17/11/2022 12:55 GMT+7

Biển lấn khu dân cư, cần gấp kè chắn sóng

QUỐC NAM
QUỐC NAM

TTO - Sau hai đợt mưa lũ cuối tháng 10 vừa qua, bờ biển nhiều nơi ở tỉnh Quảng Bình bị xói lở. Biển lấn cả trăm mét sát khu dân cư, người dân sống trong thấp thỏm lo âu.

Biển lấn khu dân cư, cần gấp kè chắn sóng - Ảnh 1.

Sau mấy ngày mưa bão, bờ biển xã Hải Ninh (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) đã bị sạt lở, xâm thực đến hơn 20m - Ảnh: QUỐC NAM

Phường Quảng Phúc (thị xã Ba Đồn) là nơi bị biển xâm thực nặng từ năm 2020. Sau hai đợt mưa lũ hồi cuối tháng 10-2022, tình hình đáng lo hơn nữa. Tại tổ dân phố Tân Mỹ thuộc phường này, biển lấn vào sát mép con đường liên thôn. Nhà dân ở ven các khu dân cư ở đây hiện chỉ còn ở cách mép biển hơn chục mét.

Biển nuốt gọn rừng phòng hộ

Bà Nguyễn Thị Hợi, người dân ở đây, cho biết trước đây bờ biển cách xa khu dân cư mấy trăm mét. Khi về ở đây, người dân đã trồng rừng phi lao dày đặc cả trăm mét từ đường giao thông ra phía biển. Từ 2020, cứ sau một đợt mưa thì biển lại lấn dần. 

"Cuối tháng 10 rồi, chỉ trong khoảng một tuần, cả vạt rừng phi lao hơn 5 năm tuổi đã biến mất, chỉ còn lại vài cây lèo tèo ở sát mép đường. Những gốc phi lao bị sóng nhổ bật cả gốc. Tình hình này chắc là chỉ 1-2 năm nữa biển sẽ "gặm" luôn nhà cửa, vườn tược của người dân", bà Hợi lo lắng.

Theo UBND phường Quảng Phúc, khu vực bờ biển bị xói lở mạnh nhất ở tổ dân phố Tân Mỹ hiện tại gồm xóm Tân với 10 hộ gia đình (40 nhân khẩu) và xóm Tân Hưng với 15 hộ (47 nhân khẩu). Đoạn bờ biển bị sạt dài đến 2,5km. Chiều cao sạt lở so với mép nước bình quân trên 2m, có nơi cao trên 3m, nên không chỉ các hộ dân mà các công trình hạ tầng khác của địa phương cũng bị đe dọa.

Tại xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh (phía nam Quảng Bình), triều cường và sóng to trong đợt mưa lũ do ảnh hưởng của bão số 6 cũng đã làm sạt lở nghiêm trọng 200m bờ biển của xã. Trong đó, tại thôn Tân Định, sóng biển đánh mạnh làm sạt lở gần 150m bờ biển. Điểm sạt cách bến cá Tân Định gần 50m, ăn sâu vào đất liền hơn 20m. Hiện mép nước chỉ còn cách nhà dân gần nhất khoảng 30m.

Phải khẩn cấp làm kè

Ông Phan Văn Liệu, chủ tịch UBND xã Hải Ninh, nói: "Với đặc thù của vùng biển này, không có cách nào tốt hơn làm kè để ngăn biển xâm thực".

UBND phường Quảng Phúc cũng tính làm kè chắn sóng, nhưng kinh phí cho việc này vượt quá khả năng của phường. Trong năm 2020, phường này đã có tờ trình đề xuất HĐND, UBND tỉnh xem xét bố trí nguồn kinh phí để đầu tư xây dựng tuyến kè chống sạt lở. Tuy nhiên, do điều kiện kinh phí khó khăn và ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên đến nay vẫn chưa được bố trí vốn trong khi tình trạng xâm thực, sạt lở ngày càng nghiêm trọng hơn.

Ông Nguyễn Tiến Thành, chủ tịch UBND phường Quảng Phúc, nói: "Không có kè chắn thì sẽ vô cùng nguy hiểm cho đời sống của người dân. Trong lúc chờ có kè thì chúng tôi chỉ biết nhắc nhở người dân, chủ động phương án di dời dân khi có tình huống xấu".

Ông Mai Văn Minh, giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình, nói sở đã khảo sát tình hình và tham mưu cho UBND tỉnh các giải pháp trước mắt để bảo đảm an toàn cho người dân trong vùng sạt lở.

Ông Trần Thắng - chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình - đã yêu cầu các sở, ngành theo dõi chặt chẽ tình hình sạt lở trên tuyến bờ biển, cảnh báo đảm bảo an toàn cho người dân. "Các đơn vị liên quan phải nhanh chóng đề xuất phương án khắc phục, hạn chế xâm thực, sẵn sàng triển khai các phương án di dời người dân bị ảnh hưởng đến nơi an toàn", ông Thắng nói.

Nhà sập xuống biển

Tại Quảng Trị, vùng ven biển xã Vĩnh Thái (Vĩnh Linh) cũng chung cảnh ngộ. Triều cường và xâm thực gần đây đã gây sạt lở nặng tại bờ biển thôn Đông Luật. Nước biển ăn sâu vào đất liền, bốn nhà hàng đã đổ sập xuống biển. Một số quán còn lại có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào. Hàng cây cổ thụ dọc bờ biển cũng bị sóng quật ngã bật gốc, trôi ra biển.

Ông Nguyễn Hữu Trường, chủ tịch UBND xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh, cho rằng: "Chỉ có làm kè bảo vệ thì mới hạn chế được tình trạng xâm thực nghiêm trọng. Tại xã này, mùa mưa bão năm 2020 cũng từng bị sạt lở đến 600m bờ biển.

Tỉnh đã đầu tư xây kè bảo vệ an toàn. Riêng đoạn thôn Đông Luật mới bị sạt lở trong đợt mưa bão lớn vừa qua", ông Trường cho hay.

Kè chắn sóng 80 tỉ đồng bị sóng đánh Kè chắn sóng 80 tỉ đồng bị sóng đánh 'bay'

TTO - Dự án đê kè chống xói lở bờ biển Tam Quan (ở ven biển 2 xã Tam Quan Bắc và Tam Quan Nam, huyện Hoài Nhơn, Bình Định) mới bàn giao tháng 9-2016 đến nay đã bị sóng đánh đổ sụp, vỡ nát.

QUỐC NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên