08/06/2016 13:24 GMT+7

Biến 1/3 đường Kinh Dương Vương thành kênh, tại sao không?

MINH DÂN
MINH DÂN

TTO - Theo tác giả, cách chống ngập này rẻ vì chi phí thấp, đẹp vì sạch và xanh, bền vì cách làm tự nhiên, sinh thái; hơn hẳn kiểu ngập đến đâu, tôn đường cao đến đó khiến dân tình khổ sở bao lâu nay.

Bức tường xây chắn hết lối ra vào trước một cửa hàng - Ảnh: HỮU KHOA - HỮU THUẬN

TTO xin giới thiệu một giải pháp chống ngập (dù ông cha ta đã làm từ lâu ngay ở chính Sài Gòn) như thêm một cách chống ngập bên cạnh cách làm quen thuộc của chúng ta lâu nay (nâng, hạ đường) vốn gây nhiều bức xúc và tổn hại nặng với cư dân khu vực ngập:

Đường Kinh Dương Vương (TP.HCM) hiện nay dài  5.400m, rộng 50-58m; thuộc khu vực thế đất thấp giữa hai kênh (thật ra là rạch tự nhiên chứ không phải kênh đào) Tham Lương và Tân Hóa - Lò Gốm.

Xung quanh Kinh Dương Vương là lưu vực bị ngập do triều cường (vậy nên kênh Tham Lương thời xưa gọi là rạch Nước Lên).

Chống ngập do triều cường đường Kinh Dương Vương lâu nay bằng cách tôn đường cao lên cả mét như hiện nay rõ ràng đang gây bức xúc.

Thậm chí cách chống ngập này thực chất là đổ nước từ đường Kinh Dương Vương sang các con đường, hẻm hóc xung quanh nó (thuộc lưu vực triều cường) mà nhiều bạn đọc nói tưởng giỡn nhưng rất đúng: nước không tự nhiên sinh ra và mất đi mà chạy từ nơi này, đường này sang nơi khác, đường khác.

Làm kiểu này nhà nước tốn kém thì rõ rồi, dân khổ sở vì mỗi nhà phải chi từ vài trăm triệu đến cả tỉ đồng để tôn nên nhà, thậm chí đập bỏ nhà xây mới nếu không muốn nước đổ vô nhà mình. Đâu phải ai cũng dư giả, có tiền để làm chuyện này.

Chúng tôi xin đề xuất:

Minh họa kênh Kinh Dương Vương trên đường Kinh Dương Vương đấu nối vào kênh Tham Lương và kênh Tân Hóa-Lò Gốm - Đồ họa: T.Thiên
Kênh Kinh Dương Vương (tạm gọi là vậy) trên đường Kinh Dương Vương thông thủy với kênh Tham Lương và kênh Tân Hóa-Lò Gốm cũng như các hồ tự nhiên xung quanh - Đồ họa: T.THIÊN

- Biến 1/3 - 1/4 chiều ngang, giữa đường Kinh Dương thành kênh, tức con kênh này rộng khoảng trên dưới 15m (bằng nửa kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè).

- Con kênh này thông ra hai con kênh lớn là kênh Tham Lương và kênh Tân Hóa - Lò Gốm.

- Hai bên con kênh là hai con đường một chiều (rộng khoảng 15-20m, tùy  đoạn) như đường Hoàng Sa, Trường Sa hai bên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè hiện nay.

(Nếu) kênh này rộng 15m x sâu 4m x chiều dài đường Kinh Dương Vương 5.400m, nó có thể chứa trên dưới 300.000m3 nước, tức chứa dễ dàng một cơn triều cường khoảng 2-3 giờ hoặc chứa được một cơn mưa rất lớn với lượng mưa 100mm ở khu vực đường Kinh Dương Vương (tức đường Kinh Dương Vương và đường, hẻm xung quanh) 3.000.000m2 (3km2 hay 300 ha).

Kênh Kinh Dương Vương (tạm gọi là vậy) này thông thủy với hai kênh Tham Lương và Tân Hóa - Lò Gốm.

Và nó cũng có thể thông thủy với những hồ nước tự nhiên trong lưu vực: hồ nước giữa đường Kinh Dương Vương và An Dương Vương; hồ nước cạnh kênh Tân Hóa, hồ nước trong Công viên Đầm Sen (những hồ này vốn là hồ tự nhiên thoát nước cho khu vực mấy trăm năm trước).

Nếu được như vậy, lượng nước chứa trong hệ thống (kênh - hồ) này có thể lên đến cả triệu m3, chống ngập cho cả một khu vực rộng hàng chục km2 (hàng ngàn ha) chứ không chỉ đường Kinh Dương Vương.

Ưu điểm của giải pháp:

- Dựa vô địa vực (ông bà xưa gọi là cuộc đất) của khu vực này mà tồn tại.

-  Không chỉ rẻ đẹp bền "muôn đời" còn rất sinh thái, tự nhiên, không dùng máy móc

- Giải quyết ngập không chỉ cho đường Kinh Dương Vương mà cả 44 con đường, hẻm hóc xung quanh nó với lưu vực 3-4km2.

- Hoàn toàn không xáo trộn cuộc sống bà con hai bên đường.

- Tạo thêm, rút ngắn đường thủy giữa hai con kênh Tham Lương - Tân Hóa - Lò Gốm.

- Chúng tôi nghĩ nhiều bà con nơi đây sẽ rất hài lòng khi trước nhà mình là một con kênh xanh mát quanh năm (như cư dân hai bên đường Hoàng Sa, Trường Sa lâu nay; và hiện nay, sau khi nạo vét kênh Tham Lương, bà con hai bên kênh này rất hào hứng và xin nhà nước cho phép xây dựng nhà sớm).

Một số vấn đề nảy sinh phải giải quyết

- Triều cường từ kênh Tham Lương (có thể) chảy ngược vô kênh này. Giải quyết không khó với các cửa van đóng/mở tự động mà người Pháp cách đây 150 năm đã từng làm ở cửa rạch Thị Nghè, Bến Nghé để chống triều cường cho Sài Gòn.

- Giải quyết các trụ điện trung thế giữa đường Kinh Dương Vương hiện nay (đường Trần Não vừa mới di dời các trụ điện này dễ dàng).

- Nạo vét thường xuyên hơn kênh Tham Lương, Tân Hóa - Lò Gốm, không chỉ vì hai con kênh này mà còn thông thủy tốt kênh Kinh Dương Vương.

- Giải quyết nước thải sinh hoạt từ nhà dân ra kênh để không ô nhiễm kênh (như chúng ta đã và đang làm hiện nay ở tất cả các con kênh ở TP.HCM).

* Giải quyết chuyện ngập trong thành phố không phải chuyện cảm tính. Cần rất nhiều những ý kiến  phản biện của các nhà khoa học cũng như của người dân, đặc biệt là bà con sống hai bên đường Kinh Dương Vương (cũng như nhiều con đường khác đã và đang lâm vô tình cảnh trớ trêu - nhà mình cao hoặc thấp hơn nền đường mới).

* Mong các bạn góp ý, phản biện nhanh trong phần bình luận dưới bài, hoặc mail tto@tuoitre.com.vn, trước cuộc họp dự kiến sau 12-6, do Sở Giao thông vận tải và các đơn vị liên quan nhằm thống nhất hướng giải quyết tình trạng nâng đường quá cao trên đường Kinh Dương Vương.

MINH DÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên