06/04/2017 09:46 GMT+7

​Bí quyết săn suất 'du học' ngắn hạn miễn phí

TƯỜNG HÂN ghi
TƯỜNG HÂN ghi

TTO - Đặt chân qua 13 quốc gia, tham gia 15 short courses (khóa học ngắn hạn) trong khoảng năm năm, Tôn Nữ Tường Vy trở thành hình mẫu cho lứa 9X đời đầu - trong túi 0 đồng - bước ra thế giới.

Tường Vy phát biểu tại trụ sở Liên Hiệp Quốc (New York, Mỹ) năm 2014 tại chương trình UNAOC - EF Summer School - Ảnh: UNAOC-EF
Tường Vy phát biểu tại trụ sở Liên Hiệp Quốc (New York, Mỹ) năm 2014 tại chương trình UNAOC - EF Summer School - Ảnh: UNAOC-EF

Không phải để đi chơi hay phượt, Tường Vy (cựu sinh viên ngành biên - phiên dịch, Trường ĐH Mở TP.HCM) lựa chọn con đường “du học” thông qua các khóa tập huấn ngắn hạn, hội thảo, hội nghị để học tập, cải thiện tư duy và vượt qua định kiến.

Hiện tại, Vy đang chuẩn bị hồ sơ đăng ký một số học bổng chính phủ để du học thạc sĩ. Cô bạn cũng vừa xuất bản quyển sách Bên kia ranh giới viết về hành trình “lang bạt” Đông - Tây với nội dung hòa bình và giáo dục.

Tự khai phá con đường của mình

* Là dân chuyên ngoại ngữ và từng làm phó bí thư đoàn khoa, có phải là lợi thế khi đăng ký short course của Tường Vy?

- Đúng là lợi thế thường thuộc về những bạn chuyên ngoại ngữ và có hoạt động xã hội, thành lập các dự án cộng đồng. Tuy nhiên, các short course không yêu cầu ứng cử viên quá hoàn hảo; bài luận không cần quá cầu kỳ, chỉ cần rõ ràng và liên quan.

Ứng cử viên chọn một số chi tiết chứng minh “tôi phù hợp” và cần thiết cho chương trình này kèm theo lời giải thích, dẫn chứng đủ thuyết phục là được. Các bạn cũng không nhất thiết phải sáng lập ra tổ chức nào để làm đẹp CV (sơ yếu lí lịch). Điều quan trọng là ở vị trí thành viên nhưng bạn đã làm gì, học được gì và sẽ ứng dụng như thế nào vào short course sắp tới.

* Trong năm 2013, Vy tham gia sáu short courses. Những chuyến đi ngắn như vậy có ý nghĩa, tác động gì đến bạn?

- Điều đầu tiên các bạn có thể nghĩ ngay là được đi nước ngoài miễn phí, làm đẹp sơ yếu lí lịch, nâng cao tiếng Anh, mở rộng mối quan hệ, trau dồi kỹ năng sống, có thêm kiến thức văn hóa… Những điều đó đúng, nhưng chưa đủ. Short course giúp Vy thay đổi định kiến và hành động, xác định lại ước mơ, mối quan tâm của mình.

Ra nước ngoài, càng tiếp xúc với nhiều bạn trẻ, Vy càng nhận ra họ đều quá giỏi, quá nhanh nhạy, từ ngôn ngữ, kỹ năng làm việc đến tư duy. Mình sốc, thấy bản thân quá nhỏ bé. Về nhà, mình cố gắng học tập, trau dồi nhiều hơn.

Chưa biết những chuyến ấy sẽ tạo ra thay đổi gì lớn lao hay không, nhưng trước mắt và là lợi ích lớn nhất, nó khiến mình “ngộ” ra mình còn thiếu sót, yếu kém những gì để cải thiện hơn, ví dụ khả năng tư duy, đặt câu hỏi, nói trước công chúng.

Phần lớn dạng chương trình Vy tham gia là hội nghị, tập huấn, nhờ vậy Vy biết thêm một chút về giáo dục, quan hệ quốc tế, lịch sử, văn hóa, tôn giáo, môi trường, lãnh đạo, nghèo đói hay phát triển…

Nó bù lỗ hổng kiến thức nền của Vy - một người sẽ học trái ngành sau đại học. Mỗi chuyến đi với từng người là một kiểu trải nghiệm tùy vào tính cách và hoàn cảnh sống. Tốt nhất các bạn cứ là người khai phá con đường của chính mình.

* Liệu trải nghiệm đa dạng từ các short course có thay thế được du học?

- Tùy vào mục tiêu của bạn tại đại học. Có người xác định nhà trường không cung cấp đủ trải nghiệm, kiến thức nên họ phải tìm điều mình muốn ở bên ngoài. Có bạn vào được trường tốt và hài lòng với trải nghiệm học tập tại trường thì short course không quá quan trọng. Tùy vào hoàn cảnh mà bạn cho là nên tập trung cái nào, cái nào hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, short course chắc chắn không thể thay cho du học. Nó chỉ giúp mình tiếp cận cách làm việc nhóm, những con người mới, mảng kiến thức mới nhưng rời rạc, không căn bản. Mình vẫn ưu tiên học kiến thức nền tảng, bài bản và nghiên cứu chuyên sâu tại trường. Short course cũng chỉ là hương hoa cuộc sống.

Từ năm 18 tuổi, Vy xác định mục tiêu lấy suất học bổng chính phủ toàn phần để du học. Nhưng khi đó, mình chưa xác định sẽ học gì cũng như ước mơ lớn nhất trong đời. Qua những short course, Vy nhận ra giáo dục là điều mình quan tâm và muốn theo đuổi nhất.

Tự cho mình cơ hội trước khi người khác cho

Tường Vy và các bạn làm bảng treo tên các loài cây dọc bờ sông cho du lịch sinh thái trong đợt tình nguyện ASEAN Youth Volunteers Programme, bang Perak, Malaysia, về bảo vệ đom đóm và đất ngập nước năm 2013 -
 Ảnh: Maxie
Tường Vy và các bạn làm bảng treo tên các loài cây dọc bờ sông cho du lịch sinh thái trong đợt tình nguyện ASEAN Youth Volunteers Programme, bang Perak, Malaysia, về bảo vệ đom đóm và đất ngập nước năm 2013 - Ảnh: Maxie

* Có thể tìm những short course quốc tế ở đâu?

- Dựa vào khả năng tài chính, năng lực và sở thích để chọn chương trình. Sinh viên có thể tham khảo trên bản tin của trường, báo chí, Internet, kết nối với người đi trước thông qua các nhóm chia sẻ online.

* Cần chuẩn bị hồ sơ gì để đăng ký short course?

- Thứ nhất là sơ yếu lý lịch (CV) bằng tiếng Anh, hộ chiếu, danh thiếp (sinh viên nên chủ động làm danh thiếp để tiện giao tiếp), giấy chứng nhận/ảnh hoạt động ngoại khóa, học thuật, trình độ tiếng Anh, thư giới thiệu từ thầy cô hoặc sếp.

 Thứ hai là hiểu về bản thân. Các bạn nên viết ra sổ tay 2 điểm mạnh, 2 điểm yếu, 2 ví dụ kinh nghiệm về thành công, thất bại của bản thân và mục tiêu phát triển cá nhân. Bạn có thể dựa vào đây để viết bài luận.

* Làm sao để viết bài luận tiếng Anh thành công?

- Các câu hỏi thường gặp là Vì sao bạn muốn tham gia chương trình? Vì sao họ nên chọn bạn? Hãy mang điểm mạnh của mình để liên hệ phù hợp với chương trình (về học tập, tình nguyện, kinh nghiệm làm dự án…).

Bạn đóng góp được gì cho chương trình (chụp ảnh, quay phim, thiết kế đồ họa, vẽ, viết lách, thuyết trình, làm đồ thủ công, hát hò nhảy múa…). Ngoài ra, hãy thành thật với điểm yếu của bản thân nhưng nhấn mạnh bạn đã và đang khắc phục nó như thế nào, chương trình sẽ giúp bạn cải thiện được gì.

* Vòng phỏng vấn diễn ra như thế nào?

Trước khi vào phỏng vấn, các bạn nên xem lại bài luận, gạch chân các ý chính, đoán câu hỏi, tập trả lời. Cuối cùng là chuẩn bị một câu hỏi cho người phỏng vấn. Trong lúc phỏng vấn, bạn cần phát âm rõ ràng, nói ngắn gọn đúng trọng tâm vấn đề. Tận dụng câu hỏi của bản thân về chương trình để thể hiện sự quan tâm kỹ càng, nghiêm túc.

Sau phỏng vấn, bạn nên gửi email cám ơn và bày tỏ ý muốn vào danh sách chờ trong trường hợp có ai đó trúng tuyển nhưng bỏ suất. Hãy tự cho mình cơ hội trước khi người khác cho mình cơ hội.

* Tỷ lệ chọi của các chương trình đều khá cao. Thất bại chắc là điều khó tránh?

- Nhiều bạn bảo “Mình muốn được đi như bạn lắm”, nhưng hỏi ra thì các bạn chẳng biết đi để làm gì, không chịu khó học tiếng Anh, viện cớ bận…

Không có bữa ăn nào miễn phí. Vy cũng phải vất vả, kiên nhẫn đọc, nghĩ, viết và nói để thuyết phục người ta và đối mặt với nỗi hồi hộp, chán nản vì rớt mãi.

Đăng ký hàng chục chương trình may ra đậu một chương trình là chuyện bình thường. Nhưng đó cũng là bài kiểm tra rằng bạn thích một điều gì đó tới mức nào. Tuy nhiên, đừng tự phụ! Đi được chưa chắc đã giỏi. Kỳ cùng, bản chất của việc đi là để học, để thấy giới hạn của mình mà cố gắng hơn.

Một số nhóm chia sẻ thông tin online

Youth Opportunities, YBOX, My Your Opportunities, Opportunity Desk, FFL Journal Opportunity Googlegroup, Opportunity Hunters Googlegroup, yo.edu.vn, doanthanhnien.vn, website đại sứ quán các nước tại Việt Nam...

Đăng ký khóa học ngắn hạn có đài thọ

Short course (tạm dịch là khóa học ngắn hạn) là chương trình ngắn hạn giúp thanh niên có cơ hội tham gia hội thảo, hội nghị, khóa tập huấn, học hè, trại hè ở phạm vi quốc tế.

Để được chọn, các ứng cử viên thường điền mẫu đăng ký online kèm theo bài luận khoảng 1000 từ hoặc các câu hỏi cụ thể thay cho bài luận. Một số chương trình có thêm vòng phỏng vấn online qua Skype hay điện thoại.

Dựa trên chi phí có thể chia làm 3 loại chương trình : đài thọ toàn bộ (vé máy bay, xe buýt, ăn ở, bảo hiểm, visa, tài liệu…); đài thọ một phần, còn lại tự lo (ba khoản nặng nhất là vé máy bay, ăn ở, phí đăng ký) và tự chi trả toàn bộ.

Trong đó các chương trình đài thọ toàn bộ yêu cầu khắt khe, đòi hỏi viết khá nhiều bài luận và phỏng vấn; tỉ lệ cạnh tranh cũng khá “khủng”. Ví dụ: Chương trình ASEAN Youth Volunteer 2014 ở Malaysia là 50/1.400, UNAOC-EF Summer School tháng 8-2014 ở New York là 75/15.000.

TƯỜNG HÂN ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên