Buổi kiểm tra diễn ra sau khi Tổng Bí thư Tô Lâm trong cuộc làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ngày 27-11 đã đề nghị Hà Nội tiếp tục quan tâm đầu tư khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, duy trì, phát huy giá trị của các dòng sông, trong đó có sông Hồng, sông Tô Lịch.
Xả nước từ hồ Tây làm sạch sông Tô Lịch không khả thi
Cụ thể, đoàn công tác đã có mặt tại cửa điều tiết A hồ Tây (đối diện số 63 phố Trích Sài, quận Tây Hồ) kiểm tra thực địa và mở cửa điều tiết trên, xả nước từ hồ Tây vào sông Tô Lịch để làm sạch con sông này.
Sau khi mở cửa xả dẫn nước từ hồ Tây vào sông Tô Lịch cho đoàn công tác kiểm tra, ông Nguyễn Đình Khuyến - chủ tịch UBND quận Tây Hồ - cho biết nếu liên tục mở cửa xả 2 tiếng thì sẽ làm cạn nước hồ Tây.
Quan sát thực tế và nghe chính quyền địa phương báo cáo, ngay tại thực địa, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài cho biết nếu nước từ hồ Tây chảy vào sông Tô Lịch được hai tiếng sẽ làm cạn hồ, sẽ rất nguy hiểm.
Bà Hoài nói nếu làm sạch được sông Tô Lịch mà ảnh hưởng tới hồ Tây là không được. Vì vậy, bà yêu cầu các đơn vị liên quan cần phải tính tới phương án làm nhanh đường ống ngầm dẫn nước sông Hồng vào sông Tô Lịch.
"Chứ như thế này thì rất bất cập, cạn nước hồ Tây thì nguy hiểm. Nếu chảy hai tiếng mà hết nước hồ Tây thì không ổn, phải tính toán lại việc làm đường ống ngầm dẫn nước sông Hồng vào, trong 6 tháng là phải làm xong, chứ làm kiểu này là không ổn.
Bây giờ không cần bơm nước từ hồ Tây vào sông Tô Lịch nữa. Vì bơm không giải quyết được vấn đề gì" - bà Hoài nói.
Sau đó, đoàn công tác đã đi kiểm tra hệ thống thu gom nước thải tại hai điểm dọc sông Tô Lịch, trước khi về kiểm tra, làm việc tại Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá.
Tính toán các phương án dẫn nước từ sông Hồng vào hồ Tây
Báo cáo tại buổi làm việc ở nhà máy, giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong cho biết về việc làm ống ngầm dẫn nước từ sông Hồng vào hồ Tây và sông Tô Lịch, sở đã tính toán các phương án.
Theo đó, phương án tốt nhất hiện nay để tạo dòng chảy cho sông Tô Lịch là lấy nước từ sông Hồng đưa vào ngõ 464 Âu Cơ, đi ngầm qua đường Âu Cơ.
Tuy nhiên, theo ông Phong, trở ngại hiện nay là đường Âu Cơ vừa cải tạo, nâng cấp xong, vì vậy việc đưa đường ống qua đây cần phải tính toán hết sức kỹ lưỡng về mặt kỹ thuật.
Một phương án khác, ông Phong cho biết sẽ cho đường ống đi qua đoạn đường An Dương Vương, phía trên cầu Nhật Tân.
"Đoạn đường này chưa cải tạo, đảm bảo được yêu cầu. Sau đó đường ống sẽ đi về đường Lạc Long Quân, vào ngõ 566 Lạc Long Quân và vào hồ Tây. Phương án này Sở Xây dựng đã khảo sát tuyến, đây cũng là phương án có cự ly khá ngắn để đưa nước về hồ Tây" - ông Phong nói.
Khi dẫn nước về hồ Tây, vị lãnh đạo sở Hà Nội cam kết đơn vị sẽ bổ sung thêm các trạm bơm để bơm nước và tạo dòng chảy cho sông Tô Lịch.
Triển khai khẩn cấp dự án dẫn nước làm sạch sông Tô Lịch
Kết luận buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết sau khi đi kiểm tra, Hà Nội quyết định triển khai 1 dự án khẩn cấp để dẫn nước sông Hồng vào sông Tô Lịch.
"Tôi cho các đồng chí 3 tháng làm thủ tục và 6 tháng thi công dự án để đưa nước từ sông Hồng vào sông Tô Lịch, thông qua hồ Tây. Hôm nay là tháng 12-2024, đến ngày 2-9 năm sau là phải hoàn thành, trong bất kỳ hoàn cảnh, điều kiện nào.
Cái gì cần thiết thì chủ tịch ký, tôi báo cáo bí thư tôi sẽ ký, nếu chúng ta làm xuyên qua đê không cần báo cáo thì thôi. Còn không thì báo cáo qua Bộ Nông nghiệp, đây là dự án khẩn cấp phải làm, xử lý thủ tục phải thật nhanh" - ông Thanh yêu cầu.
Gợi mở về cách làm, chủ tịch Hà Nội cho biết việc lấy nước từ sông Hồng về hồ Tây nên có hai đường ống. Cụ thể, một đường bổ cập cho hồ Tây khi cần thiết; đường còn lại thường xuyên bổ cập nước cho sông Tô Lịch, chạy độc lập bằng ống thép, đi ngầm dưới lòng hồ, bơm thẳng vào sông Tô Lịch để không pha loãng nước hồ Tây.
"Nếu bơm loãng nước hồ Tây là bắt đầu có chuyện, chứ không phải cứ bơm vào hồ Tây, nước dâng lên là tự tràn vào sông Tô Lịch đâu. Làm như thế này là biến dạng hệ sinh thái hồ Tây ngay, vỡ trận đấy" - ông Thanh nói thêm.
Lưu ý thêm về tiến độ, chủ tịch Hà Nội yêu cầu phải làm nhanh để "bảo vệ môi trường thủ đô". Ông cho biết thời gian tới TP sẽ phát động phong trào Hà Nội sạch, bởi hiện nay thủ đô mọi mặt đều tốt, nhưng môi trường lại ô nhiễm.
"Chúng ta phải luôn đi nhận lỗi với bà con, với du khách là vấn đề Hà Nội chưa được sạch. Hôm nay tôi chính thức giao nhiệm vụ" - chủ tịch Hà Nội bày tỏ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận