08/09/2024 16:23 GMT+7

Bí thư Hà Nội: Cây xanh gãy đổ, cây nào cứu được phải hết sức cứu

Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài yêu cầu phải cứu, trồng lại những cây xanh đổ do bão số 3, bởi trồng được một cây xanh trưởng thành mất rất nhiều thời gian.

Bí thư Hà Nội: Cây xanh gãy đổ, cây nào cứu được phải hết sức cứu - Ảnh 1.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài đi kiểm tra thực tế và chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả bão số 3 - Ảnh: THÀNH ỦY HÀ NỘI

Ngày 8-9, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài đã đi kiểm tra thực tế và chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả bão số 3.

Tuyệt đối giữ an toàn trong khi khắc phục hậu quả

Bí thư Thành ủy Hà Nội đã trực tiếp kiểm tra tình hình thiệt hại, thăm hỏi, động viên cán bộ, chiến sĩ và nhân dân quận Bắc Từ Liêm và huyện Thanh Oai...

Trao đổi với lãnh đạo địa phương tại buổi kiểm tra, bà Hoài yêu cầu thời gian tới, bí thư các quận ủy, huyện ủy, thị ủy tiếp tục chủ động bám sát tình hình ở cơ sở; chỉ đạo sát sao, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, triển khai nghiêm túc, chặt chẽ, hiệu quả các phương án phòng chống bão, lũ.

Đặc biệt không chủ quan ngay cả khi bão đã đi qua; tập trung khắc phục hậu quả, hỗ trợ những địa bàn, hộ dân bị thiệt hại nặng, nhất là các gia đình, cơ sở bị đổ sập nhà ở, công trình xây dựng.

"Các đồng chí phải đặc biệt chú ý về an toàn điện, khi chưa chắc an toàn, còn nguy cơ rò rỉ, phải kiên quyết không đóng điện, đồng thời với đề phòng đuối nước. Phải tuyệt đối giữ an toàn trong quá trình khắc phục hậu quả do bão gây ra.

Đối với cây xanh gãy đổ, cây nào cứu được phải hết sức cứu, dựng lại được phải dựng lại để chăm sóc, bần cùng bất đắc dĩ mới phải cưa bỏ, vì trồng được một cây không dễ và mất rất nhiều thời gian" - bà Hoài nói.

Bà yêu cầu cần quan tâm chăm sóc, kịp thời hỗ trợ các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế, người già, neo đơn, ốm yếu, hộ nghèo, gia đình chính sách bị thiệt hại do bão. Kịp thời cung cấp lương thực, thực phẩm khi cần thiết, không để ai bị đói, bị rét, thiếu thốn thuốc men, chữa bệnh...

Sẽ cố gắng tối đa để cứu cây

"Chúng tôi sẽ cố gắng giữ tối đa cây xanh để trồng lại. Tuy nhiên những cây này phải đảm bảo đủ các tiêu chuẩn và an toàn", ông Nguyễn Đức Mạnh, phó tổng giám đốc Công ty Công viên cây xanh Hà Nội, cho biết.

"Trải qua bom đạn năm 1946 cùng những biến thiên thời gian, cây đa này vẫn vững chãi. Vậy mà cơn bão số 3 quét qua cây lại gục ngã, xót xa quá", bà Thu ở phường Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm nói.

Sáng nay, bà dậy thật sớm để ra tượng đài Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh, ngắm nhìn cây đa cổ thụ hàng trăm năm tuổi đã bị gió bão quật đổ.

Với bà, gốc cây cổ thụ như một biểu tượng, chứng kiến mọi sự đổi thay của thủ đô.

Bí thư Hà Nội: Cây xanh gãy đổ, cây nào cứu được phải hết sức cứu - Ảnh 2.

Một cây ngã đổ trên đường phố - Ảnh: HỒNG QUANG

Trong khi đó, Thanh Thúy (26 tuổi) thì bày tỏ tiếc nuối khi nhiều cây xanh gắn liền với góc phố Hà Nội lần lượt ngã xuống sau bão. Hà Nội mười hai mùa hoa, cô nói có những mùa, người ta sẽ chỉ tìm đến đúng góc phố có cây đó để ngắm nhìn cây và chụp ảnh.

Thanh Thúy kể những cây xanh như một biểu tượng của từng góc phố như cây đa ở phố Nhà Thờ, cây hoa sưa ở phố Chùa Một Cột - Điện Biên Phủ hay hàng cây dọc đường Phan Đình Phùng…

"Tất cả chỉ còn là ký ức. Những góc phố này từ nay sẽ thiếu vắng những bóng cây quen thuộc", cô nói.

Bí thư Hà Nội: Cây xanh gãy đổ, cây nào cứu được phải hết sức cứu - Ảnh 3.

Người dân tại khu đô thị cùng ban quản lý dựng lại cây xanh gãy đổ - Ảnh: Cư dân cung cấp

Tại hội nghị đánh giá công tác chỉ đạo ứng phó, tình hình thiệt hại và triển khai các biện pháp cấp bách khắc phục hậu quả cơn bão số 3 vào sáng 8-9, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết có khoảng 17.000 cây xanh gãy đổ, gây ách tắc giao thông tại thủ đô.

Với những cây xanh gãy đổ, ông Thanh cho rằng có những cây hàng trăm tuổi. Do vậy, ông đã yêu cầu các đơn vị chức năng cần cố gắng giữ, trồng lại.

Trao đổi thêm với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Đức Mạnh, phó tổng giám đốc Công ty Công viên cây xanh Hà Nội, cho biết người lao động của đơn vị này đang được huy động 100% để giải tỏa, xử lý các khu vực có cây gãy đổ.

"Chúng tôi sẽ cố gắng giữ tối đa cây để trồng lại. Tuy nhiên, những cây này phải đảm bảo đủ các tiêu chuẩn và an toàn", ông Mạnh nói, cho biết thêm đối với các cây không đủ tiêu chuẩn sẽ buộc phải chặt hạ.

Về công tác khắc phục, bên cạnh người lao động của Công ty Công viên cây xanh, chính quyền thủ đô đã huy động thêm các lực lượng khác như quân đội, công an, thanh niên tình nguyện và cả người dân tham gia dọn dẹp cây gãy đổ.

"Tinh thần là khẩn trương khắc phục. Do có nhiều lực lượng cùng làm nên chưa có thống kê cụ thể về tiến độ", phó tổng giám đốc Công ty Công viên cây xanh Hà Nội nói thêm.

Ông Nguyễn Đức Mạnh cũng cho biết khi có tin về bão số 3, Công ty Công viên cây xanh Hà Nội đã tăng cường lực lượng, rà soát lại cây nguy hiểm, cây sâu mục và thực hiện việc cắt tỉa để phòng gió bão. Tuy nhiên sức mạnh của gió bão đã khiến hàng nghìn cây xanh không thể "chống đỡ".

Trong khi đó, Công an Hà Nội cho biết lực lượng cảnh sát PCCC & CNCH và công an quận, huyện, thị xã đã điều động gần 300 lượt phương tiện cùng gần 2.000 cán bộ, chiến sĩ phối hợp các ban, ngành, người dân địa phương khắc phục hậu quả bão số 3. Qua đó, cảnh sát đã tổ chức cứu nạn, cứu hộ 172 vụ cây đổ, bật gốc, gãy cành, nhà tốc mái.

Hiện tất cả các đơn vị trong Công an Hà Nội đã được huy động để phối hợp lực lượng quân đội, chính quyền khắc phục hậu quả mưa, bão, nhanh chóng giải phóng các tuyến đường bị cây đổ chắn lối, giúp người dân sửa chữa nhà cửa.

Nuối tiếc những cây xanh gãy đổ sau bão, nhiều người tại các khu đô thị cũng đã nhanh chóng cùng ban quản lý bắt tay vào công tác dọn dẹp, khắc phục.

Sáng nay, nhiều cư dân cùng gọi nhau xuống đường dọn dẹp tại khu đô thị Ecopark. Họ cùng nhau dựng lại những cây xanh đã đổ. Đến gần trưa, nhiều khu vực đã gọn gàng, sạch sẽ.

Theo thống kê của cơ quan chức năng tỉnh Hưng Yên, mưa to và gió giật mạnh đã làm 50 ngôi nhà tốc mái, 2.244 cây xanh bị gãy đổ; ước tính có 5.746ha cây trồng bị thiệt hại.

Khoảng 17.000 cây xanh gãy đổ

Sáng 8-9, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã kiểm tra trực tiếp công tác khắc phục hậu quả bão số 3 tại quận Hoàn Kiếm.

Tại đây, ông Thanh yêu cầu các ngành phối hợp chặt chẽ với các quận, huyện, ưu tiên số một là nhanh chóng khôi phục giao thông.

"Trong ngày 8-9, phải khôi phục hệ thống giao thông để ngày 9-9 người dân đi làm, sinh hoạt bình thường" - ông chỉ đạo.

Với những cây xanh gãy đổ, ông lưu ý có những cây xanh hàng trăm tuổi cần cố gắng giữ, trồng lại.

Đồng thời yêu cầu ngành điện khẩn trương khắc phục sự cố để phục vụ sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của người dân.

Trong sáng cùng ngày, tại cuộc họp trực tuyến với Thủ tướng sáng 8-9, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết có khoảng 17.000 cây gãy đổ tại thủ đô.

Bí thư Hà Nội: Cây xanh gãy đổ, cây nào cứu được phải hết sức cứu - Ảnh 2.Bí thư Hà Nội: Bão số 3 suy yếu nhưng thời tiết còn phức tạp, không được để dân đói rét

Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài nói như vậy khi trao đổi với báo chí đêm muộn 7-9 về tình hình ứng phó với cơn bão số 3 tại thủ đô.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên