23/06/2023 08:53 GMT+7

Bị 'tuýt còi' khi... dựng chuồng gà

Một người dân ở Đà Nẵng làm chuồng gà trên 'đất trồng cây hàng năm khác' bị phường 'tuýt còi' vì xây dựng trái phép. Tuy nhiên sau khi người này viện dẫn các quy định để chứng minh mình không sai, UBND phường tạm dừng việc cưỡng chế.

Chuồng gà có diện tích hơn 20m2 bị UBND phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng “tuýt còi” - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Chuồng gà có diện tích hơn 20m2 bị UBND phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng “tuýt còi” - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

"Tôi lên mạng tìm hiểu thì thấy có rất nhiều trường hợp cũng rơi vào tình cảnh giống tôi. Ai cũng muốn biết việc làm chuồng trại trên đất trồng cây hàng năm có cần xin phép không. Đúng sai gì cũng cần được rõ vì nếu vừa qua tôi không phản ứng thì có lẽ bây giờ chuồng trại đã bị đập" - bà Nguyễn Thị Khoa, phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng, nói.

Một hộ dân bị ‘tuýt còi’ khi làm chuồng gà ở Đà Nẵng

Cưỡng chế rồi... lại thôi

Gia đình bà Khoa có thửa đất diện tích 1.070m2 ở tổ 2, phường Hòa Thọ Tây được Nhà nước cấp sổ đỏ với mục đích sử dụng "đất trồng cây hàng năm khác" từ nhiều năm trước. Những năm qua, một phần diện tích được già đình bà làm chuồng trại để nuôi heo. Tuy nhiên do dịch tả heo châu Phi, chuồng trại bị bỏ hoang suốt ba năm.

Cuối tháng 5 vừa qua, gia đình bà Khoa dựng bốn cây trụ bằng sắt làm khung kèo rồi lợp tôn trên nền diện tích chừng 20m2 để nuôi gà con thì bị UBND phường Hòa Thọ Tây lập biên bản rồi ra thông báo yêu cầu tự tháo dỡ công trình do xây dựng trên đất nông nghiệp.

"Gia đình tôi ở trên đường Nguyễn Phú Hường cách nơi làm chuồng trại hơn 300m thì ai cũng biết. Còn việc chăn nuôi trên đất này đã lâu, ở phường này ai cũng biết. Bây giờ làm trụ sắt lợp mái tôn rồi bao xung quanh bằng lưới cước cũng bị phường xuống lập biên bản, đình chỉ thi công khiến ai nấy bất ngờ" - ông Nguyễn Hữu Cừ, chồng bà Khoa, nói.

Sau khi lập biên bản rồi ra thông báo lần đầu, UBND phường Hòa Thọ Tây tiếp tục ra thông báo lần hai yêu cầu gia đình ông Cừ có mặt tại thửa đất trên để chứng kiến việc cưỡng chế tháo dỡ công trình vi phạm trật tự xây dựng.

Cùng với thông báo này, thông tin cũng được phát trên đài truyền thanh phường để nhân dân biết và ông Nguyễn Hữu Cừ chấp hành.

Thấy sự việc nghiêm trọng, người con của ông Cừ lên mạng tìm hiểu các quy định về xây dựng. Đúng hẹn, khi đoàn cưỡng chế kéo tới nhà trại gà, người nhà ông Cừ mang luật ra "cãi lại". Bất ngờ sau đó phường ra thông báo tạm dừng việc cưỡng chế tháo dỡ công trình vi phạm và cho biết "sẽ có thông báo sau".

"Tôi cho rằng phường cưỡng chế là chưa căn cứ trên quy định hiện hành khiến việc chăn nuôi, sản xuất của gia đình tôi gặp khó khăn" - bà Khoa nói.

Làm chuồng gà có phải xin phép?

Theo ghi nhận, hiện khu nuôi gà của gia đình ông Cừ được dựng trụ sắt, lợp tôn cũ với nhiều lỗ thủng để che chuồng trại. Bên dưới mái che có diện tích 20m2 là đặt chuồng làm nơi úm hơn 200 con gà con. Ngoài mái che phía trên chuồng gà thì hai phía được dựng tôn dựa vào khu trại cũ, nền được láng xi măng.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Hữu Dũng - phó chủ tịch UBND phường Hòa Thọ Tây - cho biết vào thời điểm khi đoàn cưỡng chế làm việc gia đình ông Cừ, bà Khoa có đơn khiếu nại. Trong đó trình bày nội dung theo quy định tại điều 11 thông tư 02/2015/TT-BTNMT (được sửa đổi bởi khoản 2 điều 5 thông tư 09/2021TT-BTNMT):

"Các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất không phải xin phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng phải đăng ký biến động, bao gồm: Chuyển đất trồng cây hàng năm sang đất nông nghiệp khác gồm: đất sử dụng để xây dựng nhà kính và các loại nhà khác phục vụ mục đích trồng trọt; đất xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại động vật khác được pháp luật cho phép; nuôi trồng thủy sản cho mục đích học tập, nghiên cứu thí nghiệm".

Sau khi tiếp nhận đơn, nghiên cứu, phường đã mời gia đình bà Khoa lên làm việc. Qua quá trình làm việc gia đình bà Khoa trình bày đã nhiều năm làm đơn xin được phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với lô đất trên sang đất ở nông thôn nhưng chưa được thành phố đồng ý. Do gia đình gặp khó khăn về kinh tế nên có nguyện vọng sử dụng đất để trồng trọt kết hợp chăn nuôi, cải thiện cuộc sống.

"Sau khi rà soát nội dung liên quan, xét thấy nguyện vọng của gia đình là được dựng tạm nhà nuôi gà trên khu vực đất trên là để làm chỗ úm gà. Phường tạm giữ hiện trạng và yêu cầu gia đình bà Khoa cam kết không làm ô nhiễm môi trường và không làm ảnh hưởng các hộ xung quanh" - ông Dũng cho biết.

Theo luật sư Nguyễn Công Tín - Đoàn luật sư TP Đà Nẵng, vấn đề sử dụng đất trồng cây để làm chuồng trại, nơi nuôi nhốt gia súc, gia cầm hiện rất phổ biến ở khu vực nông thôn. Tại khu vực thành thị, có một số nơi ở vùng giáp ranh có diện tích đất trồng cây hàng năm cũng được người dân tận dụng để tăng gia sản xuất, cải thiện thu nhập.

Luật sư Tín cho biết theo quy định tại khoản 1 điều 10 Luật Đất đai 2013 thì nhóm đất nông nghiệp bao gồm các loại đất sau: Đất trồng cây hàng năm gồm đất trồng lúa và đất trồng cây hàng năm khác; Đất trồng cây lâu năm; Đất rừng sản xuất; Đất rừng phòng hộ; Đất rừng đặc dụng; Đất nuôi trồng thủy sản; Đất làm muối; Đất nông nghiệp khác.

Trong đó, đất trồng cây hàng năm khác được hiểu là đất trồng các cây hàng năm không phải là trồng lúa, như các loại cây rau, màu; kể cả cây dược liệu, mía, đay, gai, cói, sả, dâu tằm và đất trồng cỏ hoặc cỏ tự nhiên có cải tạo để chăn nuôi gia súc.

Còn theo thông tư 27/2018/TT-BTNM, đất trồng cây hàng năm khác bao gồm đất bằng trồng cây hàng năm khác và đất nương rẫy trồng cây hàng năm khác.

Đất nông nghiệp khác gồm đất sử dụng để xây dựng nhà kính và các loại nhà khác phục vụ mục đích trồng trọt, kể cả các hình thức trồng trọt không trực tiếp trên đất; xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại động vật khác được pháp luật cho phép; đất trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cho mục đích học tập, nghiên cứu thí nghiệm; đất ươm tạo cây giống, con giống và đất trồng hoa, cây cảnh (điểm h khoản 1 điều 10 Luật Đất đai 2013).

"Như vậy, theo quy định của pháp luật hiện hành, người sử dụng đất nông nghiệp khác được xây dựng nhà kính và các loại nhà khác phục vụ mục đích trồng trọt, được xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại động vật khác được pháp luật cho phép. Trường hợp đất trồng cây hàng năm khác thì không được xây dựng các công trình nêu trên" - luật sư Tín phân tích.

Không cần xin phép nhưng cần đăng ký biến động

Theo luật sư Tín, trường hợp trên nếu người dân có nhu cầu làm chuồng trại nuôi nhốt gia cầm gia súc cần chuyển từ mục đích sử dụng "đất trồng cây hàng năm khác" sang "đất nông nghiệp khác".

Căn cứ điều 57 Luật Đất đai 2013 và điều 11 thông tư 02/2015/TT-BTNMT (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 2 điều 5 thông tư 09/2021/TT-BTNMT) thì người sử dụng đất không phải xin phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng phải đăng ký biến động.

Mua trúng nhà bị cưỡng chế, phải làm sao?Mua trúng nhà bị cưỡng chế, phải làm sao?

Chủ xây nhà không đúng giấy phép bị chính quyền ra quyết định xử phạt và cưỡng chế phá nhà. Tôi không biết thấy rao bán rẻ nên mua rất nhanh. Mua xong, làm thủ tục xong mới biết bị buộc phải tháo dỡ. Tôi phải làm sao đây?

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên