01/12/2010 08:07 GMT+7

Bí mật xung quanh Bình Nhưỡng

THANH TUẤN
THANH TUẤN

TT - Các tài liệu do Wikileaks vừa tiết lộ cho thấy các nhà ngoại giao Mỹ đã tham khảo ý kiến của Hàn Quốc, Trung Quốc và Nga để cố vén màn bí mật xung quanh CHDCND Triều Tiên, nhất là vào thời điểm chuyển giao quyền lãnh đạo.

QOCl9Rp4.jpgPhóng to

Người dân Mỹ đọc thông tin về vụ rò rỉ thông tin ngoại giao trên các tờ báo tại Washington ngày 29-11 - Ảnh: Reuters

Chỉ có thể có những cải cách thật sự một khi những lạm dụng bị lôi ra ánh sáng. Tốt nhất là phát hiện những lạm dụng này ngay trước khi chúng xảy ra, còn không thì ngay lúc chúng còn đang được thai nghén. Bằng cách này, chúng ta mới có thể ngăn chặn

Julian Assange, tổng biên tập Wikileaks, trả lời phỏng vấn báo Đức Der Spiegel cuối tháng 7-2010 sau khi cho công bố các tài liệu mật.

Báo Le Monde, một trong năm tờ báo đăng tải các tài liệu mật được Wikileaks tiết lộ, cho biết tháng 4-2009 Đại sứ quán Mỹ tại Matxcơva tiếp một nhà ngoại giao Nga làm việc về hồ sơ CHDCND Triều Tiên.

Theo nhà ngoại giao này, thái độ không khoan nhượng về vấn đề hạt nhân và sự cứng rắn của Bình Nhưỡng đối với Hàn Quốc là nhằm “che đậy một cuộc đấu tranh nội bộ về người kế vị”, như một tài liệu mật vừa bị rò rỉ của Wikileaks mà báo Le Monde đăng tải.

Cùng lúc này, Đại sứ quán Mỹ tại Seoul cũng đang thảo luận đề tài này với một quan chức Hàn Quốc, người có nhiệm vụ giải mã các bí mật của Bình Nhưỡng.

Theo quan chức này, sự xuất hiện công khai của các tướng lĩnh CHDCND Triều Tiên là nhằm gửi đi một “thông điệp về trật tự” trong nước vào thời điểm có những dấu hiệu cho thấy sự không hài lòng xuất hiện. Quan chức này khẳng định: “Để chế ngự mọi bất đồng nội bộ, cần phải tạo ra sự căng thẳng bên ngoài”.

Vẫn theo các tài liệu bị rò rỉ của Wikileaks, tháng 1-2010 một viên chức Trung Quốc thân cận với CHDCND Triều Tiên đã gặp gỡ lãnh sự Mỹ tại một thành phố của Trung Quốc cho biết sự cứng rắn đối với bên ngoài không chỉ nhằm xoa dịu các chống đối nội bộ mà còn nhằm tạo ra một tiền đề tiên quyết cho một cuộc thảo luận trong tương lai với Mỹ, ở đó Bình Nhưỡng muốn có được “những đảm bảo an ninh” cho sự tồn tại của Bình Nhưỡng.

“Trước hết phải leo thang áp lực để tạo nên nhu cầu đối thoại” - quan chức Hàn Quốc này nói với phái đoàn ngoại giao Mỹ hồi tháng 4-2009. Trung Quốc cũng chia sẻ ý kiến này. Tại Bắc Kinh, một quan chức Trung Quốc giải thích với các nhà ngoại giao Mỹ hồi tháng 6-2009 rằng ông Kim Jong Il đã quyết định “leo thang căng thẳng với Mỹ” để tạo cơ hội cho người kế nhiệm ông - tức con trai út Kim Jong Un - “nhảy lên tàu để thi thố khả năng giảm áp lực”.

Liên quan đến tương lai của CHDCND Triều Tiên, báo Le Monde cũng cho biết vào tháng 2-2010 tại Seoul, một vị thứ trưởng Hàn Quốc khi trao đổi với các nhà ngoại giao Mỹ đã nói: “CHDCND Triều Tiên đã sụp đổ về kinh tế. Nước này sẽ sụp đổ về chính trị trong hai hoặc ba năm sau khi ông Kim Jong Il qua đời”.

Là quốc gia ủng hộ CHDCND Triều Tiên, Trung Quốc “sẽ không thể ngăn cản nổi việc này” - vị thứ trưởng nói tiếp. Trung Quốc hẳn nhiên là muốn chuyển đi một thông điệp ngược lại: “Các chuyên gia Mỹ không nên dự đoán rằng CHDCND Triều Tiên sẽ sụp đổ sau khi ông Kim Jong Il qua đời” - vị quan chức Trung Quốc được tiếp xúc tại Bắc Kinh hồi tháng 6-2009 cảnh báo các nhà ngoại giao Mỹ.

Thế nhưng về mặt chính thức, quan điểm của Bắc Kinh về tương lai của bán đảo Triều Tiên là muốn giữ nguyên trạng, vì sự tồn tại của CHDCND Triều Tiên cho phép thiết lập một “nhà nước đệm” giữa Trung Quốc và Hàn Quốc vốn thân Mỹ. Theo thứ trưởng Hàn Quốc từng gặp các nhà ngoại giao Mỹ tại Seoul tháng 2-2010, một số quan chức Trung Quốc lại tỏ ra cởi mở hơn - đương nhiên là trong chỗ riêng tư - về một viễn cảnh thống nhất giữa hai miền Triều Tiên.

Trung Quốc, như vị thứ trưởng Hàn Quốc này dẫn các nguồn tin của Trung Quốc, cho biết sẽ giải quyết việc này, nhưng Trung Quốc sẽ không chấp nhận sự hiện diện của quân đội Mỹ ở phía bắc của biên giới hiện tại. Ngoài ra, nước Triều Tiên thống nhất mới sẽ không được biểu thị “bất cứ thái độ thù nghịch” nào đối với Trung Quốc.

Phản ứng của Mỹ và các nước

73s5sfVp.jpgPhóng to

Tờ Der Spiegel, một trong năm tờ báo được Wikileaks cung cấp thông tin, bán tại Hamburg (Đức) ngày 29-11 - Ảnh: Reuters

* Mỹ: Nhà Trắng đã phản ứng gay gắt trước các thông tin bị rò rỉ khi cho rằng chiến dịch này là “một tội ác nghiêm trọng”. Người phát ngôn của tổng thống Robert Gibbs cho rằng Wikileaks và những người tiếp tay cho các thông tin này “là những tên tội phạm” khi nhấn mạnh những thông tin bị rò rỉ này “vi phạm nghiêm trọng luật pháp và đe dọa nghiêm trọng cho những người đang thực thi và giúp đỡ nền ngoại giao của chúng ta”. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cũng cho rằng “đây là một cuộc tấn công vào cộng đồng ngoại giao quốc tế”.

* Pháp: Paris cho rằng việc tiết lộ những thông tin này là “dễ dãi và vô trách nhiệm”. Nhân vật số 2 của Chính phủ Pháp, ông Alain Juppé, chỉ trích cách làm của Wikileaks là “tồi tệ” và “vô trách nhiệm”.

* Đức: Bộ trưởng ngoại giao Guido Westerwelle cho rằng đây chỉ là “những chuyện ngồi lê đôi mách” và khẳng định những thông tin này không hề ảnh hưởng đến quan hệ của Đức với Washington.

Ghi nhận của đặc phái viên Tuổi Trẻ từ New York: Vì sao New York Times đăng tài liệu mật của Wikileaks?

Cuộc tranh luận lớn nhất ở Mỹ hiện nay là cân bằng giữa quyền tự do báo chí - niềm tự hào được tu chính án số 1 hiến pháp bảo vệ - với ảnh hưởng nguy hại đối với quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và các nước đối tác.

Đã có những kêu gọi của các nghị sĩ đưa Wikileaks vào danh sách “khủng bố” vì những tổn hại do tổ chức này có thể gây ra đối với chính quyền Mỹ. Bộ Tư pháp Mỹ nói đang ráo riết hoàn tất hồ sơ hình sự đối với vụ việc. Trong ngày 29-11, việc siết chặt quy trình tiếp cận thông tin được tiến hành trong một loạt cơ quan liên bang ở Mỹ.

Cùng với việc đưa thông tin vụ Wikileaks chiếm gần trọn trang nhất số đầu tuần, tờ New York Times của Mỹ có lá thư giải thích với bạn đọc về quyết định đưa tin của mình. Tờ báo cho biết đã loại bỏ các thông tin có thể gây nguy hại tới những người cung cấp thông tin hay ảnh hưởng tới an ninh quốc gia. Tờ báo cũng khẳng định trước khi đăng tải họ đã gửi chính quyền Obama những bức điện mà tờ báo dự kiến đăng tải và nghe phản hồi. Tờ báo cho biết họ đồng ý một số gợi ý của chính quyền chứ không phải tất cả.

“Điều quan trọng khi công khai những thông tin này là các bức điện cho thấy sự thật về việc chính quyền đưa ra những quyết định quan trọng nhất như thế nào, những quyết định đã gây tổn hại lớn cho đất nước cả về sinh mạng và tiền bạc” - tờ New York Times viết. Trên trang web, tổng thư ký tòa soạn Bill Keller đã trực tiếp trả lời một loạt chất vấn của bạn đọc về quyền đăng tải thông tin từ Wikileaks cũng như khả năng nguy hại mà việc công bố gây nên.

Tờ báo giải thích: “Dù việc công bố thông tin bất chấp sự phản đối của chính quyền có đáng sợ tới đâu, nhưng sẽ coi thường người dân Mỹ nếu cho rằng họ không có quyền được biết những gì đang được làm nhân danh họ”.

Mọi nghi vấn đều đang nhắm về anh chàng binh nhất Bradley Manning, chuyên viên phân tích thông tin tình báo tại căn cứ quân sự Mỹ ở Iraq. Manning bị bắt hồi đầu năm nay và bị kết tội liên quan tới vụ lộ thông tin mật đầu tiên trên Wikileaks.

Người ta phát hiện viên binh nhất 22 tuổi này ngày ngày mang chiếc đĩa nhạc có tiêu đề Lady Gaga vào căn cứ để rồi xóa nhạc và tải các thông tin mật vào đĩa. Trong đoạn chat với một hacker khác, Manning khoe “tiếp cận được với hệ thống mạng mật 14 giờ một ngày, bảy ngày một tuần suốt hơn tám tháng”.

Một trong những sai lầm của chính quyền Mỹ trước vụ 11-9-2001 là để lọt thông tin tình báo về khả năng Al Qaeda tấn công. Để sửa chữa sai lầm đó, chính quyền Mỹ cho kết nối hệ thống liên lạc từ các sứ quán, cơ quan ngoại giao với Siprnet, hệ thống mạng thông tin của quân đội Mỹ. Tổng cộng hơn 3 triệu quân nhân, nhân viên ngoại giao Mỹ có thể tiếp cận với hệ thống dữ liệu mật này. Nhiệm vụ bảo mật với từng ấy con người quả là thách thức quá tầm.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

WikiLeaks "tấn công cộng đồng quốc tế"Rúng động như “vụ tấn công 11-9”WikiLeaks lại gây sốc“Quả bom” mới của WikileaksWikiLeaks nắm giữ nhiều tài liệu của Mỹ hơn so với thông báoThủ tướng Iraq lên án WikiLeaksWikileaks phơi bày bí mật cuộc chiến IraqWikiLeaks sẽ "công bố tài liệu mật về Nga và Trung Quốc"

THANH TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên