17/04/2014 10:02 GMT+7

Biến chuyện không đẹp thành chuyện đẹp

P.VŨ thực hiện
P.VŨ thực hiện

TT - “Tôi quan niệm mọi việc là tùy duyên mà thành. Nhân câu chuyện xảy ra với em S., chúng ta lại có duyên để biến một chuyện không đẹp thành một câu chuyện đẹp” - ông Nguyễn Minh Nhựt, giám đốc Nhà xuất bản Trẻ, chia sẻ.

Phẫn nộ với việc làm nhục học sinh tại siêu thịBị làm nhục vì lấy cắp hai cuốn truyện

xDNauDxG.jpg
Ông Nguyễn Minh Nhựt - Ảnh: L.Điền

Nhà xuất bản Trẻ là đơn vị đầu tiên hưởng ứng chương trình quyên góp sách cho trẻ em vùng sâu, vùng xa với 200 tủ sách (trị giá 5 triệu đồng/tủ). Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Minh Nhựt cho biết:

- Chúng tôi quan niệm đây không phải là làm từ thiện mà là tạo lập và nuôi dưỡng bạn đọc tiềm năng. Ở thư viện, một cuốn sách sẽ có cơ hội được nhiều người đọc hơn, tăng số lượt đọc trên một đầu sách, và một số trong số các bạn đọc ấy sau này sẽ trở thành bạn đọc ruột của chúng tôi, hi vọng thế. Cũng rất tình cờ, chúng tôi đang có kế hoạch tặng 10 tủ sách ở Bình Phước và 10 tủ ở Gia Lai trong tháng tới, và đây là một kế hoạch riêng.

"Thêm được một bạn đọc cho sách, thêm được một đầu sách vào danh sách đọc của trẻ chính là mục tiêu cuối cùng của chúng tôi"

* Mỗi tủ sách trị giá 5 triệu đồng sẽ có được bao nhiêu đầu sách, và là những loại sách nào? Làm sao để chọn được sách mà các em sẽ thích đọc?

- Với 5 triệu đồng, chúng tôi sẽ có từ 130-140 đầu sách, chủ yếu tập trung vào sách dành cho thiếu nhi và thanh niên. Sách là một món quà đặc thù nên không phải tất cả tủ sách đều sẽ giống nhau. Trước khi tặng một tủ sách, chúng tôi đều có liên hệ trực tiếp đến trường học, cụ thể là đến tận thủ thư, tham khảo nhu cầu của đơn vị thụ hưởng, sau đó là gửi danh mục đề nghị để họ chọn, loại bỏ những đầu sách trùng lắp đã có sẵn. Có thể mất thời gian, công sức nhưng kỹ lưỡng như vậy mới đạt được yêu cầu: thỏa mãn nhu cầu đọc của bạn đọc và nhu cầu nuôi dưỡng bạn đọc tiềm năng của mình.

Tất nhiên nếu chỉ riêng sách của Nhà xuất bản Trẻ thì chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu của bạn đọc. Trong quá trình tặng sách như vậy từ nhiều năm nay, chúng tôi luôn mong có một chương trình có hiệu ứng xã hội lớn hơn, quy tụ được nhiều nhà xuất bản, nhà làm sách cùng tham gia hơn để các tủ sách được đầy hơn về số lượng và sâu dày hơn về chất lượng. Nay đã có chương trình của Tuổi Trẻ, rất mừng. Mong sẽ có nhiều đơn vị, cá nhân cùng tham gia vì một cuốn sách có thể thay đổi cả cuộc đời của đứa trẻ.

* Câu chuyện của em bé ở Gia Lai nói lên một điều là sách ở các vùng xa còn rất thiếu, ngoài việc tặng tủ sách, Nhà xuất bản Trẻ còn có kế hoạch nào nữa để cổ vũ văn hóa đọc?

- Để xây dựng văn hóa đọc, không gì bằng nuôi dưỡng thói quen đọc cho trẻ em, và chỉ có gia đình, nhà trường mới làm được điều đó. Xã hội đóng vai trò thứ ba, và nhà xuất bản chúng tôi cố gắng trong phạm vi của mình: xây dựng dòng sách giá rẻ (đang chuẩn bị triển khai), phát huy sách điện tử không chỉ phụ thuộc vào thiết bị đọc cao cấp mà có thể đọc bằng máy tính để bàn (đã thực hiện), trích lợi nhuận để tặng thêm những bộ sách giá trị cao (như đang chuẩn bị tặng bộ sách Sơn Nam cho các thư viện ở miền Tây, trước nhất là quê hương ông)...

Đọc sách để biết chia sẻ, bớt phạm lỗi

Năm 4 tuổi, tôi nghe bà nội kể với bà Khâm hàng xóm rằng: “Có lần, một người nghèo khổ trong làng ăn trộm gà bị phát hiện và chạy qua nhà tui, cha tui cho ông nớ (ấy) trốn vào buồng và nói “ông sợ người ta đánh chết con”. Từ đó, ông nớ không đi ăn trộm nữa”.

Năm 1979 đói khổ, bà nội tôi thường bớt phần cơm của mình cho hai bà hàng xóm vào những buổi trưa. Hai bà vốn là tá điền của nhà ông bà nội tôi trước năm 1954.

Câu chuyện giúp người ăn trộm của ông cố tôi và hình ảnh bà nội chia phần cơm đang ăn cho hàng xóm đã đi vào tâm thức tôi như những bài học về lòng bao dung và sự chia sẻ. Sau này lớn lên tôi mới biết rằng ông cố tôi là thầy giáo. Bà nội tôi thuộc toàn bộ Truyện Kiều, Chinh phụ ngâm, Cung oán ngâm khúc... Tôi nghĩ rằng nhờ gia phong và sách vở mà nhiều người bên họ bà nội tôi sống nhân ái và bao dung.

Quay lại chuyện học sinh lớp 7 vì muốn có hai cuốn sách mà trở thành đối tượng bị trừng phạt thái quá, tôi nghĩ rằng cả những người phạt em và em đều cần được tặng sách. Bởi lẽ, nếu những nhân viên siêu thị được đọc sách nhiều từ nhỏ thì họ sẽ thông cảm với em S. vì thèm sách mà phạm lỗi và cũng sẽ không hành xử như vậy. Và nếu trường em S. có sách cho em đọc 1-4 cuốn/tuần như hơn 60.000 học sinh của huyện Quỳnh Phụ và Thái Thụy, tỉnh Thái Bình thì em không phải làm như vậy. Học sinh của hai huyện này đã có hơn 2.000 tủ sách phụ huynh đặt tại lớp học với ít nhất 50 đầu sách/tủ nên bình quân các em đã đọc 1-4 cuốn sách/tuần. Nhờ đọc nhiều sách mà tháng 2-2014, học sinh Trường An Dục, Quỳnh Phụ, Thái Bình đã góp mỗi em 5.000 đồng để tặng sách cho hai lớp học ở Bắc Yên, Sơn La.

Xin đừng trách cả em S. và những nhân viên siêu thị vì họ đang sống trong một xã hội mà bình quân mỗi người dân chỉ đọc 0,8 cuốn sách/năm (theo công bố của Vụ Thư viện, Bộ VH-TT&DL năm 2013). Trong 17 năm qua, tôi cũng đã phỏng vấn ngẫu nhiên khoảng 3.000 người dân nông thôn hoặc từng sống ở nông thôn, kết quả ít ai đọc được 50 đầu sách trong tuổi học trò. Trong khi đó, ở các thành phố lớn thì nhiều học sinh đã đọc 500 đầu sách từ lớp 1-12.

Chương trình sách hóa nông thôn mong muốn được tặng cho lớp em S. một Tủ sách lớp em. Chúng tôi cũng mong muốn tặng sách cho những nhân viên siêu thị hành xử không đúng với em S..

NGUYỄN QUIANG THẠCH(người khởi xướng Chương trình sách hóa nông thôn)

Hết sức cẩn trọng

Ngày 16-4, Phòng cảnh sát hình sự Công an tỉnh Gia Lai đã xuống huyện Chư Sê phối hợp với các đơn vị ở huyện triệu tập các nhân viên của siêu thị Vĩ Yên (huyện Chư Sê), gặp gỡ gia đình em S. để phục vụ điều tra việc em S. bị bắt trói và tung hình trên mạng. Kết thúc ngày làm việc, Công an tỉnh Gia Lai vẫn chưa khởi tố hình sự vụ án.

Đại tá Vũ Văn Lâu, phó giám đốc Công an tỉnh Gia Lai, cho biết vụ việc em S. bị bắt trói và đưa lên mạng hiện đang được dư luận đặc biệt quan tâm. Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai và các đơn vị cũng chỉ đạo rốt ráo và theo dõi diễn biến công tác điều tra. “Vụ việc này đúng ra theo phân cấp thì thuộc trách nhiệm của cấp huyện, tuy nhiên Công an tỉnh Gia Lai đã phải cử phó Phòng cảnh sát hình sự cùng đội điều tra xuống trực tiếp làm việc để điều tra một cách cẩn trọng, chính xác nhất. Chúng tôi cũng đã hội ý với Viện kiểm sát nhưng đến nay vẫn chưa thể nói gì được” - đại tá Lâu nói.

Theo đại tá Lâu, hiện công an đang điều tra ở hai khía cạnh: hành vi làm nhục người khác và bắt giữ người trái pháp luật. Để khởi tố tội làm nhục người khác thì bắt buộc phải có đơn yêu cầu của bị hại. Trong trường hợp này, nếu có đơn yêu cầu của gia đình thì công an sẽ khởi tố vụ án ngay, nhưng cha em S. nói rằng gia đình cũng muốn nhẹ nhàng để em S. học hành.

Về hành vi bắt giữ người trái pháp luật, đại tá Lâu nói đến nay cơ quan điều tra xác định hành vi này là có nhưng chưa đủ cấu thành tội, muốn khởi tố tội bắt giữ người trái pháp luật thì phải có các yếu tố chứng minh được mục đích của việc bắt giữ là gì. Trong sự việc này em S. cũng có lỗi, nhưng lỗi này thật ra rất nhỏ, sau khi xảy ra sự việc siêu thị đã yêu cầu người nhà đến bảo lãnh. Hiện công an đang cùng Viện kiểm sát đánh giá một cách cẩn trọng đối với việc nhóm nhân viên siêu thị đã trói tay và bắt giữ em S. trong vòng khoảng 10 phút để xem xét hết các khía cạnh nhằm quyết định có khởi tố hay không.

“Chúng tôi hiểu dư luận đặc biệt quan tâm nhưng ở góc độ pháp luật thì cũng phải hết sức thận trọng” - ông Lâu nói.

THÁI BÁ DŨNG

P.VŨ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên