Phóng to |
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton phát biểu tại cuộc họp Hội đồng Bảo an LHQ ở trụ sở LHQ tại New York hôm 16-11 - Ảnh: Reuters |
Phóng to |
Từ ngày 28-11, trang Wikileaks đã công bố 251.287 bức điện tín của các đại sứ quán Mỹ trên khắp thế giới trao đổi với nhau trên địa chỉ http://cablegate.wikileaks.org. Trong đó, hơn 116.000 tài liệu được đánh dấu “mật”, 9.000 mang dấu “nhạy cảm”, có nghĩa là tài liệu quá nhạy cảm đến mức không thể chia sẻ với chính quyền nước ngoài.
"Các thông tin này cho thấy một bức tranh toàn cảnh chưa từng có về những thương lượng trong hậu trường theo như cách các nhà ngoại giao khắp thế giới đang thực hiện" |
Ngoại giao kiêm tình báo
Các tài liệu mật cho thấy chính quyền Mỹ yêu cầu các nhà ngoại giao ở nước ngoài của mình đóng vai trò lớn trong các hoạt động tình báo. Quan chức và nhân viên các đại sứ quán, lãnh sự quán Mỹ ở các nước có nhiệm vụ moi thông tin mang tính chất cá nhân từ các quan chức Liên Hiệp Quốc (LHQ) và quan chức ngoại giao các nước.
Ví dụ, một chỉ thị mật do Ngoại trưởng Hillary Clinton ký hồi tháng 7-2009 yêu cầu các quan chức ngoại giao Mỹ thuộc phái đoàn Mỹ tại LHQ tìm thông tin chi tiết về các hệ thống liên lạc được quan chức LHQ sử dụng, ví dụ như mật khẩu hoặc chìa khóa mã hóa. Một điện tín khác do bà Clinton ký còn yêu cầu tìm “thông tin tiểu sử và sinh trắc học” của các quan chức CHDCND Triều Tiên cấp cao trong phái đoàn của Bình Nhưỡng tại LHQ.
Bức điện tín này còn yêu cầu tìm thông tin về “phong thái quản lý và ra quyết định” của Tổng thư ký LHQ Ban Ki Moon, cũng như tầm ảnh hưởng của ông đối với Ban thư ký LHQ. Washington cũng đòi các thông tin cơ bản như số thẻ tín dụng, địa chỉ thư điện tử, số điện thoại, số fax và cả số tài khoản bay thường xuyên của các quan chức LHQ. Yêu cầu này được gửi đến phái đoàn Mỹ tại LHQ ở New York, Vienna (Áo), Rome (Ý) và 33 đại sứ quán, lãnh sự quán Mỹ trên toàn thế giới.
Một chỉ thị tương tự của bà Clinton gửi hồi tháng 4-2009 đòi thông tin về các nhân vật trọng yếu trong các lĩnh vực chính trị, tình báo, kinh doanh, tôn giáo, đối lập... ở CHDC Congo, Rwanda và Burundi. Danh sách thông tin bao gồm dữ liệu tiểu sử và sinh trắc học như sức khỏe, quan điểm về Mỹ, quá trình đào tạo, tính cách sắc tộc, kỹ năng ngôn ngữ, thậm chí cả dấu vân tay và ADN.
Báo Le Monde viết: “Nhiều người có thể sẽ không ngạc nhiên trước việc các nhà ngoại giao Mỹ thuộc về cộng đồng tình báo đến mức như thế. Những người khác vốn lâu nay tin rằng mình đang có những quan hệ thân thiết với các nhà ngoại giao, thì nay sẽ phải suy nghĩ trước khi đồng ý cho chụp một tấm hình kỷ niệm, hay để lại ADN qua một sợi tóc được tìm thấy trên cổ áo khoác trong phòng treo quần áo của tòa đại sứ”.
Những chuyện nhạy cảm khác Những chuyện ít người biết đến khác như việc các quan chức Mỹ và Hàn Quốc thảo luận về viễn cảnh một bán đảo Triều Tiên thống nhất khi CHDCND Triều Tiên sụp đổ, việc Mỹ gây sức ép buộc một số nước phải tiếp nhận tù nhân Guantanamo. Ví dụ, Washington tuyên bố với Slovenia rằng nước này phải tiếp nhận tù binh Guantanamo nếu tổng thống Slovenia muốn gặp ông Obama. Trong khi đó, đảo quốc Kiribati nhận được đề nghị hỗ trợ hàng triệu USD nếu giúp Mỹ giam tù binh Guantanamo. Một tài liệu cho thấy một “nguồn tin Trung Quốc” tiết lộ cho Đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh là Trung Quốc đã ra lệnh xâm nhập hệ thống của Google ở nước này. Mỹ cũng vài lần xung đột với đồng minh ở châu Âu vì vấn đề nhân quyền. Năm 2007, Washington cảnh cáo Đức không ra lệnh bắt các nhân viên Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) liên quan đến vụ bắt giữ một công dân Đức vô tội bị tình nghi là khủng bố và bị giam giữ ở Afghanistan. |
Nhân viên sứ quán Mỹ cũng có nhiệm vụ tìm hiểu thông tin về quan hệ quân sự giữa các nước châu Phi với Trung Quốc, Libya, CHDCND Triều Tiên, Iran và Nga, đặc biệt là việc mua bán uranium.
Trước những thông tin bị rò rỉ này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Philip Crowley chống chế: “Các quan chức ngoại giao Mỹ chỉ là nhà ngoại giao chứ không phải chuyên gia tình báo”, theo AFP.
Những chuyện “khó nói”
Báo New York Times cho biết rất nhiều nội dung trong số tài liệu trên sẽ đẩy quan hệ giữa quan chức ngoại giao Mỹ và thế giới Ả Rập vào thế “khó xử” và “xấu hổ”. Ví dụ, dù đang kêu gọi Iran ngồi vào bàn đàm phán, nhưng trên thực tế các đồng minh của Mỹ ở châu Âu và Trung Đông lại luôn tỏ ra nóng ruột và bi quan với Tehran và muốn có hành động mạnh.
Vua Saudi Arabia Abdullah bin Abd al-Aziz đã nhiều lần kêu gọi Washington tấn công quân sự các cơ sở hạt nhân Iran để “chặt đầu con rắn”, bởi “không thể tin bọn người Iran”.
Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak “có một sự hận thù truyền kiếp với Iran - một nhà ngoại giao Mỹ ở Cairo viết vào tháng 2-2009 - Ông ta xem họ là “những kẻ dối trá” và khuyến cáo “đừng nghe bất kỳ một lời nào họ nói”.
Tại Jordan, một bức điện tín của Mỹ, tháng 4-2009, viết “hình ảnh thường xuyên được các quan chức sử dụng khi nói về Iran là hình ảnh một con bạch tuộc đang vươn dài những cái vòi của nó” mà cần phải “chặt đứt ngay”. Chủ tịch thượng viện Zeid Rifai “báo trước rằng đối thoại với Iran là vô ích”, một bức điện tín viết và trích dẫn “hãy đánh bom Iran hoặc là sống chung với một Iran hạt nhân; trừng phạt, dụ dỗ, khuyến cáo chẳng tác dụng gì”.
Thông thường, các nước Ả Rập hiếm khi dùng lời lẽ mạnh mẽ như vậy một cách công khai. Israel tin rằng chiến lược ngoại giao của Tổng thống Mỹ Barack Obama với Iran “đã thất bại” và “thời gian đã hết”. Một cố vấn của Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy tuyên bố chính quyền Iran là “chế độ phát xít” và “đã đến lúc thực hiện những bước kế tiếp”.
Trong các bức điện tín, các quan chức ngoại giao Mỹ cũng có nhiều mô tả tiêu cực về các nhà lãnh đạo nước ngoài. Một loạt tài liệu đặt câu hỏi về mối quan hệ của Thủ tướng Ý Silvio Berlusconi với Thủ tướng Nga Vladimir Putin. Một bức điện tín khẳng định ông Berlusconi đang trở thành “cái loa phát ngôn” của ông Putin ở châu Âu. Các quan chức ngoại giao Mỹ cũng mô tả Tổng thống Nga Dmitry Medvedev chỉ là “Robin” phụ tá cho “người dơi” Putin.
Nhiều tài liệu khác mô tả Thủ tướng Đức Angela Merkel là người “không dám mạo hiểm và thiếu sáng tạo”, còn Ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle là “kẻ kiêu ngạo nhưng vô giá trị” và “chống Mỹ”. Xem ra Ngoại trưởng Mỹ Clinton sẽ khó ăn khó nói với ông Medvedev và bà Merkel khi gặp họ tại Kazakhstan trong hội nghị Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) tuần này. Các tài liệu cũng tiết lộ nhà lãnh đạo Libya Moammar Gadhafi là người “thất thường” và thường xuyên kè kè “một cô gái tóc vàng khêu gợi”, tức một nữ y tá Ukraine.
Bão táp ở các thủ đô thế giới
Những thông tin bị rò rỉ này đẩy Washington vào thế lúng túng. Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố đây là những báo cáo “không đầy đủ”, có thể đe dọa các nhà ngoại giao, nhân viên tình báo Mỹ. Nhà Trắng lên án việc tiết lộ những tài liệu này là “vô trách nhiệm và nguy hiểm”, và nhấn mạnh “những tiết lộ này gây nguy hiểm cho các nhà ngoại giao của chúng ta, các thành viên của cộng đồng tình báo và những người trên khắp thế giới đang kêu gọi nước Mỹ giúp đỡ để thúc đẩy dân chủ và chính phủ minh bạch”. Lầu Năm Góc cũng lên án việc rò rỉ những tài liệu “được thu thập bất hợp pháp” này, và cảnh báo sẽ có các biện pháp để “những vụ rò rỉ này không tái diễn nữa”.
Anh cũng lên án vụ rò rỉ này và cho rằng những tài liệu bị tiết lộ “đang gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia, không nằm trong lợi ích quốc gia và như Mỹ đã tuyên bố, có thể gây nguy hiểm cho nhiều người”.
Tại Rome, Bộ trưởng Ngoại giao Ý Franco Frattini cũng mô tả “đây là vụ 11-9 tấn công vào nền ngoại giao thế giới”. Reuters cho biết đại diện một số nước đã lên tiếng cho rằng tác động của vụ rò rỉ “rất tiêu cực” và “ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình xây dựng lòng tin”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận