Ảnh minh họa |
Khẳng định của thượng tướng Lê Quý Vương - thứ trưởng Bộ Công an - về việc bí mật giám sát hoạt động của cảnh sát giao thông (CSGT) đã nhận được nhiều ý kiến hiến kế từ bạn đọc.
Theo Bộ Công an, năm 2015 thông qua các hoạt động cả công khai lẫn bí mật sẽ tăng cường chấn chỉnh hoạt động của lực lượng CSGT, đặc biệt là liên quan tới quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm của CSGT ở ngoài đường.
Ứng dụng khoa học kĩ thuật trong xử lý vi phạm
Theo thượng tướng Lê Quý Vương, việc kiểm soát và phát hiện vi phạm sẽ được thông báo bằng văn bản tới giám đốc công an các địa phương để những người đứng đầu lực lượng này tại địa phương đó trực tiếp chịu trách nhiệm chỉ đạo xử lý dứt điểm.
Lưu ý thêm, thượng tướng Vương cho biết: “Ngoài việc các trưởng, phó phòng CSGT thì phó giám đốc công an địa phương phải thường xuyên ra đường kiểm tra hoạt động của cán bộ, chiến sĩ CSGT. Các anh ra kiểm tra để xem anh em có khó khăn, thuận lợi gì, khen kịp thời, chê kịp thời và có biện pháp xử lý kịp thời”.
Thuợng tướng Vương nhấn mạnh: “Bộ Công an đang nghiên cứu để hướng tới ứng dụng khoa học kỹ thuật trong xử lý vi phạm”.
Cụ thể, việc xử phạt vi phạm thông qua tài khoản sẽ được áp dụng để đảm báo tình hiệu quả, hạn chế tối đa những trường hợp tiêu cực mà nhân dân phản ánh.
>> Thượng tướng Lê Quý Vương
Cần có máy quay và thiết bị ghi lại lộ trình
Đồng ý với chia sẻ của thượng tướng Lê Quý Vương trong việc ứng dụng khoa học công nghệ, bạn đọc Ngô Quí Linh đề xuất: “Có một cách đơn giản nhưng rất hiệu quả trong việc giám sát hoạt động của lực lượng CSGT đó là gắn bộ phận theo dõi hành trình”.
Ảnh minh họa |
Giải thích về điều này, bạn đọc Quí Linh cho biết thiết bị sẽ ghi lại lộ trình của các xe tuần tra, thời gian dừng tại một địa điểm, có bao nhiêu xe tuần tra cùng dừng tại một điểm.
Đồng thời, để hạn chế các tiêu cực trong quá trình xử lý vi phạm, bạn đọc Quí Linh cho rằng: “Nếu trang bị thêm cho mỗi xe một camera, một bộ chân camera và quy định khi xe tuần tra CSGT dừng lập trạm phải dựng camera quay lại toàn bộ hoạt động kiểm soát giao thông, xử lý vi phạm thì càng tốt. Các thiết bị này giờ rất nhỏ gọn, hoàn toàn có thể bỏ vào cốp của xe tuần tra. Việc quay phim vừa có chức năng giám sát hoạt động của CSGT, vừa có chức năng ghi lại hình ảnh những người vi phạm có hành vi chống đối để có cơ sở xử lý sau này”.
Trong khi đó, bạn đọc Trần Tánh mong muốn có số điện thoại đường dây nóng tương tự như các cơ quan chức năng khác để người dân có thể nêu ý kiến trực tiếp hoặc phản ánh về những tiêu cực mà họ gặp.
Bạn đọc tên Sơn ý kiến: “Chỉ cần quy định thưởng cho người phát hiện, tố cáo…”
Bạn đọc Thanh Vân nói tại một số điểm là chốt cố định nên có máy quay phim bí mật.
Anh Lưu Nghiệp Huy (Q.6, TP.HCM) cho rằng: “Việc giám sát CSGT rất nên làm, đáng lý phải làm từ đầu. Nên giám sát bí mật…”
>> Anh Lưu Nghiệp Huy
Là một tái xế, anh Vũ Hoàng Minh Trọng (Quận Tân Bình, TP.HCM) cho biết các cơ quan chức năng nên cử người hóa trang thành những lái xe tải, nhất là các xe tải trọng lớn vì CSGT thường tập trung kiểm tra các loại phương tiện này.
Anh Minh Trọng cho rằng người đi xe máy sẽ khó tiếp cận và giám sát CSGT hơn. “Nên đóng vai là những người chạy xe ôm để tiếp cận gần CSGT đang làm nhiệm vụ. Người bình thường nếu đứng gần thì mấy anh nghi, đuổi đi hết!” - anh Minh Trọng nói.
>> Anh Vũ Hoàng Minh Trọng
Phải có quy định, chế tài rõ ràng
Luật sư Huỳnh Phước Hiệp (Văn phòng luật sư Huỳnh Phước Hiệp, Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết: “Có hai khía cạnh cần phải đề cập liên quan đến việc giám sát hoạt động của CSGT là giám sát từ phía cơ quan quản lý và từ phía người dân”.
“Trước đây, từng có văn bản cấm quay phim chụp ảnh CSGT. Sau đó văn bản đã bị vô hiệu lực vì đơn giản là người dân có quyền quay phim, chụp ảnh, ghi âm CSGT, quan trọng là việc sử dụng những hình ảnh, âm thanh đó như thế nào” – LS Hiệp nói.
Từ ví dụ trên, luật sư Hiệp khẳng định người dân hoàn toàn có quyền bí mật hoặc công khai giám sát hoạt động của CSGT. Riêng về cơ quan quản lý, luật sư Hiệp lưu ý giữa văn bản, giấy tờ và thực tế phải đi liền với nhau. Việc thực thi phải nghiêm minh và dễ thực hiện.
>> Luật sư Huỳnh Phước Hiệp
Luật sư Hiệp nhận định: “Có văn bản rồi thì phải có quy chế rõ ràng, chế tài nghiêm, không được du di, việc giám sát sẽ có kết quả”.
>> Luật sư Huỳnh Phước Hiệp
Tách bạch giữa “xử lý” và “thu phạt” Tại nhiều quốc gia như Mỹ, Đức, Úc,… CSGT không có quyền trực tiếp nhận tiền phạt từ người vi phạm luật giao thông. Từng sinh sống tại Đức, ông Vũ Hải Sơn - Giảng viên Trung tâm Bồi dưỡng và đào tạo nguồn nhân lực (ĐH KHXH&NV - ĐHQG TP.HCM) cho biết có hai hình thức xử phạt là “phạt nóng” và “phạt nguội”. Ông Sơn giải thích “phạt nóng” là khi CSGT yêu cầu dừng xe, ghi số tiền phạt rồi tự động ngân hàng sẽ trừ vào tài khoản của người vi phạm. “Phạt nguội” là có camera quan sát ghi nhận hình ảnh vi phạm luật giao thông, người vi phạm phải đến Sở Cảnh sát để giải trình, nếu giải trình không thỏa đáng thì tài khoản của người vi phạm sẽ tự động bị trừ. Ông Sơn nhấn mạnh: “Tuyệt đối không dùng tiền mặt trong xử lý vi phạm và CSGT cũng không được quyền thu tiền trực tiếp từ người vi phạm”. >> Ông Vũ Hải Sơn Thông tin thêm, ông Sơn cho biết, tại Đức, có chức danh Thanh tra cảnh sát. Những người này mặc đồ dân thường, cố tình vi phạm luật giao thông để xem CSGT sẽ xử phạt như thế nào, có đúng quy định pháp luật không? Đồng thời, hệ thống camera quan sát cũng được lắp đặt để ghi lại mọi hành động. >> Ông Vũ Hải Sơn Chính việc tách bạch giữa “xử lý” và “thu phạt” tại các quốc gia này làm hạn chế tối đa những tiêu cực trong xử phạt hành chính, chấn chỉnh nề nếp tác phong của lực lượng CSGT. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận