07/03/2019 09:16 GMT+7

Biên soạn tài liệu giảng dạy: cách nào?

HOÀNG HƯƠNG ghi
HOÀNG HƯƠNG ghi

TTO - Mười năm qua, ông Huỳnh Công Minh, nguyên giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, ấp ủ mục tiêu biên soạn bộ tài liệu dạy học từ chương trình - sách giáo khoa của Bộ GD-ĐT.

Biên soạn tài liệu giảng dạy: cách nào? - Ảnh 1.

Một buổi làm việc của Hội đồng cố vấn chuyên môn Hệ thống giáo dục EMASI - Ảnh: H.HG

Tuy nhiên ôngg không thành công như ý muốn. Giờ đây, trên cương vị mới, ông và các đồng nghiệp của mình tiếp tục công việc này.

Dưới đây là ý kiến của một số thành viên trong hội đồng cố vấn chuyên môn Hệ thống giáo dục EMASI về việc biên soạn bộ tài liệu dạy học.

* TS NGUYỄN HÀ THANH (giảng viên chính khoa toán - tin Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cố vấn môn toán):

Ngay từ phần đầu của mỗi bài học, tài liệu giảng dạy của chúng tôi sẽ trả lời cho câu hỏi: tại sao học sinh phải học bài này, ích lợi của nó trong đời sống thực tế ra sao? 

Tiếp đó, các khái niệm toán học sẽ được đưa vào bài học một cách tự nhiên thông qua những ví dụ thực tiễn trong đời sống, với những video minh họa phù hợp những ví dụ, thông qua sự tương tác giữa giáo viên và học sinh, thông qua hệ thống bài tập theo 4 mức độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp và vận dụng cao. 

Ngoài ra, chúng tôi còn cho học sinh giải quyết các bài tập mang tính chất thực tế, các dự án toán học gắn liền thực tiễn để rèn luyện kỹ năng tính toán và vận dụng kiến thức vào đời sống.

Tài liệu giảng dạy sẽ yêu cầu học sinh tự củng cố kiến thức theo sự hướng dẫn của giáo viên đứng lớp. Tài liệu cũng sẽ yêu cầu giáo viên phải sử dụng tối đa các phương tiện dạy học có liên quan đến công nghệ thông tin để giảng dạy. 

Trước khi tiết học diễn ra, giáo viên sẽ gửi cho học sinh xem trước bài giảng của mình cùng những yêu cầu về việc học sinh cần chuẩn bị những gì cho bài học đó... 

Tóm lại, chúng tôi vẫn tuân thủ chương trình của Bộ GD-ĐT nhưng có cải tiến cho phù hợp với mục đích - tôn chỉ dạy học và đối tượng học sinh cụ thể của nhà trường.

* ThS TRẦN TIẾN THÀNH (chuyên viên môn văn Sở GD-ĐT TP.HCM, cố vấn môn văn):

Tài liệu dạy học tại EMASI sẽ được biên soạn theo hướng tích hợp liên môn (sử, địa, lý, hóa, sinh...) và nội môn. Một số bài có nội dung gần gũi sẽ được biên soạn thành các chủ đề. 

Tuy nhiên, yếu tố quan trọng nhất là tất cả nội dung bài học đều được kết nối với kiến thức, với tình huống thực tế trong cuộc sống. Việc đổi mới phương pháp giảng dạy sẽ thực hiện triệt để với mục tiêu hình thành những năng lực cơ bản như nghe, nói, đọc, viết, giao tiếp, sử dụng ngôn ngữ hiệu quả... và năng lực chuyên sâu như năng lực cảm thụ văn chương, năng lực thẩm mỹ, sáng tạo, tưởng tượng, logic, phản biện...

* PGS.TS NGÔ MINH OANH (nguyên viện trưởng Viện nghiên cứu giáo dục - ĐH Sư phạm TP.HCM, cố vấn môn GDCD):

Trước đây, tôi và anh Huỳnh Công Minh đã cùng thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học "Đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục đạo lý dân tộc và ý thức công dân cho học sinh THPT tại TP.HCM qua các môn học xã hội - nhân văn". 

Khi đi phỏng vấn học sinh thì các em cho chúng tôi biết một số bài trong sách giáo khoa khô quá, sáo rỗng quá, toàn tô hồng cuộc sống. Do vậy, tài liệu giảng dạy của chúng tôi không thể tách khỏi bối cảnh xã hội. 

Chúng tôi sẽ cung cấp cho học sinh biết xã hội hiện nay đang như thế nào và các em hãy nhìn nhận nó một cách bình tĩnh và đúng đắn. Xã hội cũng có những cái xấu nhưng chỉ là một bộ phận nào đó, chứ không phải toàn bộ xã hội đều như thế.

Môn giáo dục công dân sẽ tôn trọng chương trình của Bộ GD-ĐT nhưng bài dạy được cải tiến theo hướng đưa ra những tình huống, cho học sinh trải nghiệm từ cuộc sống thực tế cùng với sự khơi gợi của giáo viên để các em suy nghĩ, thảo luận, lý giải, rồi rút ra bài học cho mình.

* ThS NGUYỄN VIẾT ĐĂNG DU (tổ trưởng tổ lịch sử Trường THPT Lê Quý Đôn, quận 3, TP.HCM, cố vấn môn sử):

Hơn 20 năm đứng lớp, tôi nhận ra có nhiều học sinh học sử không giỏi nhưng khi cho các em thuyết trình về những chủ đề mà các em quan tâm thì rất bất ngờ. 

Ví dụ có lần tôi cho học sinh thuyết trình về vũ khí trong thời kỳ Thế chiến thứ 2 và bất ngờ là các em có kiến thức còn nhiều hơn thầy. Do vậy, tài liệu giảng dạy môn sử sẽ sắp xếp các bài học trong sách giáo khoa hiện hành theo các chủ đề.

Thông qua những khía cạnh mà học sinh quan tâm, yêu thích như: câu chuyện lịch sử, nhân vật lịch sử, văn học, phim ảnh, vũ khí, thời trang..., chúng tôi sẽ lồng vào những nội dung mà chương trình của Bộ GD-ĐT yêu cầu. Tức là thay đổi cách tiếp cận lịch sử. 

Tài liệu giảng dạy môn sử cũng yêu cầu giáo viên giảng dạy theo hướng đổi mới: tăng cường cho học sinh đi bảo tàng, đi thực địa, học theo dự án... Vì thế, việc phân bố thời khóa biểu cũng không thể mỗi tuần 1 - 2 tiết như ở trường công lập, mà phải linh hoạt có ngày xếp 5 tiết liền nhau cho môn sử thì học sinh mới có thể học tại bảo tàng.

* ThS - dược sĩ PHẠM MINH TRƯỜNG (cố vấn môn hóa):

Đối với môn hóa sẽ có tài liệu thực hành và thí nghiệm riêng để khai thác tối đa công suất của phòng thí nghiệm trong nhà trường. 

Bài học sẽ được biên soạn theo hướng cô đọng, ngắn gọn, tạo kiến thức kết nối mở, dành thời gian cho việc rèn luyện kỹ năng mềm như: phản biện khoa học, thiết kế - xây dựng ý tưởng nghiên cứu khoa học, tìm tòi - khám phá các ứng dụng của môn hóa trong thực tế... 

Bên cạnh đó, sẽ có câu lạc bộ để học sinh luyện tập và phát huy sự sáng tạo của mình.

Giảm hàn lâm, lý thuyết, tăng thực tiễn, ứng dụng

huynh cong minh

Khi còn làm giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, tôi đã nhận thấy rằng khi cả nước cùng sử dụng một bộ sách thì việc phát huy vai trò tích cực, sự sáng tạo của giáo viên, học sinh gặp nhiều khó khăn. Thế nên năm 2009, tôi đã xin phép Bộ

GD-ĐT biên soạn bộ tài liệu dạy học bậc THCS với mục đích tạo ra cuốn tài liệu thể hiện theo đúng chuẩn kiến thức, kỹ năng chương trình hiện hành của Bộ GD-ĐT, chỉ thay đổi cách thức tiếp cận với kiến thức ấy cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh học sinh TP.HCM.

Bây giờ, với vai trò là chủ tịch hội đồng sáng lập, chủ tịch hội đồng cố vấn chuyên môn Hệ thống giáo dục EMASI, tôi lại mang những ấp ủ trên ra để thực hiện và tôi tin nó sẽ thành công, vì chúng tôi chỉ thực hiện trong phạm vi nhỏ của một trường.

Chủ trương của tôi là làm sao giảm bớt tính hàn lâm, lý thuyết, tăng tính thực tiễn, ứng dụng kiến thức vào cuộc sống. Tóm lại, yêu cầu của bộ tài liệu dạy học là phải đáp ứng được nhu cầu tự học của học sinh, tạo được "không gian" cho giáo viên thể hiện sự sáng tạo khi giảng dạy, học sinh thể hiện sự sáng tạo khi học tập.

TS Huỳnh Công Minh (chủ tịch hội đồng sáng lập, tổng hiệu trưởng kiêm chủ tịch hội đồng cố vấn chuyên môn Hệ thống giáo dục EMASI)

3 giai đoạn huấn luyện giáo viên

Các giáo viên của EMASI sẽ trải qua 3 giai đoạn huấn luyện: giai đoạn 1 họ sẽ làm việc với các chuyên gia tâm lý giáo dục để hiểu rõ hơn về tâm lý lứa tuổi học sinh, văn hóa ứng xử trong nhà trường, ứng xử giữa giáo viên - học sinh, giáo viên - phụ huynh, giáo viên - giáo viên...

Giai đoạn 2 là giai đoạn huấn luyện về cách sử dụng các phương tiện hiện đại trong nhà trường và áp dụng nó vào quá trình giảng dạy. Giai đoạn này cũng sẽ có buổi nói chuyện về triết lý giáo dục, mục đích - tôn chỉ của nhà trường. Giai đoạn 3, giáo viên sẽ làm việc với các cố vấn chuyên môn để soạn giáo án và dạy thử.

(NGƯT NGUYỄN THỊ THU CÚC - nguyên hiệu trưởng Trường THPT Gia Định, hiệu trưởng Trường song ngữ quốc tế EMASI Vạn Phúc, TP.HCM)

TP.HCM biên soạn sách giáo khoa, cho các trường chọn lựa TP.HCM biên soạn sách giáo khoa, cho các trường chọn lựa

TTO - Sở GD-ĐT TP.HCM phối hợp Nhà xuất bản Giáo dục biên soạn bộ sách giáo khoa sau khi Bộ GD-ĐT công bố khung chương trình giáo dục phổ thông mới.

HOÀNG HƯƠNG ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên