Xây dựng nhà máy chế biến nilông thành dầu đốt
Phóng to |
Rác thải trở thành dầu đốt công nghiệp - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG |
Công trình này được Tổ chức kỷ lục VN chọn là 1 trong 7 kỷ lục về môi trường.
Công nghệ VN
Giờ đây những đống rác nilông được tập kết lên bãi rác Khánh Sơn xong thì được thu gom và chuyển qua nhà máy xử lý rác thải nilông thành dầu đốt công nghiệp ở gần đó. TS Mai Ngọc Tâm - phó viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng VN - đánh giá: “Nhà máy có tác dụng xử lý, tận thu nguồn rác thải nilông lại vừa tạo ra nguồn năng lượng tái tạo là dầu đốt phục vụ trong công nghiệp cũng như sinh hoạt”.
TS Tâm cho biết bốn năm trước, các nhà khoa học của Viện Vật liệu xây dựng VN cùng các chuyên gia về cơ khí chế tạo, hóa dầu, polymer hóa... của Công ty CP Môi trường VN đã bắt tay vào nghiên cứu để tìm một con đường mới xử lý rác thải nguy hại từ nilông.
Trước đó TS Tâm đã thành công với công trình nghiên cứu sản xuất dầu công nghiệp từ phế thải cao su. Và ông tiếp tục phát triển thêm với công trình dây chuyền sản xuất dầu từ rác thải nilông.
Kỹ sư Trịnh Hoàng Linh (cộng sự của công trình này) cho biết về ý tưởng: “Mục đích của đề tài không phải ở lợi nhuận mà chúng tôi muốn cộng tác với tất cả bãi rác ở các địa phương trong cả nước để xử lý dứt điểm tác hại nguy hiểm của nilông đối với chúng ta và thế hệ con cháu sau này. Chúng tôi tập trung nghiên cứu về quy trình ngược sản xuất nilông từ nhựa sau công đoạn dầu mỏ”.
Quy trình hoạt động của công nghệ này được các chuyên gia tóm lược: rác thải nilông được đưa vào máy rũ để tách đất, đá sau đó đưa vào máy băm, xé, sấy tách ẩm. Sau khi làm sạch nilông thì được hóa dẻo và đưa vào thiết bị phản ứng với chất xúc tác trước khi đưa đến tháp chưng cất phân đoạn để cho ra sản phẩm dầu PO và xăng nặng. Quy trình tương tự này được áp dụng cho rác thải cao su để sản xuất dầu RO.
Theo TS Tâm, các thiết bị máy móc của dây chuyền đa số đều của VN, chỉ một số ít linh kiện là phải nhập khẩu.
Lợi ích từ rác thải nguy hại
TS Tâm cho biết thêm công nghệ tái chế rác thải nilông thành dầu đốt được thực hiện qua các quá trình tách loại tạp chất và xử lý nilông, quá trình nhiệt phân xúc tác phá vỡ cấu trúc mạch polymer của nilông và quá trình tách phân đoạn sản phẩm. Sản phẩm dầu đốt có nhiệt trị cao từ 10.000 -11.000 Kcal/kg sẽ là nguồn nhiên liệu tốt có thể thay thế một phần hoặc 100% cho các lò đốt đang sử dụng dầu DO và FO hiện nay.
Ông Nguyễn Văn Tuấn - tổng giám đốc Công ty CP Môi trường VN - cho biết thêm dự án xử lý chất thải rắn nilông ra thành phẩm dầu PO-RO tại bãi rác Khánh Sơn (Đà Nẵng) được thiết kế với công suất mỗi ngày tiếp nhận khoảng 300 tấn rác hữu cơ, sau đó sẽ sản xuất 5-10 tấn dầu đốt công nghiệp, 60 tấn than và sản xuất khí gas đốt.
Công nghệ xử lý rác thải rắn này không chỉ biến rác thải nilông thành dầu đốt mà còn sàng lọc các loại phế thải sành sứ, xây dựng, xà bần để sản xuất gạch block phục vụ ngành xây dựng. Các loại hỗn hợp thực vật như rau củ, quả, cành lá cây... được băng chuyền chuyển đến phân xưởng sản xuất viên đốt công nghiệp, khí gas. Rác hữu cơ là chất mùn thì được dùng sản xuất phân sinh học, chất rắn sẽ sử dụng sản xuất than.
Toàn bộ quy trình của dây chuyền này hoàn toàn khép kín không thải khói, tro được sử dụng để làm vật liệu xây dựng nên không ảnh hưởng tới môi trường.
Dự án xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn tại Đà Nẵng được UBND TP Đà Nẵng phê duyệt và cho triển khai làm hai giai đoạn với tổng vốn đầu tư khoảng 520 tỉ đồng trên diện tích 12ha.
Ông Nguyễn Điểu - giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường Đà Nẵng - nhìn nhận: “Dự báo khoảng 8-10 năm nữa bãi rác phải đóng cửa vì không còn diện tích chôn lấp. Vì vậy đây là một công nghệ xử lý toàn diện, tiên tiến giải quyết tái chế đến 90% lượng rác, hạn chế việc chôn lấp”.
7 kỷ lục VN trong lĩnh vực môi trường Nhân dịp kỷ niệm Ngày môi trường thế giới 5- 6, Tổ chức kỷ lục VN phối hợp với trang Tin Môi Trường công bố 7 kỷ lục VN trong lĩnh vực môi trường gồm: 1- Trung tâm cứu hộ và cho sinh sản các loài linh trưởng đang bị nguy cấp (thuộc vườn quốc gia Cúc Phương) trong điều kiện nuôi nhốt với số lượng lớn nhất. 2- Ba Bể - hồ nước ngọt tự nhiên trên núi đá vôi độc đáo nhất VN. 3- Viện Hải dương học (Nha Trang) là nơi lưu giữ bảo tồn bộ mẫu sinh vật biển lớn nhất. 4- Nhà máy xử lý rác thải nilông thành dầu đầu tiên tại VN (nhà máy ở bãi rác Khánh Sơn, Đà Nẵng). 5- Hệ thống điện mặt trời đang hoạt động có quy mô lớn nhất là ở Công ty TNHH Intel Products ở Khu công nghệ cao TP.HCM. 6- Hồ nước nhân tạo lớn nhất là hồ Thác Bà thuộc tỉnh Yên Bái. 7- Nhà máy điện gió lớn nhất đặt tại huyện Tuy Phong (Bình Thuận) thuộc Công ty cổ phần Năng lượng tái tạo VN. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận