Hơn 82% người dân Singapore sống trong các chung cư do chính phủ xây dựng (được gọi là HDB, viết tắt từ chữ Housing & Development Board). Ảnh chụp các khu HDB ở Novena - Ảnh: Lê Nam
Hơn 82% người dân Singapore sống trong các chung cư do chính phủ xây dựng (được gọi là HDB, viết tắt từ chữ Housing & Development Board).
Những căn hộ ở HDB được chính phủ xây, bán lại cho công dân, người có thẻ thường trú nhân và họ được sở hữu trong 99 năm.
Phó Thủ tướng Singapore Tharman Shanmugaratnam: 'Nước sốt bí mật'
Thường các HDB được xây thành những khu với vài block cao mười mấy hai mươi tầng gần nhau tạo thành một cộng đồng dân cư được cung cấp gần như đầy đủ trường học, chợ, siêu thị, phòng khám bệnh, trường mẫu giáo, hawker (khu ẩm thực), chỗ sinh hoạt chung, sân vận động, khu tập thể dục…
Cái mà chúng tôi thời kỳ mới đến Singapore, khi sống ở HDB luôn được các hàng xóm khéo léo "nhắc nhở" là phải thực hiện và xây dựng "Kampong spirit" (tạm hiểu là văn hóa làng, chữ Kampong có nghĩa là "làng" trong tiếng Malaysia).
Đó cũng chính là điều mà chính phủ Singapore muốn thực hiện và quản lý chặt chẽ nhằm tạo một văn hóa cộng đồng, thân thiện, gần gũi giữa hàng trăm căn hộ sống chung hài hòa trong một khu vực.
Trong một lần trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ Online khi khai trương khu nhà sinh hoạt cộng đồng ở Taman Jurong, Phó Thủ tướng Singapore Tharman Shanmugaratnam cho biết văn hóa làng ở HDB đã hình thành và ăn sâu trong khá nhiều người dân Singapore và nó là "một loại nước sốt bí mật" của Singapore (ông dùng từ secret sauce).
Chính phủ Singapore cố gắng tổ chức những cộng đồng dân cư, hàng xóm láng giềng ở các khu HDB để có thể hòa nhập những nhóm người với trình độ kinh tế, xã hội khác nhau, thu nhập, chủng tộc khác nhau cùng sống hòa hợp trong một khu dân cư không có cổng rào, không có cửa khóa cùng nhau chia sẻ các trang bị chung cho cả cộng đồng: sân tập thể dục, nhà sinh hoạt cộng đồng, khoảng xanh, công viên chung, chợ, trường mẫu giáo, phòng khám bệnh…
Điều này có thể dễ nhận thấy qua các loại ô tô đậu ở các bãi đậu xe trong HDB các dòng xe hạng sang: Porsche, Jaguar, Mercedes….đậu lẫn cùng các xe Kia, Proton (xe Malaysia)…
Một kiểu HDB phổ biến ở Singapore. Ảnh chụp trên đường Dorset. Ảnh: Lê Nam
Ngay cả Tổng thống hiện nay của Singapore Halimah Yacob cũng từng chọn ở lại HDB khu Yishun (phía bắc Singapore) sau khi đã được bầu làm Tổng thống.
Mãi vài tháng sau bà phải chuyển vào dinh Tổng thống trên đường Orchard vì việc áp dụng an ninh bảo vệ quá cao lại làm phiền cuộc sống thường nhật của hàng xóm.
Phó thủ tướng Tharman Shanmugaratnam cho biết có một thực tế là người dân dần khá giả lên, họ chuyển ra khỏi HDB để đến các khu condominium (khu căn hộ cao cấp, biệt lập) hoặc nhà riêng bên ngoài nhưng rồi khi về già họ lại quay lại mua, thuê để sống trong các HDB cũng chính vì cần và nhớ cái không khí "làng xã", cộng đồng mà chỉ có ở các HDB.
Đó là nơi mà mỗi buổi sáng sớm người dân chào nhau trên các đường đi bộ, các khu có máy tập thể dục cho người lớn tuổi, những sân tập Thái Cực Quyền, khí công...nơi các cụ già ngồi đánh cờ, tán dóc…
Rất kỉ luật
Tất nhiên không phải ai ở trong các căn hộ HDB cũng có những hành xử đúng mực và phù hợp với quy định của chính phủ Singapore nên chuyện cư xử có văn hóa, chuẩn mực cũng được nhiều người dân ở đây tranh cãi, bàn luận.
Họ vẫn thường nhắc nhở nhau, nhìn nhau mà cư xử, trao đổi và sẵn sàng đưa nhau ra pháp luật khi các giải pháp trên không hiệu quả.
Đốt vàng mã, một tập tục của người Singapore gốc Hoa, được nghiêm túc thực hiện bên ngoài khu dân cư và được chính quyền địa phương thu xếp ngăn nắp. Ảnh chụp ở khu HDB trên đường Dorset - Ảnh: Lê Nam
Cư dân sống ở lầu trên kéo bàn, ghế vào ban đêm, giờ nghỉ…sau khi nhận được phản ánh của người ở lầu dưới ban quản lý khu dân cư sẽ nhắc nhở và nếu tái phạm, gây phiền toái….cảnh sát sẽ đến ngay.
Môi trường chung, xung quanh chung cư được ban quản lý cả khu chung cư quan tâm nhiều vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến cộng đồng: cầu thang, khoảng không có họng cứu hỏa, thang máy tuyệt đối không thể bị chiếm dụng, có vật chắn…
Ngay cả việc vứt rác cũng không gây phiền hà cho người khác. Mỗi nhà có một họng rác riêng thả rác xuống bãi rác chung (được dọn đi vào mỗi sáng). Với các đồ đạc có kích thước lớn hơn họng rác, phải để gọn gàng ở bên ngoài thùng rác.
Khu dân cư cũng quy định chỉ cho để mỗi tháng một căn hộ chỉ được phép để từ 3-4 vật dụng to (ghế, bàn….) ra khu này. Nếu thải ra nhiều hơn, phải chi tiền để người dọn dẹp mang đi và tiền đề tiêu hủy.
Một trong những thông báo thường thấy ở các khu HDB là tuyệt đối cấm không được cho chim, thú (mèo, khỉ…) ăn bên ngoài vì sẽ tạo nên một thói quen đến của những loại thú này. Hồi tháng 4 năm ngoái một con khỉ đã làm náo loạn khu HDB đường Segar vì thường xuyên leo vào các căn hộ để tìm thức ăn.
Cơ quan quản lý môi trường quốc gia (NEA) giám sát chặt chẽ và đẩy mạnh việc khuyến khích người dân kiểm soát và hạn chế khả năng sinh sôi của muỗi. Họ cho người đi kiểm tra và phạt nặng những ai tạo điều kiện để muỗi sinh sôi trong cộng đồng.
Hồi chúng tôi còn ở khu chung cư HDB trên đường Bukit Purmei vẫn thường xuyên nhìn thấy nhân viên NEA tay cầm que dài có một đầu buộc vải để thả hóa chất, dầu xuống cống triệt đường sinh sôi của muỗi.
Tôi ở tầng trệt nên có tổ chức một khu vườn nhỏ sau nhà, dù tôi đã cẩn thận úp các chậu cây xuống nhưng các vành chậu vẫn đọng một lượng nước nhỏ ở đó, nhân viên NEA trước khi bước vào nhà kiểm tra các vị trí khả nghi khác buộc tôi phải đổ sạch nước còn nằm trong cách vành chậu này và nhắc nếu để lặp lại sẽ phạt.
Họ còn đi thẳng vào nhà đến hai vị trí dễ đọng nước: phần khay hứng nước ở kệ rửa chén bát gần bồn rửa và nhà vệ sinh để kiểm tra nguồn sinh sôi của muỗi.
Gia đình người hàng xóm chỗ tôi đã bị phạt 200 SGD (tương đương hơn 3,2 triệu đồng) vì không để ý cái khay nhỏ hứng nước chảy từ chén bát sau khi rửa xong chảy xuống. Sau một thời gian không để ý nước đủ để muỗi đẻ trứng, nở thành lăng quăng.
Lần kiểm tra gần nhất nhân viên NEA đi thẳng đến đó, thò ngón tay vào trong, sau đó kéo cái khay ra và bật đèn pin nhìn vào. Ông này phát hiện có lăng quăng bên trong cái khay nhỏ đó liền lập biên bản và kê hóa đơn phạt gia đình hàng xóm.
Phun thuốc diệt muỗi, côn trùng vào cống rãnh ở khu HDB trên đường Bukit Purmei - Ảnh: Lê Nam
Dù là khuôn viên mở (không hàng rào, ngăn cách…) nhưng ngày nào cũng có một lực lượng lao công đi quét rác, định kỳ là cắt cỏ, rửa hành lang từ tầng cao nhất đến tầng trệt… nên việc xả rác, treo lồng chim, chậu hoa, đồ đạc bừa bãi có khả năng gây nguy hiểm cho người khác…là một hành động được xem là vô văn hóa và bị phạt nặng.
Chúng tôi, người thuê nhà, vẫn được người hàng xóm nhắc nhở mỗi khi làm điều gì có thể gây phương hại đến người khác trong cộng đồng. Không ném rác, vật dụng qua cửa sổ xuống đất dù ở tầng thấp nhất.
Hồi tháng 1 năm 2018, một cô giúp việc 31 tuổi người Indonesia sống ở tầng hai khu HDB đường số 9 ở Ang Mo Kio đã bị cảnh sát bắt và phạt nặng vì vứt đồ đạc từ cửa sổ nhà (cách mặt đất chừng 4m).
Sống chung với nhau trong khu HDB lại thấy có tình người, chúng tôi trao đổi bánh, đặc sản địa phương mỗi khi có dịp. Bà Oyl thỉnh thoảng chuyển cho chúng tôi mấy cái cây rau để trồng trong vườn, khi là mấy quả cam, lúc thì là cái bánh cho mấy đứa nhỏ.
Khi biết chúng tôi sắp chuyển đi ở một nơi mới vì mỗi ngày cậu con trai mất đến hơn 3 tiếng đồng hồ ngồi xe buýt đến trường hai người hàng xóm đã sang chào và tặng quà chia tay.
Diễn đàn Xây dựng văn hóa chung cư do báo Tuổi Trẻ tổ chức với sự đồng hành của Công ty cổ phần đầu tư kinh doanh địa ốc Hưng Thịnh chính thức mời bạn đọc gửi hiến kế, chia sẻ kinh nghiệm.
Các ý kiến thiết thực sẽ được đăng tải trên báo Tuổi Trẻ ngày và TTO. Đặc biệt, ban tổ chức sẽ bình chọn và dành tặng 5 phần quà trị giá 5 triệu đồng/phần cho cá nhân, tập thể có ý kiến đặc sắc.
Ý kiến gửi về email: maicong@tuoitre.com.vn (từ nay đến hết ngày 31-5).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận