24/06/2012 10:07 GMT+7

Bị từ chối tuyển dụng vì "chảnh"?

NGỌC HÀ - ĐỨC BÌNH
NGỌC HÀ - ĐỨC BÌNH

TT - Thông tin một công ty từ chối tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp ĐH Ngoại thương đang khiến dư luận xôn xao. Không ít ý kiến cho rằng vì quá “chảnh” nên sinh viên của ngôi trường “thương hiệu” này có nguy cơ bị loại từ vòng... hồ sơ.

Trong thông báo tuyển dụng nhân viên thực tập, học việc xuất nhập khẩu, Công ty TNHH thương mại và dịch vụ vận tải ASEAN có trụ sở ở phố Đội Cấn, Hà Nội đưa ra dòng lưu ý: “Do một số yếu tố, chúng tôi không tuyển dụng sinh viên (SV) tốt nghiệp ĐH Ngoại thương. Mong các bạn chú ý”.

Nhiều SV ngoại thương cho rằng điều này quá vô lý khi họ bị loại khỏi cuộc chơi mà không rõ lý do. Trong khi đó, có nhà tuyển dụng không ngần ngại khẳng định lý do là vì nhiều SV ngoại thương quá đề cao bản thân, “không biết mình là ai” và “đưa ra nhiều yêu sách không chịu nổi”.

“Định vị bản thân cao”

Trao đổi với Tuổi Trẻ, người phụ trách hành chính nhân sự Công ty TNHH thương mại và dịch vụ vận tải ASEAN - cho hay việc từ chối SV tốt nghiệp ĐH Ngoại thương vào vị trí tuyển dụng là vì công ty muốn chọn được những người phù hợp nhất. “Yêu cầu tuyển dụng được người phù hợp để cộng tác lâu dài rất quan trọng. Chẳng hạn, một công ty muốn tuyển vị trí thủ kho thì chắc chắn không cần đặt ra quá nhiều yêu cầu về bằng cấp. Với nhu cầu tuyển SV thực tập, cử nhân mới ra trường đến học việc thì không nhất thiết chúng tôi cần SV ngoại thương” - bà Hạnh nói.

Quyền của nhà tuyển dụng

Một chuyên gia về lĩnh vực việc làm cho biết về cơ bản thì việc các doanh nghiệp, nhà tuyển dụng ghi dòng “lưu ý” như trên là “hơi phản cảm”, nhưng cũng không thấy có dấu hiệu gì về sai phạm. Bởi với những nội dung thông báo tuyển dụng, nếu người lao động chấp thuận thì họ mới làm hồ sơ xin tuyển.

Sau đó người xin tuyển và người sử dụng lao động sẽ thỏa thuận các nội dung trên tinh thần tự nguyện. Theo chuyên gia này, “lưu ý” trên cũng không nặng nề phân biệt đối xử như phân biệt đối xử nam - nữ. Mà ở đây chỉ là lưu ý không tuyển lao động tốt nghiệp trường A, trường B. Đó là quyền của người sử dụng lao động.

Song cũng không phải ngẫu nhiên mà công ty “không tuyển SV ngoại thương”. “Nói một cách công bằng thì trong nhiều năm tuyển dụng, tôi thấy rất rõ nhiều SV ngoại thương do điểm tuyển sinh cao nên thường có xu hướng định vị bản thân cao. Từ đây, các bạn hay đặt ra những mong đợi cao hơn cho công việc của mình. Khi đối mặt với công việc thực tế, thấy quá vất vả thì dễ nản. Tâm lý “mình học như thế, ở trường như thế, cuối cùng phải làm công việc nặng nề là... không xứng” tiêm nhiễm vào nhiều người trẻ. Ngành xuất nhập khẩu nghe “oai”, sướng, nhưng công việc nhiều khi rất vất vả, hàng nhập êm xuôi không sao, nhưng khi vấp váp, mệt mỏi, không chịu được, các bạn lại nhảy sang công ty khác, tìm bến đỗ khác. Khi đó chúng tôi lại phải mất thời gian tìm kiếm nhân viên mới, đào tạo từ đầu” - bà Hạnh chia sẻ.

Bà Hạnh cũng cho hay những năm trước, yêu cầu tuyển dụng không có yếu tố loại trừ, nhưng năm nay công ty quyết định đưa ra yêu cầu này nhằm làm cho quá trình sàng lọc nhẹ nhàng hơn, đỡ mất thời gian hơn cho ứng viên và cho cả đơn vị tuyển dụng.

Được biết, ngay trong lần tuyển dụng này, dù đã có dòng ghi chú rất rõ ràng, nhiều SV ngoại thương vẫn gửi email đến nhà tuyển dụng bày tỏ nguyện vọng được thực tập, học việc ở đây. Theo bà Hạnh, với những thư bày tỏ nguyện vọng rõ ràng thì dù các em là SV ngoại thương, công ty vẫn tiếp nhận hồ sơ và trả lời các em đã nằm trong danh sách dự tuyển.

“Đừng cho mình là cái gì cao siêu quá”

GS.TS Hoàng Văn Châu - hiệu trưởng ĐH Ngoại thương - cho rằng yêu cầu nhà tuyển dụng đưa ra là quyền của họ, nhà trường không can thiệp. Song với thông báo tuyển dụng này cũng có thể đặt ra tình huống công ty chỉ cần vị trí công việc ổn định, không cần người xuất sắc.

“Mức thu nhập phổ biến của SV ĐH Ngoại thương sau khi ra trường hiện ở mức 300-400 USD/tháng. Đang có tình trạng SV tốt nghiệp ĐH Ngoại thương “nhảy việc”, điều kiện làm việc và chế độ đãi ngộ lương bổng không phù hợp là các em tìm cơ hội khác. Đó là lý do nhiều nhà tuyển dụng ngại tuyển nếu mục tiêu đặt ra là muốn có nhân lực lâu dài”, GS Châu nhận định.

Theo GS Châu, thông tin tuyển dụng này không ảnh hưởng gì nhiều đến cơ hội việc làm của SV khi công ty này chỉ tuyển vài ba người. Tuy nhiên, GS Châu cũng thẳng thắn cho rằng đúng là có hiện tượng nhiều SV cho mình là “cao giá”. “Các em nên tự nhìn lại bản thân mình, xem mình cần phải rút kinh nghiệm gì và tuyệt đối đừng cho mình là cái gì cao siêu quá” - GS Châu nói.

Còn bà Lê Thị Thu Thủy, trưởng phòng đào tạo ĐH Ngoại thương, cho hay đây là lần đầu tiên có một công ty đưa ra yêu cầu tuyển dụng “kỳ quặc” như vậy. Trả lời về lý do từ chối tuyển dụng có thể bắt nguồn từ việc SV ngoại thương từng đưa ra mức lương khởi điểm không dưới 1.000 USD, bà Thủy cho hay: “Thật ra đó là phát ngôn của một SV năm thứ hai cơ sở

TP.HCM trên một trang mạng xã hội. Bạn SV đó cũng đã phải xin lỗi vì phát ngôn bừa bãi. Không thể vì một người mà quy chụp cho tất cả SV ngoại thương “chảnh” để rồi công khai loại các em khỏi những thông tin tuyển dụng được”, bà Thủy bày tỏ.

NGỌC HÀ - ĐỨC BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên