ.
Ngoài lợi ích thương mại đơn thuần từ việc xóa hơn 99% thuế nhập khẩu, EVFTA cũng là một phản ứng tự nhiên của cả Việt Nam lẫn EU trong bối cảnh phải tìm đến nhau để hạn chế sự lệ thuộc vào vòng xoáy Mỹ - Trung.
"Tự do thương mại sẽ tiếp diễn, chỉ là không bao gồm chính quyền Mỹ. Các đối tác lớn của Mỹ đang tìm cách đa dạng hóa quan hệ thương mại, bằng cách tăng cường đàm phán với những quốc gia trong nỗ lực đảm bảo thị trường xuất khẩu mới, vốn đang là đối tượng hoặc bị đe dọa từ loạt thuế quan của Mỹ. Hiệp định thương mại Việt Nam - EU là một ví dụ" - ông Steven Okun, cố vấn cấp cao của Công ty tư vấn chiến lược quốc tế McLarty Associates, nhận định với Tuổi Trẻ.
Trên hết, thông qua EVFTA, theo các chuyên gia, Việt Nam cũng trông chờ vào quan hệ đối tác hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng - an ninh.
Tháng 8-2019, tại cuộc gặp với Cao ủy EU về chính sách đối ngoại và an ninh Federica Mogherini, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lạc quan về tiến triển trong hợp tác quốc phòng và hi vọng hai bên sẽ sớm ký Hiệp định hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh (FPA). FPA là cơ chế mở ra cho Việt Nam khả năng tham gia đóng góp vào các nhiệm vụ quốc phòng và an ninh của châu Âu.
EVFTA chính vì vậy mang ý nghĩa sâu sắc về địa chính trị và quốc phòng đối với Việt Nam.
MẠNH ĐỨC
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận