Ông Nhô Rát xay xát lúa bằng chiếc máy của gia đình mình - Ảnh: ĐỨC TRONG
Hồi đó về đây, chúng tôi không biết làm gì để sinh sống. Chúng tôi được Nhà nước Việt Nam lo cho mùng mền để ngủ, gạo để ăn trong một, hai năm đầu, được cấp đất để sản xuất
Bà Cho Xăm Ếch
Những địa danh như Bàu Châu É, ngã ba Chợ Miên mà họ đến định cư ngày nào giờ đã không còn. Bàu Châu É ngày nay là ấp Tân Châu, xã Tân Phú, huyện Tân Châu.
Ngã ba chợ Miên ngày nay là ấp 6, xã Bàu Đồn, huyện Gò Dầu. Đó là những cái tên, những dấu tích của câu chuyện hàng ngàn người dân Campuchia sang Tây Ninh lánh nạn từ 40 năm trước.
Trốn chạy nạn diệt chủng
Gia đình ông Lóc Lao (64 tuổi) hiện ở quây quần bên nhau ngay mặt tiền con đường dẫn vào ấp Tân Châu.
Xung quanh và đối diện nhà ông là nhà của ba người em ruột ông gồm: Nhô Ram, Nhô Rát và Nhô Lon. Cách không xa nhà ông có nhà anh Chinh Kia, chị Chinh Nét, anh Nhôk Pum, Chinh Xa Phi.
Hiện gia đình ông có bốn thế hệ cùng sinh sống, làm ăn, trưởng thành và đi học ở Việt Nam. Mẹ ông Lóc Lao năm nay đã gần 90 tuổi, hiện sống cùng ông Nhô Ram. Cha ông Lóc Lao mất cách đây hơn 10 năm, được chôn cất ngay tại Tân Châu.
Ông Lóc Lao là người cao tuổi nhất và cũng là người có uy tín nhất của cộng đồng người Campuchia tại xã Tân Phú. Các con của ông Lóc Lao gồm ba nam, ba nữ đều đã lập gia đình.
40 năm trước, gia đình ông Lóc Lao sinh sống tại tỉnh Svay Rieng, Campuchia. Những năm đó gia đình ông phải lao động cực nhọc nhưng vẫn không đủ ăn.
Khi tập đoàn Pol Pot thực hiện chính sách diệt chủng, gia đình ông đã gồng gánh đồ đạc cùng hàng ngàn người dân Campuchia khác sang Việt Nam lánh nạn. Lúc đó vợ chồng ông mới sinh con trai đầu lòng được một tháng.
Ông Nhô Ram - em trai ông Lóc Lao - cho biết thời điểm ấy gia đình ông đã nheo nhóc gồng gánh, dắt díu nhau đi hàng chục cây số để mong nhanh kịp sang được Việt Nam.
Đi bộ đến đoạn Bến Sỏi của sông Vàm Cỏ Đông thuộc huyện Châu Thành, họ được bộ đội Việt Nam tiếp đón lo cho bữa ăn, nước uống.
Rồi họ được bộ đội chở về Bàu Châu É để lập nghiệp. "Hồi đó về đây chúng tôi không biết làm gì để sinh sống. Chúng tôi được Nhà nước Việt Nam lo cho mùng mền để ngủ, gạo để ăn trong một, hai năm đầu, được cấp đất để sản xuất" - bà Cho Xăm Ếch (62 tuổi, vợ ông Lóc Lao) nhớ lại. Ở Việt Nam, ông bà Lóc Lao sinh thêm được năm người con.
Còn địa danh ngã ba Chợ Miên trước đây vốn thuộc xã Bến Sắn, huyện Gò Dầu. Nơi đây từng có một ngôi làng với hàng ngàn người Campuchia chạy trốn tập đoàn Pol Pot, sang lánh nạn tại đây.
Họ được Nhà nước Việt Nam tạo điều kiện tối đa cho cuộc sống mới: lập làng, dựng chợ và xây trạm xá. Ngôi làng ấy ngày nay không còn nữa. Thay vào đó là cơ sở hạ tầng, trường học của ấp 6, xã Bàu Đồn, huyện Gò Dầu.
Là một trong những người có mặt đầu tiên ở vùng đất Bến Sắn ngày đó, ngay sau ngày thống nhất đất nước, bà Lê Thị Huôi (60 tuổi) vẫn còn nhớ như in cái tên "ngã ba Chợ Miên".
Bà biết từng ngõ ngách, con suối, bìa rừng nơi đây và chứng kiến cảnh người Campuchia ùn ùn kéo nhau về đây lập nghiệp.
Nhắc đến những đợt người Campuchia đến đây lánh nạn, bà Huôi nói: "Không biết từ đâu mà họ kéo nhau đến rất đông, dựng nhà, sống dọc hai bên đường và cặp theo con suối, sống bằng nghề chặt củi, làm mướn và chăn thả trâu bò".
"Hồi đó ai cũng khổ như nhau, những người Việt thông thạo địa hình thì chỉ họ cách vào rừng lấy củi. Hằng ngày tui gánh sương sâm sương sáo đem vào xóm họ bán.
Mùng 5, lễ tết của họ cũng có tổ chức vui vẻ. Nhiều người sang đây lánh nạn cũng hay qua lại nhà tui chơi" - bà Huôi kể lại. Theo bà Huôi, khi Campuchia được bộ đội Việt Nam giải phóng, những người Campuchia tại Bến Sắn lần lượt quay về cố hương, để lại một không gian vắng vẻ.
Chị Chinh Nét bên căn nhà tình thương xây bằng tiền hỗ trợ của chính quyền
xã Tân Phú - Ảnh: ĐỨC TRONG
Chọn ở lại Việt Nam
Những người dân Campuchia dần quay về quê cũ nhưng gia đình ông Lóc Lao cùng năm nhà khác đã chọn ở lại Việt Nam.
Những người em, các con của ông sau này có quay về Campuchia nhưng chỉ tìm người mà dựng vợ, gả chồng rồi lại quay về bàu Châu É sinh sống, làm ăn. Đến nay trên địa bàn ấp Tân Châu đã có 25 hộ gia đình với gần 100 người Campuchia sinh sống.
"Sống ở đây ổn định hơn. Có đường bêtông rộng. Có điện thắp sáng và dễ làm ăn" - ông Lóc Lao nói. Hiện ông Lóc Lao có 7 công đất để trồng khoai mì (sắn). Các con của ông ai cũng có đất để sản xuất.
Cách đây mấy năm, gia đình ông còn sắm được chiếc máy cày, có rơmooc kéo để chở khoai mì. Hai người em trai của ông cũng sắm được máy cày, máy xay xát lúa. Mỗi người có từ 5 công đến 1 mẫu đất rẫy.
"Về lại quê không có đất để làm ăn. Ở đây sống thoải mái hơn rất nhiều" - ông Nhô Ram nói. Hôm chúng tôi đến ấp Tân Châu thì gặp anh Chinh Kia (28 tuổi). Anh cho biết có quay về nước để lấy vợ và vợ anh vừa sinh con nên ở lại nhà mẹ vợ bên Campuchia.
Khi con lớn một chút, anh sẽ đưa cả vợ con qua Việt Nam sinh sống cùng chị gái và mẹ ruột. "Nếu được lựa chọn, tôi cũng chọn ở đây vì sang đó rất khó làm ăn" - anh Chinh Kia nói.
Chiếc máy cày cùng rơmooc trị giá hơn trăm triệu đồng mà gia đình ông Nhô Ram đã sắm sửa - Ảnh: ĐỨC TRONG
Kỳ tới: Nghĩa tình hai bên biên giới
Tạo điều kiện
Bà Hà Thị Huệ, phó chủ tịch UBND xã Tân Phú, cho biết đa số người Campuchia sinh sống trên địa bàn đều có mức sống khá giả. Hầu hết đều có đất sản xuất.
Đáng chú ý, họ rất hòa nhập với cộng đồng người Việt và gương mẫu trong thực hiện các chính sách của chính quyền địa phương. Chính quyền xã luôn tạo mọi điều kiện tốt nhất để họ yên tâm phát triển kinh tế.
Còn bà Đào Thị Tuyết Hoa, trưởng ấp Tân Châu, bảo chính quyền xã đang xây dựng ba nhà tình thương cho người Campuchia. Chị Chinh Nét, một người được nhận nhà tình thương, nói xã đã hỗ trợ gia đình chị 40 triệu đồng để xây nhà.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận