Kết luận, Thủ tướng nêu dứt khoát phải tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Những mặt mạnh, yếu kém của doanh nghiệp nhà nước đã được chỉ rõ. Nhưng để đạt được mục tiêu của tái cơ cấu vẫn còn rất nhiều khúc mắc, gian nan...
Báo cáo của Ban chỉ đạo đổi mới phát triển doanh nghiệp chỉ rõ hiệu quả hoạt động của nhiều doanh nghiệp nhà nước chưa tương xứng với nguồn lực được phân bổ. Dù đã tồn tại bao lâu nhưng hiệu quả kinh tế - xã hội của doanh nghiệp nhà nước vẫn được cho rằng “chưa được đánh giá đầy đủ”. Công tác quản lý đầu tư, quản lý tài chính, thực hành tiết kiệm và chống lãng phí ở nhiều doanh nghiệp nhà nước còn lỏng lẻo, quản lý nội bộ còn yếu kém. Đặc biệt, giải pháp cổ phần hóa được đưa ra thời gian qua như một biện pháp quan trọng nhất để đổi mới doanh nghiệp thì đang chậm lại.
Theo TS Nguyễn Minh Phong - Viện Nghiên cứu kinh tế xã hội Hà Nội, nhiều doanh nghiệp chậm cổ phần hóa, cố giữ 51% cổ phần nhà nước chi phối thực chất là một hành động “trốn cổ phần hóa”. Và khi đã cố giữ và giữ được cổ phần nhà nước chi phối, các vị trí chủ chốt được giữ nguyên, thì việc không thay đổi trong cách quản trị, điều hành là đương nhiên. Và như thế, hiệu quả khó lòng mà cao lên. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong phát biểu chỉ đạo hôm qua cũng nêu rõ việc chậm cổ phần hóa tại nhiều đơn vị lấy lý do là khủng hoảng thế giới, thị trường chứng khoán khó khăn nhưng thực chất “có cái không phải như vậy”.
Một trong những bài học được đưa ra trong quản lý các doanh nghiệp nhà nước là cơ chế giám sát thời gian qua chưa chặt chẽ, chưa có đầu mối chịu trách nhiệm chính. Trong khi đó, việc giám sát ngay trong tập đoàn, tổng công ty cũng chưa được cơ chế tạo điều kiện. Trao đổi với Tuổi Trẻ, một chuyên viên cao cấp của Văn phòng Chính phủ tham gia hội nghị tổng kết 10 năm đổi mới doanh nghiệp nhà nước đã công nhận việc sử dụng con người tại các tập đoàn, tổng công ty còn rất nhiều vấn đề đặt ra. Như chủ tịch hội đồng quản trị cũng do Thủ tướng Chính phủ cử, tổng giám đốc cũng phải có sự phê chuẩn của Thủ tướng mới được bổ nhiệm. Về thực chất, hội đồng quản trị không thể trực tiếp bổ nhiệm, cách chức tổng giám đốc nên sẽ không có nhiều động lực để giám sát. Nhiều tập đoàn, tổng công ty còn không rõ người đứng đầu khi tổng giám đốc, chủ tịch hội đồng quản trị và bí thư đảng ủy đều có những quyền quyết định. Trong cơ chế như thế, sẽ rất khó quy trách nhiệm cá nhân và đôi khi còn khó cả cho việc ra quyết định nhanh chóng, kịp thời.
Muốn tái cơ cấu thành công, theo nhiều chuyên gia, ngoài chính sách đúng, quyết tâm cao còn yếu tố đặc biệt quan trọng tác động đến thành công là yếu tố con người. Nhưng Bộ Giao thông vận tải khi báo cáo về chủ trương thuê tổng giám đốc có nêu tên năm tập đoàn, tổng công ty trong diện thí điểm nhưng thực tế chỉ có hai công ty ký hợp đồng và cũng chỉ được một thời gian ngắn, cả hai nơi này đều quay lại cơ chế bổ nhiệm như cũ. Lý do là cơ chế có mở cho thuê người điều hành doanh nghiệp, nhưng các cơ chế khác không mở theo, tổng giám đốc được thuê cũng khó làm gì được, nên đã phải tự viết đơn xin thôi...
Nhiều chuyên gia đã cảnh báo việc triển khai tái cơ cấu trên thực tế sẽ gặp phải rất nhiều lực cản do “đụng” phải những vấn đề liên quan chặt chẽ đến lợi ích và sức ì vốn dĩ không nhỏ của doanh nghiệp nhà nước. Quyết tâm tái cơ cấu đã được đưa ra, nhưng điều quan trọng hơn là hiệu quả của nó. Nên chắc chắn, quyết tâm tái cơ cấu từ năm 2012 là quan trọng, nhưng quan trọng hơn nhiều là biện pháp cơ cấu phải đủ mạnh, đủ sâu để dẹp những lực cản... Có thế, sau một thời gian, VN mới không phải quyết tâm tái cơ cấu thêm một lần nữa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận